Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa tại đường Trần Phú, bên biển Nha Trang hiện nay - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN
Vào năm 2021, các nhân viên Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa đến từng nhà vận động, nhiều cán bộ cách mạng ở tỉnh Khánh Hòa đã vui vẻ hiến tặng nhiều kỷ vật cho bảo tàng để phục vụ trưng bày.
Sau khi các hiện vật hiến tặng được đưa về bảo tàng, ông Mai Ngọc Đa - trưởng phòng nghiên cứu, sưu tầm kiêm phó bí thư chi bộ Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa - làm tờ trình "Danh sách hiện vật dự kiến sưu tầm kỷ vật kháng chiến" trình hội đồng khoa học của bảo tàng xét duyệt để... mua hơn 50 hiện vật, nhằm lấy tiền thanh toán từ ngân sách nhà nước.
Giả hồ sơ, kê khống giá bán kỷ vật
Theo tờ trình trên, toàn bộ 41 hiện vật được hiến tặng đều được ông Đa ghi có "định giá ban đầu" là 650.000 đồng/kỷ vật.
Cũng theo tờ trình, ông Đa báo cáo: từng hiện vật đều phải trả giá để mua tới 3 lần. Qua mỗi lần "thương thảo", trả giá đều được chủ sở hữu giảm giá 50.000 đồng/1 hiện vật. Kết quả trả giá cuối cùng (lần thứ 3), tất cả hiện vật đều có chung một giá bán là 500.000 đồng.
Các "kỷ vật kháng chiến" của các cán bộ cách mạng đã hiến tặng Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa nhưng bị kê khống giá bán chỉ 500.000 đồng/hiện vật - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN
Việc làm kể trên của ông Đa đã bị chính một số cán bộ, nhân viên của Bảo tàng tỉnh phát giác. Ngày 18-11-2021, họ đã có đơn tố cáo ông Đa có các hành vi "sai phạm, không tôn trọng những người có tâm huyết trao tặng di vật cho bảo tàng lưu giữ mà gian dối đem di vật, hiện vật được trao tặng ra để kê giá thanh toán với bảo tàng nhằm trục lợi cá nhân. Không thực hiện đúng thông tư quy định về việc mua sắm hiện vật, tự mình định giá thương thảo mà không bàn với nhân viên trong phòng".
Chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm và cho... phục chức
Ngay sau khi nhận đơn tố cáo, ngày 19-11-2021, giám đốc Bảo tàng tỉnh Lê Chí Hướng có quyết định đình chỉ tạm thời chức vụ đối với ông Đa.
Sau khi lập tổ xác minh, giám đốc Bảo tàng tỉnh đã có báo cáo kết quả và kết luận: việc ông Mai Ngọc Đa đề xuất mua một nhóm hiện vật mà chưa đến tận nơi điều tra khảo sát, chỉ nghe qua điện thoại với cộng tác viên rồi sau đó lấy ảnh trên mạng để minh họa là không đúng theo quy định tại thông tư số 11/2013 ngày 16-12-2013 của Bộ VH-TT&DL.
Còn việc ông Đa "tham mưu đề xuất thanh toán hiện vật được hiến tặng là không đúng quy định tài chính".
Tuy nhiên, theo kiểm điểm của ông Đa thì các hành vi đó đều chỉ là "thiếu sót". Còn giám đốc Bảo tàng tỉnh thì báo cáo "những sai sót trong tham mưu đề xuất (của ông Đa) đã được hội đồng khoa học đơn vị chỉ rõ và quyết định không thực hiện" và "chưa có thiệt hại về kinh tế". Do đó, tổ xác minh do giám đốc Bảo tàng tỉnh làm tổ trưởng đã "kiến nghị cần có kiểm điểm nghiêm khắc rút kinh nghiệm đối với ông Mai Ngọc Đa".
Ngày 4-1-2022, giám đốc Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa Lê Chí Hướng đã ký quyết định "khôi phục vị trí chức vụ trưởng phòng nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh đối với ông Mai Ngọc Đa".
Tháng 2-2022, hai cán bộ đã trao tặng "kỷ vật kháng chiến" là ông Mai Như Pha cùng vợ là bà Trương Thị Mỹ Nữ, ở xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã gởi đơn đề nghị chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Sở Văn hóa và thể thao tỉnh, Bảo tàng tỉnh "trả lại đầy đủ hiện vật đã trao tặng lại cho chúng tôi".
Ngày 4-3-2022, giám đốc Sở Văn hóa và thể thao Khánh Hòa đã có quyết định thanh tra tại Bảo tàng tỉnh. Trong đó, có nội dung thanh tra về công tác phòng, chống tham nhũng và việc mua sắm hiện vật của bảo tàng từ năm 2019 - 2021.
Cuộc thanh tra đã kéo dài quá thời hạn quy định ban đầu. Cho đến nay, theo giám đốc sở Nguyễn Thanh Hà, vẫn chưa có báo cáo kết luận thanh tra, xử lý sai phạm trong vụ kê khống giá bán mua và đề nghị mua hiện vật, kỷ vật do các cán bộ lão thành cách mạng hiến tặng kể trên.
Đề nghị xử lý nghiêm, có thư xin lỗi các cựu chiến binh
Trong đơn gởi chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa để đòi lại kỷ vật đã hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa, ông Mai Như Pha cùng vợ là bà Trương Thị Mỹ Nữ (ở xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) cho rằng: "Cán bộ nghiệp vụ của Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa đã có hành vi gian dối, đem hiện vật ra kê giá mua bán, làm hồ sơ giả, kê khai số tiền lên tới mấy chục triệu đồng. Đó là một hành vi xúc phạm tới những người cựu chiến binh như chúng tôi. Đem xương máu, tuổi trẻ, sự hy sinh của chúng tôi quy đổi thành tiền, đem lợi cho cá nhân".
"Năm nay tôi đã 75 tuổi, vợ tôi 73 tuổi, vấn đề danh dự với đồng đội, gia đình, chòm xóm là rất quan trọng. Nếu đơn vị và đồng đội chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đem bán hiện vật, kỷ vật chiến tranh thì đó là điều xúc phạm rất nghiêm trọng" - ông Pha đã trình bày và "đề nghị xử lý nghiêm đồng chí sai phạm, có thư xin lỗi đối với các cựu chiến binh chúng tôi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận