Cuốn sách đưa đến những góc nhìn mới, có thể khiến độc giả bị sốc bởi ông đã không ngần ngại chạm đến tận gốc rễ và làm lung lay những niềm tin đã ăn sâu vào tâm trí con người qua bao thời đại.
Cũng giống như một đứa trẻ sinh ra với bản năng ngây thơ thuần khiết, theo Osho, nghi ngờ là tự nhiên còn niềm tin thì không. Thêm vào đó, sự nghi ngờ là đặc trưng của một tâm trí cởi mở.
Chính điều này sẽ đưa bạn đến gần hơn với thực tế, bởi "Sự nghi ngờ sẽ lập tức kết nối cái chủ quan và cái khách quan. Chúng là hai cực của cùng một thực tại, và sự nghi ngờ chính là cầu nối".
Niềm tin được Osho ví như một xác chết vì khi bạn xác quyết tin vào một điều gì đó mà chưa từng trải nghiệm để biết về nó, thì niềm tin ấy hàm ẩn sự tồn tại của nỗi hoài nghi. Khi ấy, niềm tin chỉ là thứ nằm trên bề mặt, che lấp đi sự nghi ngờ bị chôn giấu bên dưới - sâu trong tiềm thức.
"Cứ đồng hành cùng xác chết không phải là chuyện tốt. Nó rất nguy hiểm", thế nên "Niềm tin phải biến mất khỏi mọi ngôn ngữ. Sự nghi ngờ nên lên ngôi và niềm tin nên bị phế truất", Osho thẳng thắn.
Cùng với mạch phân biệt giữa hai khái niệm niềm tin và nghi ngờ, để tránh gây hiểu nhầm, Osho làm rõ nghi ngờ không có nghĩa là không tin, vì "không tin" là hoàn toàn ngược lại với niềm tin.
Hơn nữa, cách ông tiếp cận vấn đề cũng không phải khiến độc giả chọn lựa giữa tin và không tin, mà là giúp họ khám phá đến cùng theo phương pháp khoa học - bắt đầu từ sự nghi ngờ.
Với phát pháo đầu tiên nhắm vào kho niềm tin, Osho đồng thời đã đặt vấn đề về niềm tin trong tôn giáo. Trong khi niềm tin ẩn chứa nhiều hiểm họa, còn sự nghi ngờ lại có giá trị rất to lớn thì "tất cả các tôn giáo đều dựa trên niềm tin".
Do đó, bậc đạo sư tin rằng "Một tôn giáo chân chính sẽ không đòi hỏi bạn phải có đức tin; tôn giáo chân chính sẽ đòi hỏi sự trải nghiệm" vì "sự nghi ngờ không bị tiêu diệt bằng cách tin. Sự nghi ngờ bị tiêu diệt bằng trải nghiệm".
Osho đã không ngại ngần lật ngược những giá trị về niềm tin, tôn giáo, các nhà lãnh đạo cũng như tư tưởng hệ trước đó. Thông qua những phân tích đậm chất Osho cũng như những câu chuyện vừa hư vừa thực, ông đưa ra cách nhìn riêng của mình về Đức Phật, Khổng Tử, Lão Tử, Mahatma Gandhi…
Với quan niệm này, Osho thể hiện rõ tư tưởng của mình về việc tận hưởng cuộc đời ở mọi chiều kích và cung bậc của nó.
Osho kịch liệt phê phán việc chia tách con người khi đặt họ trong sự lấy - bỏ, chọn lựa giữa cái bên trong - bên ngoài, giữa vật chất - tinh thần, giữa trần tục - thiêng liêng, giữa phương Đông - phương Tây, giữa thái cực này - thái cực kia.
Theo Osho, sẽ không có một sự cân bằng nào diễn ra khi bạn cố nắm giữ một trạng thái. Do đó, đừng né tránh thái cực này để lựa chọn thái cực khác, bạn phải luôn sẵn sàng cho mọi thái cực.
Có thể nói, cuộc đời và tư tưởng của Osho còn nhiều điều hậu thế chưa thấu suốt hết. Tuy nhiên, những trước tác mà ông để lại là một kho tàng lớn để hậu sinh soi chiếu.
"Hiểu - Đường đến tự do" cũng chính là một cuốn sách quý trên hành trình đi tìm chân lý, nghi ngờ và giải mã những nghi ngờ.
Để rồi như Osho nói, "Nếu nghĩ mình biết rồi, bạn sẽ không bao giờ biết. Ngay khi bạn nhận ra mình không biết, sự thừa nhận mình không biết đó giống như mũi tên cắm thẳng vào tim bạn, nó đâm xuyên qua bạn như một ngọn giáo. Trong chính sự xuyên thủng đó, con người trở nên nhận biết - thông qua chính cú sốc đó".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận