Với rất nhiều thành viên trong đoàn năm ấy, ai cũng lần đầu tiên trong đời tận mắt thấy "cột mốc chủ quyền" Tổ quốc giữa Biển Đông. Cũng bởi các thông tin về Trường Sa thời điểm này chưa nhiều, huống gì là nhà giàn DK1.
Có thành viên trước ngày rời cảng Cam Ranh bắt đầu chuyến đi còn thắc mắc "không biết nhà giàn DK1 là gì".
Vượt qua những cơn say sóng sau nhiều ngày trên biển, mọi người đã nhìn thấy nhà giàn từ nhỏ đến to dần, sừng sững hiên ngang giữa Biển Đông. Có một nỗi xúc động len nhẹ trong lòng, có người rưng rưng, tự nhiên nước mắt ứa ra.
Từ chiếc xuồng cứu sinh rời tàu lớn thẳng tiến về phía nhà giàn, ai cũng nôn nao chờ giây phút được đặt chân lên đó. Chiếc cầu thang dựng thẳng đứng từ sát mặt nước biển mà mỗi lần muốn bước lên phải canh con sóng đẩy chiếc xuồng lên sát mép cầu thang để không bị hụt chân. Và cứ thế nhìn thẳng, bám chắc, leo từng bậc thang giữa bốn bề là nước.
Chiếc nhà sàn bốn trụ được kết bằng những khối sắt khổng lồ mà mỗi trụ một vòng tay người ôm không hết. Có những nhà giàn mà đỉnh nóc là bãi đỗ trực thăng. Cảm giác đặt bước chân lên tầng sàn đầu tiên của nhà giàn thật khó diễn tả. Có gì đó tự hào nhưng hơn cả là sự cảm phục.
Cảm phục trước hy sinh của những người lính hải quân. Chỉ với không gian khiêm tốn ấy, họ đã ở đó suốt ngày này qua tháng nọ để giữ thềm lục địa, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc thiêng liêng. Ngày đó nhà giàn còn chưa có điện, mãi cho đến năm 2009, sau lời phát động của báo Tuổi Trẻ, bạn đọc cả nước mỗi người góp một tay làm nên chương trình "Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1" để nhà giàn sáng đèn từ ngày đó.
Trong khối nhà sắt giữa bốn bề chỉ thấy nước ấy, những người lính hải quân âm thầm làm nhiệm vụ, chấp nhận xa vợ con, có cả những anh lính trẻ chưa gia đình. Họ nương tựa bên nhau, cùng vượt qua những trận dông gió, bão nổi vào mỗi mùa mưa bão. Nhưng có là gì, các anh vẫn kiên cường nơi ấy, hiên ngang giữa biển trời.
Trong cuộc giao lưu văn nghệ chớp nhoáng ngay tại sân đỗ trực thăng trên nóc nhà giàn, có anh lính đã ngân nga Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai. Câu hát dường như chưa bao giờ nghe mênh mang và hay đến thế!
Quà tặng khách rời nhà giàn có cả những thùng nước mắm được các anh lính làm từ mớ cá biển lưới được mà họ cười bảo "chỉ cá và muối, chắc chắn không chất bảo quản". Chiếc can nhựa nhẹ thôi mà nghe nặng ân tình.
Khách về tàu vẫn nhớ mãi màu xanh của giàn mồng tơi. Những luống rau được các anh trồng trong vài chậu đất mang ra từ đất liền. Và chỉ có thể tranh thủ mùa biển lặng mới trồng được để cải thiện rau xanh trong bữa ăn.
Gần 20 năm, những hình ảnh của chuyến đi có một không hai trong đời ấy vẫn còn in đậm, như mới hôm qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận