21/09/2020 06:56 GMT+7

'Hiệp sĩ nước'

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Thấy người dân trong thôn An Bình, xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi chật vật xin từng can nước về dùng khi giếng trong làng trơ đáy hoặc nhiễm phèn, anh Lê Văn Huy (trú cùng thôn) đã mượn xe, mượn bồn chở nước giúp dân vơi đi khó khăn.

Hiệp sĩ nước - Ảnh 1.

Nụ cười hiền lành của anh Huy trong hành trình chở nước giúp dân - Ảnh: T.M

Người dân gọi vui anh Huy là "hiệp sĩ nước", còn với anh Huy thì "giúp được ai thì giúp, thấy người ta vui mình cũng vui mà".

Giếng trơ đáy, làng khốn khổ

Xã Tịnh Đông mùa này đồng khô cỏ cháy, những cây keo vừa hứng được trận mưa cách đây mấy ngày tạm xanh trở lại. Câu chuyện thiếu nước kinh niên ở xứ này tồn tại mấy chục năm, qua mỗi mùa lại khắc nghiệt hơn. Thôn An Bình, cứ 10 gia đình có giếng thì hết 8 giếng cạn nước, còn lại có nước nhưng nhiễm phèn. Người dân phải đi xin từng can nước về sinh hoạt. Năm nay nắng hạn kéo dài, bắt đầu từ tháng 4 thôn An Bình đã "khát nước" sớm hơn mọi năm.

Bà Lâm Thị Thương (70 tuổi) thở dài với đợt hạn kéo dài khiến thôn An Bình không còn bình an. Cơn khát khiến cuộc sống cả thôn đảo lộn. 3h sáng, bà Thương phải dậy mang can đi đến những hộ giếng còn nước xin về dùng. "Lúc đầu người ta cũng cho, nhưng càng về sau nước ít dần, chủ nhà cũng giữ nước không cho nữa. Tôi phải đi cả cây số xin nước, mà chở cũng vài chục lít mỗi lần chứ không nhiều", bà Thương nói.

Ở thôn An Bình, câu chuyện đến mùa lại đi xin nước được kể rất "tiếu lâm", có những buổi sáng người dân dắt díu nhau đi lấy nước. Vài chục người đầu tiên thì còn có nước, những người đến sau phải chờ mạch nước rỉ ra mới đủ múc. Có người múc gàu nước lên chẳng may làm đổ ra ngoài, bị những người đến sau la phung phí... Tình làng nghĩa xóm đôi khi sứt mẻ vì gàu nước.

Bà Thương nói có sống trong cảnh hạn hán mới biết đến việc tắm, rửa chén cũng phải nhín nhín lại tí xíu, lấy nước vo gạo rửa chén rồi sau đó tráng lại bằng nước sạch, sử dụng thả tay một tí là cả ngày đó chẳng làm được việc gì ngoài đi chở nước. "Cực lắm, nhất là những gia đình neo đơn, già yếu việc lấy nước còn khó khăn hơn. May sao cháu Huy chở nước giúp, hai tháng qua mới đỡ cực. Không có sự giúp đỡ đó, làng này còn khổ hơn nữa", bà Thương nói.

Hiệp sĩ nước - Ảnh 2.

Anh Huy trao đổi với cụ Phụng khi bơm nước - Ảnh: T.M

"Người ta vui mình cũng vui mà"

Chuyện anh Huy trở thành "hiệp sĩ nước" của thôn An Bình đã hơn hai tháng qua. Tất cả bắt đầu từ tấm lòng và câu chuyện tình người. 

Hai tháng trước, anh Huy đang sửa xe máy cho khách thì một người bạn trong thôn kể có một người già trong thôn đi lấy nước bị ngã phải lên trạm xá khâu vết thương. 

Chuyện trò cho "chết" thời gian lúc chờ lấy xe của khách nhưng khiến anh Huy suy nghĩ. Ngay chiều hôm đó, anh Huy đi mượn xe, mượn bồn chở nước cho người già, phụ nữ neo đơn trong thôn. "Chở xe nước tới, thấy mấy cụ vui, tối đó về ăn cơm ngon dễ sợ. Người ta vui mình cũng vui", anh Huy nói.

Ý định ban đầu chỉ chở nước cho người có hoàn cảnh khó khăn của anh Huy phá sản, khi nhiều người trong thôn chung tình trạng thiếu nước sinh hoạt nhưng không có dụng cụ để chở nhiều. Thế là anh Huy nhận chở nước cho người dân cả thôn và sang thôn khác chở cho những người neo đơn. Những ngày đầu nhiều người nhờ anh Huy giúp, nhưng người dân quê nhờ mãi cũng ngại nên chẳng mấy ai dám nhờ. 

"Có người hết rồi mà không dám nói, họ sợ mất lòng. Nói chung công việc của mình nhiều, nói ra họ cũng ngại nên nhiều khi mình đi ngang hỏi hết nước chưa tui chở giúp, lúc đó họ mới mở lời", anh Huy tâm tình.

Đang trò chuyện thì chuông điện thoại reo, anh Huy bốc máy, đầu dây bên kia bảo hết nước và nhờ kéo giúp một xe. Thế là anh lên đường. Nhà ông Nguyễn Văn Phụng (82 tuổi, thôn An Bình), nơi anh Huy sẽ lấy nước, có giếng nước ngon nhất trong thôn nhưng cũng èo uột lắm, phải bơm 20 phút mới đầy bồn. Ông Phụng thấy anh Huy làm việc giúp dân rất thích. 

"Thằng Huy làm được vầy quá tốt, nó chở mới được nhiều chứ mọi người đến múc vài gàu chở về thì dùng cái gì. Tôi mà có cái bồn to, khuya tôi bơm sẵn để nó tới lấy cho nhanh", ông Phụng nói.

Chở nước giúp dân, anh Huy chưa khi nào lấy tiền xăng, tiền công. Mọi thứ đều miễn phí. Bà con cũng muốn đưa tiền và mong anh Huy nhận, nhưng anh từ chối cả. Anh bảo chẳng giàu được với vài chục nghìn tiền nước mỗi bồn, ngược lại còn mất cái tình, anh trở thành con buôn. 

Ông Trần Quốc Anh (thôn Đồng Nhơn Đông, xã Tịnh Đông), cũng được anh Huy chở nước giúp, tâm tình: "Ít người làm được như cháu Huy, bỏ công bỏ sức ra làm mà không nề hà gì. Thiệt tình, Huy giúp dân lúc ngặt nước này dân quý lắm".

Có hôm bỏ sửa xe, đi chở nước

Trong thời điểm khô hạn, xuất hiện một câu chuyện đẹp. Không hẳn anh Huy đủ điều kiện để làm việc nghĩa nhưng anh vẫn cố gắng mỗi ngày với việc chở nước sạch chia sẻ cùng người dân quê mình. Những chuyến xe chở nước của anh Huy vẫn đều đặn chạy mỗi ngày.

Anh Huy nói chắc đầu mùa mưa mới dừng. Nắng hạn kéo dài, vùng đất thôn An Bình khô khốc, nhưng tình người ở đây luôn tươi xanh. "Có hôm bỏ sửa xe đi chở nước cả ngày, vợ không biết đi đâu, điện hỏi thì tui nói đang chở nước. Vợ tui im luôn", anh Huy cười hiền.

Câu chuyện về những Câu chuyện về những 'hiệp sĩ' áo đỏ rong ruổi khắp Sài Gòn

Các tài xế GoViet khu vực TP.HCM vẫn thường truyền tai nhau về Nhóm hỗ trợ tài xế công nghệ Hòa Bình - Gia Định như những "hiệp sĩ” hỗ trợ xử lý khi có sự cố xảy ra trên hành trình phục vụ hành khách hàng ngày.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp