Theo tôi, nhà trường, mà đặc biệt là người đứng đầu, giữ vai trò quan trọng để giáo viên hạnh phúc.
1. Quyết đoán và công bằng
Sẽ thật khó đáp ứng đầy đủ yêu cầu của giáo viên trong trường khi bố trí công việc, nhưng trước yêu cầu đa dạng, dựa vào nguyên tắc đặt ra, bàn bạc trong tập thể rồi hiệu trưởng suy nghĩ thấu đáo mà quyết định.
Có thể một, hai giáo viên không hài lòng, nhưng nếu công bằng tôi tin tập thể sẽ ủng hộ - đó là nền tảng quan trọng để nhiều giáo viên trong trường có hạnh phúc.
2. Trong công việc, đừng tạo áp lực cho thầy cô
Công việc thường ngày, phong trào ngành... khiến giáo viên chỉ dạy đủ số tiết và hoàn thành cũng đã mệt lắm! Vì vậy, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nghiên cứu kỹ văn bản hướng dẫn, cùng với các bộ phận liên quan dự kiến công tác triển khai những gì là mới, là thêm dựa trên đặc điểm của giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất của nhà trường.
Giáo viên làm đúng - dù ít, hãy tuyên dương, khen thưởng; khi giáo viên làm sai - chỉ cho họ thấy, giúp họ sửa sai. Làm được vậy, hiệu trưởng mới đúng nghĩa là "leader". Được vậy, các thành viên trong nhóm hạnh phúc quá đi chứ!
3. Quan tâm đến giáo viên khó khăn
Đó là khó khăn về vật chất (thường là giáo viên trẻ), giáo viên ốm đau, có việc khó đột xuất... Hãy làm thật lòng, bằng tất cả thành ý, giáo viên cảm nhận được. Tập thể từ "trạng thái tự do" dần kết nối, giáo viên yên lòng trong mỗi ngày đến trường. Hiệu trưởng lúc này như nhạc trưởng, chắc hẳn dàn hợp xướng vang mãi những khúc yêu thương, giáo viên hạnh phúc.
4. Tiết kiệm để có những khoản chi cho giáo viên
Chi khen thưởng, hỗ trợ giáo viên đi học, lúc giáo viên ốm đau, gia đình có việc hiếu hỉ. Hiệu trưởng "cân, đong, đo, đếm" mọi nguồn thu - chi trong trường từ đầu năm để chăm lo cho giáo viên, ai mà chẳng vui.
5. Đáp ứng nhu cầu tinh thần của giáo viên
Phát triển thói quen đọc sách, gọn nhẹ khi hội họp - tích hợp các nội dung bổ ích; những lúc có thể, tổ chức cho giáo viên có cơ hội vui chơi giải trí cùng gia đình và kết nối với những gia đình khác... Hoạt động nào cũng đòi hỏi kinh phí, hiệu trưởng tiết kiệm nhưng chớ hà tiện. Khéo lo, giáo viên sẽ chung tay, qua khó khăn là giáo viên... cười, họ đang hạnh phúc đó.
6. Lúc giáo viên khó...có hiệu trưởng
Nghe có vẻ khẩu hiệu nhưng ví dụ, những lúc họ có thể bị học sinh, phụ huynh xúc phạm hay lúc họ xung đột với đồng nghiệp, có thể cả xung đột với cấp trên - hiệu trưởng có mặt bên giáo viên, cùng thầy cô giải quyết.
Ôn thi vất vả, hiệu trưởng nhắc bộ phận văn phòng lo nước uống, trái cây, bánh kẹo; cuối mỗi tiết dạy về phòng nghỉ, anh em "tiệc trà" vui; mệt mỏi nhờ vậy cũng vơi đi.
Lúc xảy ra xung đột, hiệu trưởng bình tĩnh để mỗi bên (giáo viên - giáo viên, giáo viên - học sinh, giáo viên - phụ huynh) không đi "quá xa" mà rơi vào điểm hung.
Hiệu trưởng muốn vậy, cần bám trường, lớp; phân công trực trường (lịch trực của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trong từng tuần) chỉ là phân công giải quyết sự vụ, điều đó không được hiểu là phân công rồi, hiệu trưởng khi không có ngày trực... nghỉ thôi!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận