Trong đó, ý kiến của GS Peter Petri, ĐH Brandeis, cho rằng VN có thể là nước hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 đối tác đàm phán TPP dường như không lấn án được những rủi ro mà các chuyên gia VN nêu lên tại hội thảo.
Ông Petri, tới VN với tư cách là cố vấn cao cấp của Dự án Hỗ trợ Thi hành Pháp luật về Hội nhập Kinh tế (USAID/STAR Project), tính toán khi TPP đi vào hiện thực, VN sẽ tăng thu GDP thêm khoảng 26,2 tỷ USD nếu chưa tính Nhật Bản, và là 25,7 tỷ nếu gồm cả thành viên thứ 12 này.
Ông lấy ví dụ: “Hiện nay Trung Quốc chiếm 50-60% thị trường may mặc và giầy da của Mỹ; VN khoảng 10%. Xuất khẩu của Trung Quốc sẽ chững lại vì lương công nhân tăng và nước này định hướng lại chính sách xuất khẩu. Hãy tưởng tượng nếu VN giành được phần lớn 50% ấy?”
Tuy nhiên, “miếng bánh” TPP theo ý kiến các chuyên gia VN lại không ngọt ngào như vậy. Bà Phùng Thị Lan Phương, Ban thư ký Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp VN) cho biết cộng đồng doanh nghiệp quan ngại về yêu cầu nguồn gốc xuất xứ trong TPP cao và phức tạp trong khi nguyên liệu hàng xuất khẩu của VN, đặc biệt những ngành như may mặc, giày dép, lại chủ yếu phải nhập từ các nước ngoài TPP. Tính bảo hộ sở hữu trí tuệ cao mà Mỹ đặc biệt nhấn mạnh cũng gây ra những lo ngại tới khả năng tiếp cận thuốc chữa bệnh cho người dân VN cũng như cơ hội tiếp cận tri thức, khoa học, tài sản văn hóa, tinh thần…
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cũng lo ngại nguyên tắc “chỉ tiến không lùi”, hay “bước chân đi cấm kỳ trở lại” trong TPP là một nguyên tắc khó cho VN. Ông Khanh lấy ví dụ: Nếu cơ quan hoạch định chính sách thử cho nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 51% cổ phần nhưng sau một thời gian thấy chính sách đó không ổn thì không thể quay đầu lại nữa, đòi hỏi cơ quan quản lý và hoạch định chính sách phải có trách nhiệm và thận trọng hơn.
Ông Khanh cho biết bên cạnh một số lo ngại thì VN cũng kỳ vọng TPP sẽ là cú hích cho xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài và cải cách.
TPP đến nay là hiệp định tự do thương mại đa phương có phạm vi rộng nhất, bao trùm các nội dung truyền thống như thuế quan, dịch vụ tài chính, đầu tư cho tới các vấn đề về môi trường, lao động, chống tham nhũng,… Sau 16 vòng đàm phán, các thành viên hy vọng sẽ hoàn tất thương lượng trong năm nay nhưng nhiều chuyên gia đánh giá thời hạn này khó đạt khi vừa mới có thêm thành viên đàm phán Nhật Bản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận