07/06/2021 08:03 GMT+7

Hiệu trưởng đại học là nghề chuyên nghiệp

TS HOÀNG NGỌC VINH
TS HOÀNG NGỌC VINH

TTO - Hiệu trưởng đại học có thể xem như giám đốc điều hành trong một doanh nghiệp đặc thù với vai trò và trách nhiệm rất lớn đòi hỏi những năng lực, phẩm chất hết sức chuyên nghiệp để lãnh đạo và quản lý một cơ sở giáo dục đại học.

Hiệu trưởng đại học là nghề chuyên nghiệp - Ảnh 1.

Tuy nhiên, như Tuổi Trẻ ngày 4-6 phản ánh, trong thời gian qua, không ít trường ĐH khuyết hiệu trưởng trong thời gian dài, gây ra những khó khăn nhất định trong việc lãnh đạo và quản lý trường ĐH.

10 nhiệm vụ của hiệu trưởng

Theo phân loại nghề tiêu chuẩn quốc tế, hiệu trưởng luôn thuộc nhóm đầu tiên thuộc nhóm lãnh đạo quản lý với hơn 10 nhiệm vụ từ việc phối hợp với hội đồng trường xây dựng kế hoạch chiến lược, thực hiện giám sát mọi hoạt động của trường đến việc tuyển sinh, kiểm soát nguồn lực cơ sở vật chất, con người cho đến lãnh đạo đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu cũng như cán bộ nhân viên khác... 

Hiệu trưởng còn phải cùng với hội đồng trường tổ chức và huy động nguồn lực tài chính hợp pháp, xử lý các mối quan hệ với truyền thông đại chúng để quảng bá hình ảnh của nhà trường, chịu trách nhiệm giải trình về hành động và kết quả các công việc điều hành nhà trường với hội đồng trường và cơ quan có thẩm quyền. 

Những nhiệm vụ và trách nhiệm này đã được Luật giáo dục ĐH sửa đổi 2018 quy định tại điều 20.

Vậy tại sao nhiều trường khuyết hiệu trưởng trong thời gian dài?

Nguyên nhân do nhiều cơ sở giáo dục ĐH chậm triển khai thành lập hội đồng trường theo luật định hoặc có thành lập nhưng chỉ để cho có, quyền lực thực chất vẫn nằm trong tay hiệu trưởng nên phần nào hội đồng trường không phát huy được quyền hạn và thực thi trách nhiệm của mình. 

Đến khi luật có hiệu lực, hội đồng trường được thành lập chờ các thủ tục phê duyệt thì thời gian để bổ nhiệm hiệu trưởng mới không còn nhiều, đành để khuyết hiệu trưởng.

Việc chậm trễ trong quy hoạch hiệu trưởng kế cận trách nhiệm đầu tiên thuộc chủ tịch hội đồng trường. Lẽ ra việc này phải làm từ trước khi hiệu trưởng nghỉ hưu một số năm nhưng do năng lực của chủ tịch hội đồng trường hạn chế nên dễ bị hiệu trưởng đương nhiệm thao túng, lấn át.

Đó là chưa kể khi một nhiệm kỳ hiệu trưởng sắp mãn nhiệm, nguy cơ mất đoàn kết nội bộ, sự gây ảnh hưởng của các nhóm lợi ích trong tổ chức sẽ không tránh khỏi và tần suất đơn từ khiếu kiện cũng dường như rộ lên vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ của hiệu trưởng. 

Hội đồng trường không có thước đo và chiến lược đánh giá khách quan hiệu trưởng cũng như các ứng viên hiệu trưởng tiềm năng thuộc diện quy hoạch thì sẽ rất khó chọn ra được hiệu trưởng là lãnh đạo có tính chuyên nghiệp trong tương lai.

Cần tiêu chí, tiêu chuẩn

Có thể thấy một thực tế thời gian qua công tác đào tạo cán bộ quản lý nhà trường ở nhiều trường bộc lộ quá nhiều yếu kém, quá nặng về những lý luận giáo điều hoặc những nội dung không gắn với việc nâng cao những kỹ năng lãnh đạo điều hành nhà trường trong bối cảnh tự chủ giáo dục ĐH mạnh mẽ. 

Vì không được trải nghiệm trong thực tế lãnh đạo quản lý, công tác đào tạo bồi dưỡng buông lỏng, nặng về lý luận, thiếu vận dụng thực tiễn nên việc hẫng hụt cán bộ lãnh đạo nhà trường là kết cục tất yếu.

Như vậy, để thực sự hiệu trưởng là một nghề có tính chuyên nghiệp cao trong lãnh đạo và quản lý trường ĐH, điều cấp thiết là phải xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn đo lường đánh giá năng lực phẩm chất của hiệu trưởng trường ĐH mà không chỉ quá nhấn mạnh vào các quy định phải có chứng chỉ này nọ. 

Vì chứng chỉ chưa hẳn là thước đo năng lực và phẩm chất của hiệu trưởng cũng như khó đánh giá trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng. Khi có tiêu chí và tiêu chuẩn thì việc hội đồng trường có thể tuyển chọn trong số các ứng viên tiềm năng tại chỗ hoặc "thuê" hiệu trưởng từ nơi khác đến không mấy khó khăn và hiện tượng thay hiệu trưởng xoành xoạch cũng hạn chế nhiều.

Mặt khác phải có đổi mới mạnh về công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục ĐH theo quyết định 89/QĐ-TTg 2019 của Thủ tướng. Một phần không kém quan trọng là vẫn phải đổi mới mạnh thể chế trong công tác cán bộ, đặc biệt quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan quản lý cấp trên nhà trường để xảy ra việc chậm trễ bổ nhiệm hiệu trưởng trường ĐH, xử lý nghiêm những cán bộ có thái độ lừng khừng, có dấu hiệu vòi vĩnh khi làm công tác nhân sự. 

Luật đã cho phép trường tự chủ thì cơ quan quản lý bên trên cần đặt lòng tin vào nhà trường, tạo nên sự tin tưởng lẫn nhau, khi đó tự chủ mới có thể đi vào thực chất.

Nhiều hệ lụy

Việc khuyết hiệu trưởng trong thời gian dài sẽ là nguồn cơn của những kiện cáo gây mất đoàn kết nội bộ, do các nhóm lợi ích trong trường nhân cơ hội khuyết người lãnh đạo để tranh thủ vì những động cơ không lành mạnh. Từ đó, hình ảnh của nhà trường có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến niềm tin của công chúng suy giảm và không muốn gửi con em vào một môi trường có văn hóa như thế.

Khó khăn trong thủ tục bổ nhiệm

Thủ tục quy hoạch, bổ nhiệm hiệu trưởng của cơ quan quản lý cũng khiến các trường tốn không ít thời gian. Đó là chưa kể trường hợp hồ sơ còn bị ngâm bởi rất nhiều lý do khác nhau như nhà trường có đơn thư kiện cáo này nọ, rồi cán bộ thụ lý hồ sơ tắc trách, quan liêu, dây dưa thủ tục theo văn hóa "xin cho" không phải không có ở cả cấp địa phương và bộ ngành quản lý trường.

Vì sao nhiều trường đại học lại không có hiệu trưởng? Vì sao nhiều trường đại học lại không có hiệu trưởng?

TTO - Hàng loạt trường đại học không có hiệu trưởng chính thức suốt một thời gian dài, chỉ có quyền hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng phụ trách. Vì sao như vậy?

TS HOÀNG NGỌC VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp