Đông đảo người dân hiếu kỳ khắp nơi đổ về xem cặp rắn hổ mây "khủng" mà báo chí phản ánh - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online ngày 17-5, dòng người khắp nơi trong và ngoài tỉnh như: Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau và TP.HCM…. đổ về đây xem cặp rắn hổ mây "khủng" mà báo đã phản ánh nhiều ngay qua.
Người dân hiếu kỳ đổ xô đi xem cặp rắn hổ mây “khủng”
Tuy nhiên, nhiều người dân chưa biết và chưa hiểu về loài rắn này cho rằng hóa ra cặp rắn không "khủng" như thông tin trước đó.
"Nghe nói cặp rắn nặng 60kg nên tôi và vợ tôi từ Bến Tre lên xem nhưng tôi thấy trọng lượng không tới mức đó. Dù đúng là so với rắn thường thì con này lạ và to hơn!" - ông Đạt, ở huyện Thạnh Phú, Bến Tre nói.
Chuồng nuôi nhốt cặp rắn hổ mây "khủng" đã được rào 2 lớp để đề phòng rắn xổng chuồng - Ảnh: BỬU ĐẤU
Theo quan sát của chúng tôi, chuồng nuôi nhốt cặp rắn hổ mây "khủng" bây giờ đã được doanh nghiệp rào 2 lớp lưới dày đặc để đề phòng rắn xổng chuồng.
Thêm vào đó, xung quanh chuồng nhốt cặp rắn hổ mây cũng được dựng lớp hàng rào chắn ngăn người xem đứng xa khoảng 1m nên khó nhìn rõ được. Nhiều du khách hiếu kỳ cố gắng dùng điện thoại chụp lại.
Phía trước chuồng nhốt cặp rắn hổ mấy "khủng" từ trước đến nay mới ghi nhận tại An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU
Trao đổi qua điện thoại với Tuổi Trẻ Online, ông Trương Vĩnh Thành - phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai, cho biết 3 ngày qua lượng khách đổ về khu du lich Đồi Tức Dụp tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 lượt khách. Riêng ngày 16-5 có gần 2.000 lượt người về xem sau khi các báo thông tin.
"Ngày thường khu du lịch Đồi Tức Dụp chỉ đón khoảng 100 khách/ngày nhưng từ khi báo thông tin thì lượng khách vào khu du lịch này tăng gấp 10 lần" ông Thành nói.
Cặp rắn hổ mây "khủng" này được bắt dưới chân Núi Cấm trong quá trình thi công dự án điện năng lượng mặt trời - Ảnh: BỬU ĐẤU
Lãnh đạo Tập đoàn Sao Mai cũng cho biết đơn vị vừa gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh An Giang cho phép tiếp tục nuôi nhốt cặp rắn hổ mây "khủng" này để bảo tồn động vật hoang dã, giáo dục con cháu sau này biết được ở An Giang có tồn tại loại động vật quý hiếm này và cũng phục vụ du lịch tốt hơn.
"Tỉnh đang xem xét đề nghị của Sao Mai. Chúng tôi sẵn sàng thực hiện theo yêu cầu của cơ quan chức năng về chuồng trại, cách chăm sóc... Vì hiện tại chúng tôi cũng có một chuồng thú trong khu du lịch nên điều kiện đang có sẵn. Hơn nữa loại này là "đặc sản" của An Giang sao lại giao tỉnh khác? Nếu thả ra ngoài chưa chắc nó đã an toàn" - ông Thành khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận