TP.HCM có sông Sài Gòn uốn lượn quanh co và tạo ra nhiều bán đảo 3 mặt giáp sông, trải dài từ bắc xuống nam với An Phú Đông, Hiệp Bình Phước, Thanh Đa, Thảo Điền, Tân Cảng cũ, Thủ Thiêm, Tân Thuận, Thạnh Mỹ Lợi...
Ngoài ra, còn nhiều khu đất ở ven sông mà nếu được quy hoạch tốt sẽ nâng tầm cao cho thành phố mà tuổi đời chỉ mới hơn 300 năm. Sông Sài Gòn đoạn qua địa phận TP.HCM độc đáo như hình một con rồng lớn đang uốn lượn, len lỏi trong lòng đô thị.
Các khu đất rộng lớn ven sông ở các vị trí rất đẹp, dải đất dài thuận lợi cho việc mở rộng không gian, làm đẹp cảnh quan và tạo ra những phân khu chức năng phục vụ cộng đồng, văn hóa, lịch sử, phát triển du lịch của thành phố.
Tuy nhiên, những năm gần đây, bờ sông Sài Gòn ở khu vực trung tâm lại "mọc" lên nhiều nhà cao tầng. Bến Bạch Đằng là vị trí trung tâm của con sông huyết mạch thành phố dù được chỉnh trang nhiều lần vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, chỉ là một công viên nắng gió ít du khách qua lại do thiếu hẳn bóng cây xanh.
Tại đây, cần phải là một khung cảnh không gian mới, cần chỉnh trang nơi này một cách tổng thể về hệ thống lối đi, cây xanh, sân bãi, chiếu sáng, hệ thống tưới nước di động...
Có thể xem đây là một "tiểu trung tâm" ven sông, góp phần tạo mỹ quan mới cho thành phố. Xa hơn, thành phố cần hướng đến tổng thể, tổ chức lại không gian; thực hiện công tác lập quy hoạch, kết hợp vận dụng đặc trưng sông Sài Gòn để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời, cuộc sống cư dân địa phương; đồng thời góp phần giải quyết những trở ngại về kẹt xe, ngập nước do triều cường, ô nhiễm môi trường.
Cần tăng cường đầu tư các dự án phục vụ cộng đồng và khai thác dịch vụ hai bên bờ sông, ưu tiên các công trình mang biểu tượng văn hóa, lịch sử; thiết kế bảo tàng, khu ẩm thực, hàng lưu niệm, khu vui chơi trẻ em, nhà văn hóa, triển lãm ngoài trời, biểu diễn nhạc nước, sinh hoạt lễ hội trong các dịp lễ lớn.
Cần tôn tạo và xây dựng thêm các tượng đài đủ tầm vóc và ấn tượng. Tạo dựng một quần thể văn hóa đô thị vừa hiện đại, vừa mang đậm bản sắc truyền thống, dân tộc, lịch sử... như là bộ mặt, điểm nhấn chính của thành phố.
Khi xây dựng các tuyến đường đi bộ, đi dạo ven sông cần được quy hoạch để có sự kết nối hài hòa giữa các công trình; đồng thời tạo sự liền mạch không gian bờ sông với các khu vực phía trong, vào các khu phố, ngăn ngừa ngập lụt và kết hợp với việc cải thiện môi trường.
Không thể phủ nhận việc khai thác, kinh doanh không gian và quỹ đất ven sông Sài Gòn sẽ tạo ra nguồn lực kinh tế lớn. Do đó, rất cần có sự tham gia từ nhiều nguồn lực xã hội. Cần có quy chế quản lý, sử dụng khai thác hành lang bảo vệ sông Sài Gòn, từ đó làm công cụ để tổ chức thực hiện dễ dàng hơn.
Việc lấy ý tưởng của nhiều đơn vị trên cơ sở lợi ích chung là rất quan trọng. Tất cả sẽ được tích hợp để phục vụ công tác quy hoạch tổng thể, trong đó hình thành nên những "không gian văn hóa" ven sông cần được ưu tiên vì đó một điểm nhấn không thể thiếu cho một thành phố đang phát triển.
Quốc gia nào cũng thế, đất ven sông trong thành phố đều có giá trị rất cao, nhưng nếu chỉ vì giá trị mà ưu tiên cho các chủ đầu tư xây biệt thự với hàng rào kín cổng cao tường thì đó chỉ là "không gian chết", không biểu hiện được sức sống của một thành phố trẻ đầy năng động.
Đồ hoạ: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận