17/01/2019 09:04 GMT+7

Hiến tạng cứu người - Kỳ 1: 'Chết cũng phải là người có ích'

L.ANH - D.THANH
L.ANH - D.THANH

TTO - Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc - phó giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, năm 2018 là năm số người đăng ký hiến tạng sau khi qua đời xấp xỉ bằng số người đã đăng ký 4 năm trước đó: 8.000 người.

Hiến tạng cứu người - Kỳ 1: Chết cũng phải là người có ích - Ảnh 1.

Giây phút gặp gỡ của vợ người hiến phổi (bên phải) và mẹ của thiếu niên nhận phổi - Ảnh: L.ANH

Khó khăn nhất đối với tôi là hai cậu con trai. Tôi phải lựa lời rất nhiều để trò chuyện với hai con về ý định của mình theo cách phải dẫn dắt câu chuyện từ chuyện này đến chuyện kia, cuối cùng là quyết định của mình

Anh C.

"Mọi người đến đăng ký hiến tạng hằng ngày ở Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia. Có ngày chưa qua giờ nghỉ trưa mọi người đã đến, có khi chúng tôi vừa mở cửa đã thấy mọi người đến chờ. Nhiều người trong số này còn trẻ, cả những người nổi tiếng... 

Điều đấy làm chúng tôi cảm thấy ấm áp vì nhiều người đã sẵn sàng trao tặng món quà sự sống, quà tặng cao cả nhất trong số những loại quà tặng" - ông Phúc chia sẻ.

Chết cũng phải là người có ích

Anh N.X.C., 46 tuổi, quê tỉnh Bình Định, hiện là chủ tịch hội đồng quản trị của một doanh nghiệp tại TP.HCM chuyên về xuất khẩu thủy sản. Anh C. cho biết anh đã đăng ký hiến tạng, hiến xác và được Bệnh viện Chợ Rẫy cấp thẻ chứng nhận vào năm 2017.

"Quyết định hiến tạng, hiến xác cho y học của tôi bắt đầu cách đây hơn 5 năm. Khi đó, một nữ kế toán của công ty tôi là một người rất giỏi, bị suy thận. Nhiều lần nhìn cô gái đang độ tuổi xuân thì, lại có tài năng nhưng vô cùng ốm yếu, đau đớn... và cách cô ấy chạy vạy, tìm hiểu, liên hệ khắp nơi để tìm người hiến thận, thậm chí hỏi mua thận, trong tôi bắt đầu nghĩ đến việc hiến tạng sau khi qua đời" - anh C. nhớ lại.

Cô kế toán ở công ty anh C. sau đó đã được ghép thận tại Huế, tìm lại được sức khỏe, cô cống hiến tốt hơn cho đơn vị từ ấy đến nay, điều này càng khiến anh C. có thêm động lực cho quyết định của mình.

Thường thì những người muốn hiến tạng, hiến xác cho y học gặp trở ngại lớn nhất là tìm kiếm sự đồng thuận từ người thân trong gia đình. May mắn cho anh C. là vợ anh, một bác sĩ nhãn khoa đang công tác tại TP.HCM, lại là người thấu hiểu và chia sẻ với anh. 

"Vợ tôi nhiều đêm mất ngủ khi nghĩ về những đứa trẻ bệnh nhân của cô ấy. Những đứa trẻ rất thông minh, học giỏi, có thể là những tài năng tương lai, nhưng phải sống quãng đời rất dài còn lại trong mù lòa vì bệnh giác mạc mà không có người hiến tặng để thay thế. Khi nghe tôi bày tỏ ý định hiến tạng, hiến xác sau khi qua đời, vợ tôi cũng thoáng chần chừ, nhưng sau đó cô ấy đã đồng thuận" - anh C. thổ lộ.

Anh C. kể anh mồ côi cha, mẹ anh bị sốc khi nghe đứa con trai duy nhất của mình bày tỏ việc sẽ hiến tạng, hiến xác cho y học, nhưng cuối cùng bà cũng tôn trọng quyết định của con trai. 

"Khó khăn nhất đối với tôi là hai cậu con trai. Tôi phải lựa lời rất nhiều để trò chuyện với hai con về ý định của mình theo cách phải dẫn dắt câu chuyện từ chuyện này đến chuyện kia, cuối cùng là quyết định của mình. Tôi nói với các cháu rằng tâm nguyện cuộc đời của ba là khi sống làm người có ích thì khi chết đi vẫn là người có ích" - anh C. kể.

Từ khi được cấp thẻ hiến tạng, hiến xác cho y học, anh C. cho hay anh đã cố gắng để giữ mình. "Công việc kinh doanh, phải tiếp khách và đối tác nhiều, nhưng tôi chỉ uống bia, rượu với mức độ vừa phải để bảo vệ sự khỏe mạnh của những cơ quan nội tạng mà mình đã cam kết hiến tặng cho y học. Tôi thay đổi lối sống và bảo vệ mình, để mai này những người nhận được các tạng của mình tiếp tục một cuộc sống khỏe mạnh" - anh C. bộc bạch.

Người duy nhất tôi đã phải nói cả trước và sau khi đi đăng ký hiến tạng là cậu con trai 12 tuổi, cũng là người thân duy nhất liên quan tới việc này. Con tôi không can dự vào quyết định của tôi bây giờ, nhưng trong hoàn cảnh của tôi - một bà mẹ đơn thân - nó là người sẽ giúp tôi thực hiện quyết định sau này

Một phụ nữ trẻ đăng ký hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM

Những người mang lại sự sống

Năm 2018 cũng là năm đặc biệt với những người điều phối hiến ghép mô tạng. Trong năm đã có ba em bé 4 tuổi, 7 tuổi và 12 tuổi tặng lại giác mạc sau khi qua đời. Các bé đã đem lại ánh sáng cho sáu người mù vốn trước đây mắt của họ chỉ toàn là đêm tối. 

Cũng trong năm rồi, có bốn chuyến bay xuyên Việt mang theo tạng hiến của những người vừa mới qua đời, họ đều trẻ trung, đều đang hạnh phúc và ra đi ở độ tuổi tráng niên. Tất cả đều để lại một phần cơ thể mình cho những người ở lại.

"Thông qua nhiều chuyến bay xuyên Việt trong thời gian qua, đội ngũ y bác sĩ đã mang theo những trái tim của những người hiến tặng cho những người bệnh cần được sống nhất, nhiều câu chuyện xúc động nhất. Những trái tim đó giờ đang yên lành ở những cơ thể mới, nhưng khi gặp lại người thân, trái tim ấy đã nhói lên. Một điều lạ kỳ mà chúng ta tưởng là không thể, nhưng nó đã xảy ra để chứng minh một điều: nếu để lại sự sống, trái tim ấy vẫn đập những nhịp đập yêu thương với người thân của mình".

"Con ơi, mẹ đăng ký hiến tạng"

hiến tạng

Thẻ hiến tạng của một phụ nữ trẻ - Ảnh: HOÀNG HOA

Không hẹn mà gặp, trong lúc nói chuyện, ba người bạn chúng tôi vô tình biết nhau cùng có nguyện vọng đăng ký hiến tạng từ lâu nhưng vì công việc bận rộn nên cứ lần lữa mãi.

Thế là chỉ sau một vài trao đổi, cả ba thu xếp công việc, dành một buổi sáng tới phòng đăng ký hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) làm thủ tục.

Cầm tấm thẻ cấp cho người đăng ký hiến tạng, suốt chặng đường về, trong lòng tôi nhen lên cảm giác ấm áp, vui vui. Vẫn biết lời hứa mình vừa cam kết, nếu theo đúng "lộ trình sức khỏe", còn vài thập kỷ nữa mới thực hiện, nhưng tôi vẫn vui vì hiểu mình đã có thể làm một việc ý nghĩa cuối cùng ngay cả khi đã từ giã cõi đời.

Người duy nhất tôi đã phải nói cả trước và sau khi đi đăng ký hiến tạng là cậu con trai 12 tuổi, cũng là người thân duy nhất liên quan tới việc này. Con tôi không can dự vào quyết định của tôi bây giờ, nhưng trong hoàn cảnh của tôi - một bà mẹ đơn thân - nó là người sẽ giúp tôi thực hiện quyết định sau này.

Buổi tối trước hôm đi hiến tạng, khi nghe tôi chia sẻ kế hoạch, nó lặng yên một lúc rồi thủ thỉ: "Con đã đọc báo nói về chuyện này nhiều rồi và thấy bình thường, nhưng khi nghe mẹ nói sẽ hiến tạng thì con lại thấy hơi sợ một chút...".

Tôi ôm con, bảo "sở dĩ con thấy sợ là vì nghĩ tới chuyện mẹ sẽ chết. Nhưng ai rồi cũng phải chết, mà chết khi đã già là điều rất bình thường và chuyện này còn lâu mới đến. Hơn nữa, khi mình đã được sống trọn vẹn một cuộc đời bình thường rồi thì lúc từ giã, mình giúp được ai đó với các bộ phận trên cơ thể mình thì cũng nên làm lắm chứ".

Rồi tôi nhắc lại con nghe chuyện em bé 4 tuổi sau khi mất đã hiến giác mạc giúp 2 anh thanh niên khác tìm lại được ánh sáng trên báo mới đăng gần đây. Thằng bé vẫn rất nhớ chuyện đó, gật đầu "con hiểu rồi".

Hôm sau, lúc đưa con xem tấm thẻ đăng ký hiến tạng do Bệnh viện Chợ Rẫy cấp, tôi đưa luôn tập tài liệu phổ biến kiến thức về đăng ký hiến mô, tạng do bệnh viện phát.

Thằng bé chắc chắn đã "nghiên cứu" rất kỹ trong cả một ngày sau đó, nên buổi tối hôm sau, khi tôi đi làm về, nó đón ở cửa, ôm mẹ nói luôn: "Con hiểu rồi mẹ, sau này con sẽ làm như lời mẹ dặn".

Vậy là người quan trọng nhất với tôi đã hiểu và ủng hộ quyết định đã chọn.

Rồi con hỏi "đăng ký hiến tạng xong rồi thì sẽ thế nào hả mẹ?".

Tôi bật cười bảo: "Thì như mọi lần mẹ vẫn dạy con, "điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác" và "những gì mình đem cho ai cũng đều phải còn tốt", mẹ đã đăng ký hiến tạng rồi thì giờ mẹ sẽ gắng tập luyện thể thao, giữ gìn sức khỏe tốt nhất để sau này những gì mình đem cho người khác có thể giúp ích nhiều nhất cho họ. Chỉ đơn giản là vậy thôi con".

LÂM PHONG

L.ANH - D.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp