29/05/2019 22:17 GMT+7

Hiệu trưởng đại học đi làm phim tài liệu chiến tranh

NGỌC DIỆP thực hiện
NGỌC DIỆP thực hiện

TTO - 50 phút phim tài liệu 'Không chiến Việt Nam - Những cánh én đầu tiên' lấy của các thành viên Én Bạc Studio 5 năm ròng rã. Điều bất ngờ là đạo diễn bộ phim tài liệu chiến tranh này là ông Lê Nguyên Bảo - hiệu trưởng Đại học Duy Tân.

Hiệu trưởng đại học đi làm phim tài liệu chiến tranh - Ảnh 1.

Một cảnh trong phim “ - Những cánh én đầu tiên”

'Không chiến Việt Nam - Những cánh én đầu tiên' ra mắt tại Hà Nội hôm 15-5 nhận về rất nhiều tò mò vì đơn vị thực hiện là một studio của trường đại học. Vì sao? Sau buổi chiếu, ông Lê Nguyên Bảo trả lời Tuổi Trẻ.

Muốn có cái nhìn đầy đủ hơn

* Nhiều người tò mò tại sao studio một trường đại học lại dấn thân vào lĩnh vực khó khăn thế này?

- Vì tôi cảm thấy tự ái dân tộc khi qua Mỹ. Thời học bên đó tôi được xem rất nhiều phim về chiến tranh Việt Nam, chủ yếu là từ góc nhìn của người Mỹ và những lý lẽ của họ. Khi xem những phim không chiến của Mỹ, tôi tự hỏi tại sao mình không làm những trận thắng trong không chiến của Việt Nam.

Chúng tôi đã quyết định làm về trận ra quân đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam năm 1965 và đặt tên phim là Không chiến Việt Nam - Những cánh én đầu tiên.

Trailer Không chiến Việt Nam - Những cánh én đầu tiên

Cuộc đối đầu giữa MiG-17 (được trang bị súng) của Việt Nam với "thần sấm" F-105 và "thanh bảo kiếm" F-100 của Mỹ (được trang bị tên lửa) không khác gì lấy dao chọi với súng cả. Vậy mà chúng ta đã bắn rơi được F-105 ngay trận đầu tiên. Chiến thắng này có ý nghĩa rất quan trọng với Không quân nhân dân Việt Nam.

Tôi nghĩ Việt Nam cần có nhiều tác phẩm hơn về lịch sử, dưới định dạng nào cũng được, để cung cấp cho các bên thứ ba có nhu cầu nghiên cứu, giúp họ có cái nhìn đầy đủ hơn về chiến tranh Việt Nam.

* Quy mô phim rất lớn so với một studio cấp trường. Vì sao ông vẫn kiên nhẫn duy trì?

- Tôi đã bị phê phán rất nhiều vì kéo dài quá trình làm phim mà không đem lại kết quả. Nhưng vì mình "lên thuyền rồi, xuống thuyền chắc xuống nước quá" nên cố gắng "cập bến". Phim này tập trung làm một năm rưỡi là xong, nhưng kéo dài tới năm năm vì không có đủ kinh phí và nhân lực.

Trên phim tôi đứng tên đạo diễn nhưng gọi tôi là trưởng dự án thì đúng hơn, vì dự án khởi thủy là phim hoạt hình 3D, làm về các trận không chiến của Việt Nam. Nhưng rồi chúng tôi nhận thấy nếu vậy thì chỉ những người đam mê hàng không và không chiến mới hiểu được, do đó chúng tôi chuyển thành phim tài liệu.

* Ra mắt phim, ông nói làm phim vì muốn để lại sản phẩm cho đời. Vì sao vậy?

- Mục đích của tôi là tạo ra sản phẩm để lại giá trị. Có thể với người khác giá trị sản phẩm là tài chính, nhưng tôi nghĩ còn nhiều thước đo giá trị khác. Nếu sản phẩm đem lại ý nghĩa tốt đẹp thì nó cũng có giá trị tương đương các giá trị khác.

Hiệu trưởng đại học đi làm phim tài liệu chiến tranh - Ảnh 3.

Ông Lê Nguyên Bảo với apphich phim

Điều cần cho sinh viên vào đời

* Hẳn ông cũng nhận được sự hỗ trợ của người cha là nhà giáo Lê Công Cơ, trước là Đại học Duy Tân, nay là chủ tịch hội đồng trường?

- Ba tôi từng tham gia các trận chiến trong chiến tranh nên bản thân ông rất quan tâm đến các vấn đề về lịch sử. Ông vẫn thường nói mình còn sống trở về là "lãi ròng" rồi, chứ những đồng đội đã hi sinh của ông giờ đâu còn cơ hội để kể lại câu chuyện của họ. Nên ông ủng hộ các tác phẩm làm về chiến tranh Việt Nam.

Trong gia đình, ba tôi tôn trọng sở thích, mong muốn của con cái nên tôi cũng có khoảng không gian để làm những việc mình quan tâm.

* Tôi tự hỏi ông xử lý thời gian thế nào khi vừa làm hiệu trưởng, vừa đạo diễn một bộ phim chiến tranh phức tạp? Liệu việc làm phim này có ích gì cho việc phát triển đội ngũ của ông tại trường?

- Thời gian làm phim tôi đang giữ chức hiệu phó, ngoài ra quản lý khoảng chục trung tâm, đơn vị nữa của trường. Phim là sở thích, vì thích nên cố bỏ thêm thời gian ngoài cho phim như người hát không hay nhưng cứ cố hát mãi vậy. Tôi xác định nếu đạo diễn chuyên nghiệp làm mất một năm thì mình làm 2-3 năm, vậy mà cuối cùng là hơn năm năm cho một phim chẳng dài.

Ở góc độ cá nhân, tôi thấy xây dựng xưởng làm phim sẽ hỗ trợ đào tạo ngành thiết kế đồ họa và truyền thông đa phương tiện của trường. Hiện có rất nhiều công ty kỹ xảo đồ họa của Hollywood chuyển sang Vancouver (Canada) vì ở đó được ưu đãi thuế, nhân lực rẻ hơn. Nhiều bạn trẻ ở xưởng chúng tôi cũng mơ trở thành một trong những công ty ở Vancouver.

* Triết lý giáo dục của ông muốn chuyển tải đến sinh viên là gì?

- Tôi sang Myanmar, một nước được xem là kém phát triển hơn chúng ta, thấy học sinh cấp II, cấp III, đặc biệt là các bạn nữ rất quan tâm đến việc sau này trở thành nhà vật lý, nhà hóa học...

Ở Việt Nam, các gia đình ngày nay có xu hướng khuyên con học nghề kinh doanh, kế toán, du lịch... Tôi rất quan ngại về lựa chọn này cho tương lai vì xã hội hiện đại muốn phát triển thì cần khoa học và công nghệ hơn nhiều.

Khi học ở Mỹ, tôi nhận thấy phần giáo dục đại cương của họ tập trung khá nhiều vào các mảng lịch sử mỹ thuật, mỹ học, triết học, tôn giáo..., tạo được cái nền nhân văn cho sinh viên chứ không chỉ chăm chăm vào học chuyên môn như ở ta.

Quan điểm về giáo dục của tôi khá đơn giản: Để một sinh viên ngày nay vào đời thành công cần có năng lực về khoa học, kỹ thuật vững, bên cạnh có đủ kiến thức về nhân văn, xã hội. Còn ai có sức nữa thì có thêm khả năng khởi nghiệp. Điều này còn... tùy người!

Lê Nguyên Bảo (sinh năm 1980) có chín năm học tập và làm việc ở nước ngoài. Ông tham gia Đại học Duy Tân từ năm 2006. Năm 2017, nhóm phát triển dự án "Giải phẫu cơ thể người bằng ứng dụng 3D" của ông đã đoạt giải nhất Nhân tài Đất Việt. Đây cũng là giải nhất duy nhất cho lĩnh vực công nghệ thông tin trong năm 2017. Tháng 8-2018, ông Bảo được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Đại học Duy Tân.

Đạo diễn NGUYỄN HOÀNG ĐIỆP

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp:

Đam mê, chân thành và nghiên cứu tử tế

'Không chiến Việt Nam - Những cánh én đầu tiên' là một bất ngờ lớn với tôi. Không phải vì chất lượng phim dù quả thực phim rất tốt, tốt đến mức khó có thể nghĩ đó là dự án của một nhóm hoàn toàn tay ngang nhảy vào phim tài liệu.

Điều bất ngờ với tôi là hóa ra có nhiều cách rất tự nhiên để đến với phim ảnh. Và hóa ra nó rất hiệu quả. Những điều mà các nghệ sĩ ngày nay thường hay nói ra rả nhưng chẳng mấy khi áp dụng thực, nghĩ thực thì êkip này đã "thực hành" một cách cực kỳ chuẩn xác và nghiêm túc: đam mê, chân thành, kiên trì, không thỏa hiệp, đầu tư nghiên cứu tử tế và khoa học.

Họ lựa chọn một đề tài không dễ và cũng chẳng có điểm nào cho thấy sẽ hợp nhãn công chúng số đông hay khiến khán giả trẻ mê mẩn: lịch sử chiến tranh thông qua việc tái hiện một trận không chiến có thật.

Và họ đã hoàn thành một phần của dự án sau năm năm với rất nhiều bài học thực tế. Tôi xem phim thấy sự chăm chút, tỉ mỉ, trân trọng của các nhà làm phim trẻ với từng khung hình. Mà ở đây là với từng khoảnh khắc của lịch sử.

Tôi cũng nể quá vì đạo diễn kiêm hiệu trưởng trẻ măng, êkip ai cũng trẻ, lần đầu trải qua các kinh nghiệm điện ảnh rất đặc biệt. Và tuyệt vời là họ thật khiêm nhường, họ từ tốn muốn bước đi.

Một số cảnh Không chiến Việt Nam - Những cánh én đầu tiên:

Hiệu trưởng đại học đi làm phim tài liệu chiến tranh - Ảnh 7.
Hiệu trưởng đại học đi làm phim tài liệu chiến tranh - Ảnh 8.
Hiệu trưởng đại học đi làm phim tài liệu chiến tranh - Ảnh 9.
Hiệu trưởng đại học đi làm phim tài liệu chiến tranh - Ảnh 10.
Hiệu trưởng đại học đi làm phim tài liệu chiến tranh - Ảnh 11.
Hiệu trưởng đại học đi làm phim tài liệu chiến tranh - Ảnh 12.
Hiệu trưởng đại học đi làm phim tài liệu chiến tranh - Ảnh 13.
Hiệu trưởng đại học đi làm phim tài liệu chiến tranh - Ảnh 14.
Vỡ òa khi xem  MiG-17 bắn rơi máy bay Mỹ của ‘Không chiến Việt Nam’

TTO - Cả rạp như vỡ òa khi xem MiG-17 bắn rơi máy bay Mỹ trong trận không chiến đầu tiên của không quân Việt Nam. Khán giả đã rất bất ngờ bởi đây là sản phẩm phim tài liệu đầu tay của Trường đại học Duy Tân (Đà Nẵng).

NGỌC DIỆP thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp