Nhiều người tranh thủ lấy điện thoại quay phim, chụp ảnh, livestream vụ việc - Ảnh: MINH HÒA
Đặc biệt, nghi can ở Củ Chi đã xả súng bắn chết nhiều người. Không thể nói trước được chuyện gì sẽ xảy ra, nhất là với những người đứng xem, một khi đối tượng này chưa bị bắt.
Vô tình gây cản trở
Trước đây, tôi công tác trong cơ quan bảo vệ pháp luật và gặp khá nhiều vụ việc đám đông hiếu kỳ tụ tập ở hiện trường kiểu như thế này. Dù chỉ do tò mò, dù không cố ý nhưng việc đông người đến xem gây khó khăn ít nhiều cho lực lượng thực thi công vụ tại hiện trường. Việc này đồng thời lại vừa tiềm ẩn những hậu quả khôn lường với chính người hồn nhiên đứng xem.
Một lần chúng tôi vây bắt đối tượng giết tài xế xe ôm công nghệ cướp tài sản tại một quận vùng ven TP.HCM. Khu vực kẻ thủ ác lẩn trốn khá rộng lại có nhiều kênh rạch, cây cối rậm rạp, chúng tôi cũng đã huy động cả chó nghiệp vụ.
Người dân kéo đến xem ngày càng đông khiến chúng tôi phải phân tán lực lượng và phải bố trí cán bộ giải thích, khuyên những ai không có trách nhiệm ra về, đồng thời phải cử người lo nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho quần chúng. Trong khi đây lại là "thời gian vàng" đối với việc truy tìm đối tượng do tên cướp chưa thể chạy xa.
Trong diễn biến vụ việc mới nhất, vào hôm qua 31-1, có lẽ cũng do phải điều nhân lực giải tán đám đông hiếu kỳ, người đàn ông nghi vấn ôm lựu đạn cố thủ tại quận 10 đã trốn khỏi vòng vây của cảnh sát. Chuyện sẽ càng đáng lo hơn khi đối tượng vẫn ngoài vòng pháp luật.
Sự tò mò kiểu này cũng thường thấy trong các vụ tai nạn giao thông hoặc tai nạn chết người. Quá đông người tập trung nghe ngóng, thậm chí chen lấn xem rồi bình phẩm, ghi hình livestream (quay phim đăng tải lên mạng xã hội). Việc này không chỉ vô ý làm mất dấu vết tại hiện trường mà còn gây ùn tắc giao thông, thậm chí nguy cơ tai nạn chồng tai nạn.
Nhiều người đi đường thấy tai nạn thì bất ngờ tấp xe vô lề để coi, xe sau không thắng kịp thành va chạm hoặc cản trở giao thông trên đường. Với lực lượng chức năng, những gì liên quan đến sự việc ở hiện trường dù là vật vô tri vô giác cũng đều có thể "biết nói" phục vụ công tác điều tra.
Chuyện tương tự từng xảy ra trong một vụ cháy nhà, bên cạnh những người tích cực tham gia dập lửa vẫn còn nhiều người kéo đến chỉ để xem. Đường hẻm rất nhỏ, lại là hẻm cụt, xe chữa cháy chỉ đậu từ xa nên các chiến sĩ phải khiêng thiết bị chữa cháy lội bộ vào giữa đám đông đang coi cháy.
Đối với cứu hỏa thì một giây cũng rất ý nghĩa, thế nhưng thời gian đã bị kéo dài thêm vì phải vất vả tránh những người hiếu kỳ. Thiệt hại về nhân mạng và tài sản sẽ được giảm thiểu nếu không bị chi phối bởi những nguyên nhân khác.
Không ai biết "trong tro còn lửa"
Tôi thấy lo lắng khi thấy hình ảnh đám đông hiếu kỳ hồn nhiên đi ở hiện trường vụ vây bắt hung thủ tại Củ Chi. Vai trò của quần chúng rất quan trọng trong chuyện giữ an ninh trật tự địa phương, "tai mắt" nhân dân cũng đóng góp nhiều cho cơ quan chức năng phá án. Nhiều người bị tai nạn giữa đường được đưa đi cấp cứu kịp thời nên giữ được tính mạng. Hỏa hoạn được dập tắt kịp thời khi mới bùng phát cũng nhờ lực lượng chữa cháy tại chỗ.
Nhưng không phải ai cũng đến để cứu người hoặc có thể hỗ trợ lực lượng chức năng. Đám đông ấy chưa hẳn đã nghiêm túc tuân thủ yêu cầu của lực lượng thực thi pháp luật, nhất là trong lúc truy tìm đối tượng đang bỏ trốn. Nhiều người đã phản ứng khi bị yêu cầu dừng lại hoặc tự động đến khu vực hiện trường đã bị phong tỏa.
Không ai biết "trong tro còn lửa", hẳn chúng ta còn nhớ vụ nổ kinh hoàng tại một xóm ve chai năm ngoái, đám cháy dù đã được dập tắt nhưng đạn còn sót lại vẫn có thể phát nổ, phải chờ lực lượng công binh xử lý.
Trong những vụ việc tương tự vụ ở Củ Chi và quận 10 hôm nay, đối tượng có vũ khí và sự liều lĩnh, không thể xem thường tình huống nào. Không phận sự cũng đừng gây cản trở việc chung.
Vì tò mò và muốn cung cấp thông tin cho những người tò mò khác, nhiều người tự ý phát tán những hình ảnh hiện trường, việc này có thể "bứt dây động rừng", ảnh hưởng đến quá trình phá án.
PHẢN HỒI TTO: Sự "nhiệt tình" đáng trách
Phản hồi thông tin vụ việc công an vây bắt nghi can ở Củ Chi, rất nhiều bạn đọc bất bình khi xem hình ảnh đám đông ở hiện trường. "Sao người dân tụ tập lại xem chi vậy? Có thể có nổ súng mà không sợ à? Biết đâu có ai đó bị bắt làm con tin... Đúng là hiếu kỳ không cần thiết. Chuyện vây bắt một kẻ đã giết mấy mạng người sao có thể tụ tập như xem pháo hoa vậy? Lỡ có chuyện xấu xảy đến cho những người này lại quy trách nhiệm cho công an không bảo vệ được hay sao? Nguy hiểm quá! Người dân nên bình tĩnh tránh xa khu vực này, để lực lượng chủ trương dễ dàng làm nhiệm vụ" - bạn đọc trancaosang@..., Nguyen Binh, Vinh Thái và vanliem0202@... có ý kiến.
Hai bạn tên Trang, Nam bày tỏ: "Dân mình cũng ngộ! Trục vớt bom mìn cũng xem. Công an truy bắt tội phạm nguy hiểm cũng xem, gây cản trở người ta làm nhiệm vụ. Đây là hiện trường vây bắt tội phạm chứ có phải phim trường quay phim hình sự đâu, đến xem vừa gây nguy hiểm cho bản thân còn gây cản trở người ta làm nhiệm vụ. Sự "nhiệt tình" này thật đáng chê trách hơn là khen tặng".
TUỔI TRẺ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận