Người đi giữa “rừng xe” trên vỉa hè vòng xoay Công trường Quốc Tế, Q.3, TP.HCM - Ảnh: T.KIỀU
Giành lại vỉa hè là cuộc rượt đuổi giữa chính quyền và người vi phạm trật tự đô thị, giữa cái đúng và cái sai, giữa quyền lợi của số ít người hưởng lợi từ vỉa hè và câu chuyện văn minh, trật tự vỉa hè.
Sự ra quân đồng loạt của các quận, huyện TP.HCM và Hà Nội trước đây trong việc tái lập trật tự đô thị đã được dư luận cả nước quan tâm, đồng tình ủng hộ. Tôi tâm đắc những địa phương ở Hà Nội hay một số quận, huyện TP.HCM lúc đó đã có cách làm bài bản: bước đầu quán triệt nội bộ quyết tâm của thành phố, kiên quyết chỉ ra chuyện "chống lưng". Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung lúc đó đã nói về chuyện công an đứng đằng sau những quán bia vỉa hè.
Bắt đầu từ câu chuyện những người đứng sau chuyện trục lợi từ vỉa hè, nhìn thẳng vào sự vụ, sự việc sẽ có quyết sách đúng. Đây cũng là cách làm trong sạch guồng máy nhà nước, nâng cao vị trí, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước cấp phường, xã, nơi được coi là quyết định sự thành bại của cuộc giành lại vỉa hè và duy trì thành quả của chiến dịch.
Giành lại vỉa hè, đồng thời phải tính đến việc giữ lại vỉa hè về lâu về dài. Dù khó khăn và đụng chạm lợi ích lớn nhỏ của nhiều người nhưng cần quyết tâm làm. UBND TP.HCM từng giao UBND các quận, huyện chấn chỉnh tình trạng "chợ tự phát", lấn chiếm trái phép vỉa hè, lòng lề đường để tụ tập, buôn bán. Duy trì trật tự vỉa hè, tiếp đó phải là việc sử dụng vỉa hè hiệu quả cũng như đảm bảo mỹ quan đường phố. Và vấn đề thu phí vỉa hè được đặt ra, dư luận bàn tán với nhiều ý kiến trái chiều.
Có người ước tính: điều kiện thực tế vỉa hè của TP.HCM có thể thu về hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. Cũng có dư luận tỏ ra ái ngại cho việc thu phí vỉa hè. Họ cho rằng: "đòi" lại vỉa hè cho người đi bộ, rồi lại tính đến thu phí, liệu có khác gì trước đây? Thật ra rất khác! Nếu làm tốt, có thêm nguồn thu ngân sách và quan trọng nhất là mục tiêu chúng ta theo đuổi: tái lập trật tự đô thị.
Tham nhũng, bảo kê vỉa hè trước đây là dạng lợi ích nhóm; còn thu phí vỉa hè là để phục vụ người dân, nếu chính quyền làm tốt sẽ giúp một bộ phận người dân có công ăn việc làm ổn định, hợp pháp.
Thu phí vỉa hè không phải là ý tưởng mới. Đây là nội dung được quy định trong Luật phí và lệ phí được Quốc hội thông qua ngày 25-11-2015. Theo đó, hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương ban hành mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Cần quy định mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để tạo một hành lang pháp lý nhằm giữ vững thành quả trước đây. Những người kinh doanh trên vỉa hè, đậu xe, giữ xe lề đường… thực hiện việc đóng loại phí này.
Giành lại vỉa hè cho người đi bộ không hẳn cứng nhắc là vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ qua lại buồn tẻ mỗi ngày. Khách bộ hành, những người dạo phố đôi khi thèm một ly cà phê, ly kem, một tô phở hay tiện tay mua sắm áo quần chẳng hạn, tại sao không? Ngoài 1,5m dành cho người đi bộ, cần có quy hoạch lại mặt tiền đường, để mọi người có thể ngồi lại thong thả thưởng thức hương vị ẩm thực đường phố, ngắm phố phường sạch đẹp, thành phố hiện đại, văn minh…
Có thể có những cửa hàng, bãi giữ xe trên hè phố (ở những nơi đủ điều kiện) để mọi người có thể mua và bán nhưng không đụng đâu tấp xe đó như hiện nay. Cách này cũng sẽ giải quyết chuyện "chén cơm manh áo" cho những người buôn bán ở mặt tiền, vỉa hè lâu nay có phương kế làm ăn đúng pháp luật. Điều này, theo tôi, Nhà nước cần làm bằng mọi giá để có một đô thị văn minh, đáng sống.
"Khoanh tay" nhìn hè phố ngổn ngang
"Chiến dịch" giải phóng vỉa hè năm ngoái, ở phường tôi tất cả vỉa hè 3m đã được dọn sạch. Những chậu cây kiểng, thùng xốp trồng rau, mái hiên di động, bàn ghế lấn chiếm vỉa hè được di dời, hàng quán lấn vỉa hè cũng giảm đáng kể. Vài tháng sau, mọi thứ dần trở lại như cũ, người đi bộ lại phải đi dưới lòng đường.
Một chiến dịch thật sự với tác động không nhỏ. Vì lợi ích, vì thói quen của mình, nhiều người phản đối kịch liệt nhưng nhiều người hiểu ra câu chuyện "vỉa hè của chung". Giờ, chúng ta "khoanh tay" ngồi nhìn hè phố ngổn ngang, lối đi chung bị chiếm dụng hay sẽ chờ chiến dịch khác?
Câu chuyện hôm nay chúng ta có đủ quyết tâm vì một đô thị văn minh, sạch đẹp cho tương lai hay kéo dài thực tế này thêm hàng chục năm nữa? Việc này khiến nhiều người coi thường hiệu quả đã từng có.
Tôi cho rằng khó mấy, đụng chạm đến ai cũng cần quyết tâm của chính quyền. Vì lợi ích chung, người dân sẽ ủng hộ và chấp hành. Một năm chưa xong thì làm hai ba năm. Đừng để chuyện "giải phóng vỉa hè" rầm rộ khắp nơi rồi mọi thứ y như cũ.
HỮU THẮNG (Q.9, TP.HCM)
Cần cách làm thuyết phục
Tôi còn nhớ chuyện dọn dẹp vỉa hè ở trung tâm Q.1, TP.HCM gắn liền với những câu chuyện liên quan đến ông Đoàn Ngọc Hải. Nhiều quận khác cũng ra quân. Quá nhiều ý kiến phản đối, đụng chạm lợi ích nhiều người. Chi phí xã hội cho mỗi đợt giải phóng lề đường, hè phố không hề nhỏ. Giành lại vỉa hè, nếu không giữ được, sẽ lại tốn kém chi phí trong lần "dọn" sau.
Có một thực tế: vận động người dân dẹp vài thứ trước nhà dễ hơn đuổi theo dẹp những xe đẩy, quán ăn, quán cà phê hè phố; dẹp những người buôn bán nhỏ, phạt vài xe máy đậu sai dễ hơn dẹp những bãi giữ xe hàng trăm chiếc ở nhà hàng lớn hay những công trình trăm tỉ xây sai phép, lấn vỉa hè... Giữ vỉa hè cho người dân nhưng không tránh khỏi đụng chạm đến lợi ích của người dân.
Vậy, cuộc "giành lại vỉa hè" và thu phí sử dụng vỉa hè (nếu sẽ làm) bắt đầu từ đâu, từ ai? Tôi cho rằng: cần bắt đầu chấn chỉnh những "anh" cửa hàng, quán xá trục lợi khủng từ vỉa hè. Nếu làm được, chuyện vận động bà con nghèo buôn bán nhỏ sẽ dễ hơn. Dọn từ đường lớn trước rồi đến hẻm nhỏ. Nếu chỉ kiên quyết với buôn bán nhỏ nhưng không dẹp nổi những "anh giàu" sẽ không thuyết phục.
LƯU NGỌC (Q.Tân Phú, TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận