20/04/2022 07:13 GMT+7

Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Cần xây dựng cảnh quan ven sông

PHẠM MẠNH QUÂN
PHẠM MẠNH QUÂN

TTO - Hiến kế này chỉ giới hạn cho sông Sài Gòn theo nghĩa hẹp, tức là đoạn sông Sài Gòn chảy qua TP.HCM. Đây có thể xem là mô hình điểm, có thể nhân rộng cho các địa phương khác dọc sông Sài Gòn.

Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Cần xây dựng cảnh quan ven sông - Ảnh 1.

Một số ví dụ về cách triển khai bờ sông ở nhiều nước trên thế giới: công viên ở Thụy Sĩ, đẹp, độc đáo với 3 cầu phao có chỗ ngồi nghỉ, vươn ra giữa sông; công viên John G. and Phyllis W. Smale Riverfront Park rộng 13 hecta ở Cincinnati, Ohio, Mỹ; Pavshinskaya Poyma, Krasnogorsk, Moscow Oblast, Nga; nằm trên sông Matxcơva, cách Matxcơva 12 km. Công viên rộng 13 hecta. Giai đoạn đầu 4 hecta hoàn thành năm 2020

Sông Sài Gòn là một báu vật do thiên nhiên ban tặng cho TP.HCM. Nhiều thành phố trên thế giới cũng có sông chảy qua như Seoul có sông Hangang, Paris có sông Seine, Chicago có sông Chicago, Koln có sông Rhine..., nhưng đặc biệt sông Sài Gòn đoạn chảy qua TP.HCM lại uốn lượn như một con rồng đang bay, tạo cho dòng sông vẻ đẹp riêng, và nhất là tạo nên diện tích ven bờ rất lớn. Đó là một thế mạnh, cần phải được khai thác triệt để.

Một trong những phương án cần thực hiện và có thể thực hiện dễ dàng là làm công viên và những chỗ vui chơi cho người dân. Những công trình này cũng sẽ làm đẹp cảnh quan ven sông, làm tăng thêm vẻ quyến rũ của sông Sài Gòn.

Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Cần xây dựng cảnh quan ven sông - Ảnh 2.

Seoul có 12 công viên dọc sông Hangang (trọng tâm của dự án Phục hưng sông Hàn - Hangang Renaissance Project 2007-2030), công viên nào cũng lớn rộng, tầm cỡ; Paris có công viên dọc 2 bờ sông Seine dài 7km; Chicago (Mỹ) có riverwalk dài gần 5km bên bờ sông Chicago; Koln (Đức) có Rhine Boulevard dài 500m bên bờ sông Rhine

TP.HCM rất ít công viên, và số công viên ven sông Sài Gòn lại càng ít. Sau những ngày lao động miệt mài, người dân thành phố, nhất là giới trẻ, muốn được đắm mình trong thiên nhiên, trong môi trường sanh, xạch, được hít thở không khí trong lành, được ngắm nhìn sông nước để xua tan bao nhọc nhằn, căng thẳng.

Tìm được một chỗ cùng gia đình, bạn bè thư giãn, cùng nhau vui đùa, cắm trại, picnic, thể thao trong thành phố là chuyện rất khó. Phải về Vũng Tàu, ra Cần Giờ, lên Giang Điền… xa và tốn kém. Việc xây dựng các công viên ven sông Sài Gòn sẽ đáp ứng được nhu cầu này, đồng thời tạo điều kiện để khuyến khích người dân có lối sống tích cực.

Không những thế, những công viên xanh, sạch, đẹp sẽ lôi cuốn được du khách nội cũng như khách ngoại đến nghỉ ngơi, tham quan. Hơn nữa, công viên sẽ giúp làm đẹp cảnh quan ven sông, khiến cho du khách đi du thuyền dạo chơi trên sông sẽ thấy thích thú hơn.

Công viên phải xanh, sạch, giữ được vẻ thiên nhiên. Phải trồng cây xanh, thảm cỏ xanh, giữ gìn cảnh quan càng thiên nhiên càng tốt. Phải có chỗ để người dân - già trẻ lớn bé - nghỉ ngơi thoải mái, có chỗ để ngắm sông.

Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Cần xây dựng cảnh quan ven sông - Ảnh 3.

Chỉ cần những tiện nghi tối thiểu cũng đủ. Tùy quy mô, địa điểm mà công viên còn có chỗ cắm trại, picnic; có chỗ để chơi thể thao, vận động, đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp; nếu có điều kiện thì làm hẳn một con đường đi xe đạp chạy dọc bờ sông xuyên qua các công viên, chơi cầu lông, thả diều, đá banh, đánh banh, leo tường, bơi lội; có chỗ trượt nước, bơi thuyền, chèo kayak, paddling, đạp vịt; cũng có thể biến công viên thành bãi biển

Cũng nên đưa những hoạt động văn hóa vào công viên như triển lãm, biểu diễn nhạc, phòng đọc sách… Nên xây dựng những công viên sinh thái ở những nơi xa trung tâm thành phố (như Cần Giờ), để cho các loài động vật có thể tề tựu về sinh sống. Người dân đến đó có thể ngắm nhìn các chú chim, tìm gặp các con thú.

Nên xây dựng công viên văn hóa các dân tộc Việt Nam hoặc công viên các danh thắng Việt Nam trong đó có các danh thắng thu nhỏ như chùa Một Cột, chùa Thiên Mụ, Hoàng Thành, Đại Nội…

Việc thiết kế công viên cần được coi trọng. Công viên đẹp không những lôi cuốn nhiều người đến vui chơi mà còn tạo cảnh quan quyến rũ cho bờ sông. Hãy xem một số công viên ven sông rất đẹp, rất độc đáo của một số nước.

Ở những nơi đất hẹp, nhất là ở trung tâm thành phố nơi quỹ đất công không còn nhiều, thì không thể xây công viên, thay vào đó nên xây những đường đi bộ dọc bờ sông hoặc những bậc tam cấp hướng ra sông.

Còn gì bằng khi chiều xuống, sau giờ làm việc mệt nhọc, các bạn trẻ có những chỗ thoáng mát, hữu tình để đi dạo cùng nhau hoặc ngồi bên nhau trò chuyện. Rồi những chiều cuối tuần, bạn bè, gia đình đều có chỗ để rủ nhau ra quây quần hóng mát bên bờ sông. Những chỗ như thế này cũng sẽ quyến rũ du khách ghé chơi.

Để biến "giấc mơ" này thành hiện thực, điều kiện tiên quyết là cả hệ thống chính trị có quyết tâm cao, chính quyền thành phố có quyết sách đúng đắn, đưa ra một dự án khả thi có mục tiêu cụ thể, có lộ trình rõ ràng, động viên được sự tham gia tích cực của người dân.

Dự án này phải là dự án của dân, do dân và vì dân. Mọi vấn đề liên quan đến dự án đều cho dân biết, đều để dân bàn, đều động viên dân chung tay làm, và tạo điều kiện để dân kiểm tra.

Dự án có thể kéo dài 15 năm, 20 năm chẳng hạn. Seoul có dự án The Hangang Renaissance Project (Phục hưng sông Hàn) bắt đầu từ năm 2007 và dự kiến năm 2030 mới kết thúc.

Trước tiên, phải điều tra, nắm chính xác quỹ đất ven sông, thu hồi đất ven sông bị lấn chiếm, nghiên cứu kỹ thế đất, khúc sông.

Từ đó sẽ quy hoạch chỗ nào làm công viên sinh thái, chỗ nào làm đường xe đạp, chỗ nào làm hồ bơi, chỗ nào làm công viên văn hóa, chỗ nào kết hợp trò chơi thể thao dưới nước, chỗ nào chỉ làm đường đi bộ ven sông, bậc tam cấp ngồi chơi hóng mát…

Trước mắt, nên tập trung làm điểm vài công viên, một số đường đi bộ ven sông, một ít bậc tam cấp, sau đó sẽ rút kinh nghiệm rồi nhân rộng ra.

Mong rằng 5 năm sau diện mạo sông Sài Gòn sẽ thay đổi, hai bờ sông sẽ xanh hơn, đẹp hơn, quyến rũ hơn để xứng danh với thành phố mang tên Bác, luôn năng động, luôn làm đầu tàu cho cả nước.

Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Cần xây dựng cảnh quan ven sông - Ảnh 4.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Sông Sài Gòn: Nắn thẳng, xanh hóa và tạo một trái tim Sông Sài Gòn: Nắn thẳng, xanh hóa và tạo một trái tim

TTO - Mỗi thành phố lớn đều gắn với một dòng sông. Nó đặt hạt giống tạo nên thành phố bên bờ và đến lượt mình, thành phố làm dòng sông trở nên thân thương và nổi tiếng. Sông Sài Gòn là một dòng sông như vậy.

PHẠM MẠNH QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp