Khu cách ly Trường quân sự Quân khu 7 (Q.12, TP.HCM). Tính đến 8h ngày 20-3, tại đây có 848 trường hợp đang cách ly - Ảnh: DUYÊN PHAN
PGS.TS TRẦN ĐẮC PHU (nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) giải đáp:
- Cách ly những người có nguy cơ mắc COVID-19 là việc cấp bách nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.
Hiện có hai hình thức cách ly: cách ly tập trung và cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú (nhà riêng, căn hộ chung cư, nhà ở tập thể, phòng ký túc xá trường học, khu công nghiệp, xí nghiệp, phòng nghỉ khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ và các phòng lưu trú của các cơ quan, đơn vị).
Người bắt buộc phải cách ly tập trung gồm người đi về hoặc từng qua vùng có dịch của quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19; người tiếp xúc gần với các trường hợp xác định mắc bệnh.
Người cách ly ở nhà, nơi lưu trú là người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định, người tiếp xúc gần với các trường hợp thuộc diện cách ly tập trung đang có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Ngoài ra, còn có các đối tượng khác theo chỉ đạo của Thủ tướng hoặc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, và tùy theo diễn biến cụ thể của dịch bệnh thì Bộ Y tế tiếp tục có hướng dẫn tiếp theo.
Người được cách ly phải chấp hành đúng các quy định, vệ sinh cá nhân thường xuyên, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn, không khạc nhổ bừa bãi…
Mỗi ngày họ được đo nhiệt độ ít nhất 2 lần, nếu có các dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở… phải kịp thời báo cho nhân viên y tế.
Họ phải hạn chế ra khỏi phòng tiếp xúc với người khác, tuyệt đối không ăn chung, ngủ chung, sử dụng vật dụng chung (như bát, đĩa, ly, muỗng, bàn chải đánh răng…).
Cần lưu ý không được tụ tập nói chuyện, tổ chức trò chơi trong phòng, hành lang, ngoài sân ở khu cách ly. Các vật dụng vệ sinh hằng ngày phải được phân loại theo nhóm chất thải lây nhiễm và chất thải sinh hoạt.
Đối với cách ly tại nhà, nơi lưu trú tốt nhất nên cách ly ở một phòng riêng. Nếu không có phòng riêng, giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác ít nhất 2m. Mọi tiếp xúc với người đang được cách ly cần đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2m.
Cuối cùng, một điều vô cùng quan trọng là người cách ly phải được bảo đảm chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng và tập luyện thể dục đầy đủ để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Cả hai đối tượng này đều phải cách ly 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm. Gia đình và cộng đồng cần cố gắng động viên, chia sẻ với người được cách ly, cùng an tâm, tin tưởng và hợp tác để phòng chống dịch bệnh.
Không được lựa chọn nơi cách ly
Con tôi đang học lớp 12 ở Mỹ. Do dịch COVID-19, trường đang chuyển sang học online. Giờ cháu muốn về nước và đồng ý cách ly theo quy định.
Gia đình tôi có thể đi xe riêng đón cháu từ sân bay về nơi cách ly và cháu có thể về cách ly ở Tây Ninh cho gần nhà được không? (Bạn đọc Cẩm Tú, Tây Ninh)
- Theo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19, trong khoảng thời gian 30 ngày bắt đầu từ 0h ngày 18-3-2020 thực hiện cách ly tập trung người nhập cảnh từ vùng có dịch.
Trường hợp này được nhập cảnh và được cách ly. Tuy nhiên, địa điểm cách ly do sự điều phối của cơ quan chức năng. Gia đình không được tùy ý đưa đón người cách ly và lựa chọn nơi để cách ly.
(Đại diện Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh TP.HCM)
* Khi nào có thể công bố các ca SARS-CoV-2 dương tính, có nên công bố ngay khi phát hiện ca dương tính hoặc công bố vào thời điểm nhất định trong ngày như một số nước?
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trả lời:
- Hiện đã có trên 30 cơ sở y tế ở Việt Nam được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2.
Để tránh tình trạng nhầm lẫn hoặc dương tính giả khi xét nghiệm lần 1, Bộ Y tế chỉ định các đơn vị như Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Tây Nguyên, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP.HCM là những đơn vị sẽ tiến hành các xét nghiệm để khẳng định đối với các trường hợp đã có kết quả dương tính lần 1.
Sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định, nếu kết quả khẳng định giống kết quả lần 1 thì sẽ được công bố; nếu kết quả xét nghiệm khẳng định khác kết quả lần 1 thì sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm lại.
Và trung bình thời gian để thực hiện 1 ca xét nghiệm (từ lúc lấy mẫu bệnh phẩm đến lúc trả kết quả) mất khoảng 6 giờ.
Có kết quả xét nghiệm dương tính lần 2, Bộ Y tế sẽ công bố thông tin ca nhiễm mới sau khi các viện có báo cáo về trường hợp bệnh, sơ bộ về điều tra dịch tễ, quá trình tiếp xúc của người bệnh.
Quy trình xét nghiệm 2 lần này để đảm bảo chính xác với mỗi ca bệnh được công bố, tránh tình trạng nhầm lẫn hoặc dương tính giả. Nếu công nhận ca bệnh ngay khi có xét nghiệm lần đầu, nếu có sai sót sẽ khó xử lý.
Thực tế thời điểm 23h đêm - 1h sáng hôm sau vẫn là thời gian người dùng mạng xã hội còn thức rất đông và tần suất sử dụng mạng xã hội, theo dõi báo điện tử rất nhiều.
Khi có kết quả khẳng định của các viện, chúng tôi sẽ công bố ngay chứ không phải đợi công bố cùng lúc nhiều ca.
L.ANH ghi
Chuyên mục Hỏi đáp mùa dịch COVID-19 sẽ giải đáp thắc mắc của bạn đọc liên quan dịch COVID-19. Câu hỏi sẽ được chuyên gia giải đáp nhanh nhất trên trang Bạn đọc & Tuổi Trẻ và Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn).
Mời bạn đọc gửi thắc mắc đến địa chỉ email [email protected] hoặc gọi đến đường dây nóng báo Tuổi Trẻ 0918033133. Trân trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận