24/11/2020 12:04 GMT+7

Hiểu ra sao về việc GSA 'bật đèn xanh' chuyển giao quyền lực cho ông Biden?

DUY LINH - BẢO ANH
DUY LINH - BẢO ANH

TTO - Sau khi người đứng đầu Cơ quan dịch vụ tổng hợp Mỹ (GSA) Emily Murphy 'bật đèn xanh' chuyển giao quyền lực cho ông Joe Biden, nhiều người đặt câu hỏi: Như vậy ông Trump đã chính thức thất cử?

Hiểu ra sao về việc GSA bật đèn xanh chuyển giao quyền lực cho ông Biden? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (bìa trái) cùng người đứng đầu Cơ quan dịch vụ tổng hợp Mỹ (GSA), bà Emily Murphy và các quan chức khác có mặt tại Nhà Trắng tháng 1-2018 - Ảnh: White House

Ngày 23-11, trong một lá thư, bà Murphy cho biết ông Biden sẽ được tiếp cận các nguồn lực giúp đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực. Tuy nhiên lá thư không hề có những cụm từ mang tính xác nhận kiểu "ông Biden đã chính thức thắng", "ông Biden đã trở thành tổng thống đắc cử" hay "ông Trump đã thua".

Lá thư gửi tới ông Biden giải thích như sau: "Là người đứng đầu GSA, theo Đạo luật chuyển giao quyền lực tổng thống năm 1963, tôi có khả năng đảm bảo các nguồn lực và dịch vụ hậu bầu cử nhất định trong trạng thái sẵn sàng để hỗ trợ trong trường hợp chuyển giao quyền lực tổng thống.

Tôi đánh giá vai trò này nghiêm túc và bởi vì các diễn biến gần đây liên quan những thách thức pháp lý và việc xác nhận kết quả, hôm nay (23-11), tôi gửi lá thư này để cho phép ngài sử dụng những nguồn lực và dịch vụ đó".

Như vậy, bà Murphy chỉ đang muốn tạo thuận lợi cho quá trình chuyển giao quyền lực thông quá các nguồn lực "nhất định". Có thể hiểu đây giống như một biện pháp phòng ngừa rủi ro, không làm gián đoạn quá trình nước Mỹ có các lãnh đạo liên tục, cho dù ông Trump hay ông Biden làm tổng thống. Bởi lẽ, không phải ông Trump hay ông Biden, mà nước Mỹ vẫn là trên hết.

Theo trang presidentialtransition.org, với gần như tất cả các cuộc chuyển giao quyền lực gần đây, GSA xác nhận người chiến thắng ngay sau ngày bầu cử. Trường hợp ngoại lệ là cuộc đối đầu giữa George W. Bush và Al Gore vào năm 2000. GSA chỉ xác định người chiến thắng vào ngày 13-12, sau bài phát biểu của ông Gore chấp nhận phán quyết của Tòa án tối cao.

Trong lá thư trên, người đứng đầu GSA giải thích: "Tôi tin đạo luật này yêu cầu người đứng đầu GSA xác định - chứ không phải áp đặt - tổng thống đắc cử rõ ràng. Một cách đáng tiếc, đạo luật không cung cấp các thủ tục hay tiêu chuẩn cho quá trình này. Do đó, tôi nhìn sang tiền lệ từ những cuộc bầu cử trước, gồm các thách thức pháp lý và việc kiểm phiếu không đầy đủ.

GSA không quyết định kết quả của các tranh chấp pháp lý và quá trình tái kiểm phiếu, đồng thời không xác định các vụ kiện như vậy là hợp lý hay có lý do chính đáng hay không. Đây là những vấn đề mà Hiến pháp, luật liên bang và luật tiểu bang giao cho quá trình xác nhận bầu cử và các quyết định của tòa án có thẩm quyền.

Như ngài biết đấy! Người đứng đầu GSA không lựa chọn người chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống... Người thật sự thắng cuộc bầu cử tổng thống sẽ được xác định bởi quá trình bầu cử đã được nêu trong Hiến pháp Mỹ".

Bà Murphy không nghĩ rằng GSA nên đặt cơ quan này đứng trên quá trình bầu cử theo Hiến pháp. "Tôi mạnh mẽ thúc giục Quốc hội Mỹ xem xét thực hiện các sửa đổi với đạo luật này" - bà nói.

Như vậy, bà Murphy chỉ đang tạo điều kiện cho việc chuyển giao quyền lực và hiện vẫn không tuyên bố người chiến thắng chính thức. Trong khi đó, Đài CNN ngày 24-11 viết: "Tuy nhiên đến giờ bà Murphy vẫn từ chối xúc tiến quá trình xác định, bất chấp 'chiến thắng rõ ràng' của ông Biden".

Cá nhân và gia đình bị đe dọa?

Hai tuần sau khi truyền thông Mỹ đồng loạt tuyên bố ứng viên Dân chủ Joe Biden là tổng thống đắc cử, cuộc sống cá nhân và cơ quan ít bị chú ý của bà Murphy gần như bị xáo trộn. Mọi ánh mắt đều đổ dồn về Cơ quan dịch vụ tổng hợp (GSA), một cơ quan cấp thấp được thành lập từ năm 1949 với vai trò ban đầu quản lý các tòa nhà liên bang.

Theo đạo luật chuyển giao quyền lực tổng thống năm 1963, người đứng đầu GSA có trách nhiệm vào "thời điểm rõ ràng" xác định ai là người chiến thắng và kích hoạt quá trình chuyển giao quyền lực.

Người đứng đầu GSA cũng có nhiệm vụ ký những thủ tục giấy tờ chuyển hàng triệu USD cho tổng thống đắc cử, trao quyền tiếp cận cho các quan chức chính phủ, chuyển giao các văn phòng và thiết bị cho nhóm chiến thắng.

Hiểu một cách nôm na, vai trò của GSA giống như một người giữ chìa khóa cổng: chỉ giao chìa khóa cho người được xác định là chủ nhân mới của những tòa nhà họ đang quản lý.

Đã có những giận dữ xen lẫn áp lực nhắm vào GSA và Murphy. Cả hai phải đối mặt với sự chỉ trích dữ dội từ các nghị sĩ thuộc cả hai đảng trong những tuần gần đây về quyết định đình chỉ công nhận Biden là tổng thống đắc cử.

Nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden đã đe dọa hành động pháp lý, cáo buộc GSA đe dọa an ninh quốc gia và cản trở sự chuẩn bị của chính quyền trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19.

"Tôi đã nhận rất nhiều lời đe dọa trên mạng, qua điện thoại hay thư từ. Họ nhắm vào sự an nguy của tôi, gia đình, nhân viên và thậm chí cả thú cưng của tôi để ép tôi đưa ra một quyết định hấp tấp", bà Emily Murphy viết.

Lá thư bà Murphy gởi đến ông Biden ngày 23-11 được ví như một làn gió mát, làm dịu bớt không khí ngột ngạt đầy những cáo buộc gian lận hậu bầu cử.

"Xin hãy hiểu rằng tôi đã đưa ra quyết định của mình một cách độc lập, dựa trên luật pháp và các dữ kiện có sẵn - bà Murphy viết - Tôi chưa bao giờ bị gây áp lực trực tiếp hoặc gián tiếp bởi bất kỳ quan chức nào của nhánh hành pháp - kể cả những người làm việc tại Nhà Trắng hoặc GSA - về nội dung hoặc thời điểm quyết định của tôi. Nói rõ hơn, tôi không nhận được bất kỳ chỉ đạo nào để trì hoãn việc này".

Ông Trump: "Sẽ không bao giờ nhượng bộ"

Đối với hai tweet (dòng trạng thái) của Tổng thống Trump sau thông tin GSA "bật đèn xanh" chuyển giao quyền lực, có hai ý chính:

Trước hết, ông Trump nói rằng vì lợi ích của quốc gia nên ông khuyên bà Murphy "làm những gì cần làm" và nói đội ngũ của ông cũng làm như vậy. Trang The Hill, cho rằng dòng trạng thái của ông Trump đánh dấu "sự thay đổi" đối với nhà lãnh đạo Mỹ.

Tuy nhiên, thực tế ông Trump vẫn không nhượng bộ, không thừa nhận chiến thắng của ông Biden. Ông tuyên bố vẫn tiếp tục kiện tụng và rằng "chúng tôi sẽ thắng thế".

Trên Twitter trưa 24-11 (giờ Việt Nam), ông Trump tiếp tục viết: "Cơ quan Dịch vụ công (GSA) được phép làm việc sơ bộ với Đảng Dân chủ thì liên quan gì đến việc chúng tôi tiếp tục theo đuổi các vụ kiện khác nhau về những gì sẽ cấu thành cuộc bầu cử tham nhũng nhất trong lịch sử chính trị Mỹ? Chúng tôi đang hoạt động hết tốc lực để tiến về phía trước. Sẽ không bao giờ nhượng bộ những lá phiếu giả và Dominion".

DUY LINH - BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp