09/01/2014 00:04 GMT+7

Hiện đại và đại chúng

 INRASARA
 INRASARA

TT - Hội thảo khoa học quốc tế Văn học Hàn Quốc trong bối cảnh châu Á (The international conference Korean literature in Asian perspective) đã diễn ra ngày 7-1 tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. 45 báo cáo khoa học đã mang đến nhiều điều thú vị và bổ ích.

Điểm bật nổi của hội thảo là bên cạnh truy tầm và đối sách văn học cổ điển Hàn Quốc và văn học các nước trong khu vực để tìm ra bản sắc độc đáo của ngôn ngữ và văn học truyền thống, người Hàn rất chú ý đến phát triển văn học hiện đại. Hiện đại, không chỉ là thứ văn hóa cao cấp khoác áo ngạo mạn, mà họ còn biết đề cao văn hóa đại chúng. Lâu nay ta hay có tâm lý xem thường cái gì gọi là đại chúng, đồng hóa đại chúng với thấp cấp, những thứ chỉ dành cho giới bình dân. Người Hàn ngược lại, và chính văn hóa đại chúng trong đó có phim ảnh, văn học đã chinh phục khán giả và người đọc khu vực, hay rộng hơn - thế giới.

Cuốn tiểu thuyết Hãy chăm sóc mẹ của nhà văn nữ Shyn Kyung Sook là tiểu thuyết bán chạy, đồng thời đoạt luôn giải thưởng Man Asian năm 2011 cao quý, là rất điển hình. Trong báo cáo của mình, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân - qua phân tích văn bản và văn cảnh trong tác phẩm - cho biết đó là tiểu thuyết xóa nhòa ranh giới bình dân và bác học, đề tài rất đời thường được mang tính thời đại trong thế giới toàn cầu hóa.

Các đề tài trong thời đại toàn cầu cũng được giáo sư Kim Jong Uck xới lên lần nữa trong tham luận: “Người không quốc tịch, công dân của quốc gia và công dân toàn cầu” qua phân tích hai truyện ngắn: Chối bỏ và Bão giông của hai nhà văn Hàn đương đại.

Vấn đề chẳng những khuôn định chỉ trong nội bộ nước Hàn, mà còn thuộc phạm vi khu vực, và được nâng lên giai độ hoàn cầu, đã tạo nên cuộc tranh luận sôi nổi ở Hàn và ngay trong hội trường cuộc hội thảo. Nhà văn Hàn đương đại là vậy, họ không từ nan bất cứ vấn đề thời sự nào.

Thế nhưng câu hỏi đặt ra: tại sao văn học Hàn ít được thế giới biết đến, cụ thể hơn - ít được chuyển dịch ra tiếng Việt? Dịch tác phẩm văn học từ tiếng Việt ra tiếng Hàn, là người Hàn; và ngược lại, từ tiếng Hàn ra tiếng Việt, vẫn lại là người Hàn! Những người từng theo học bộ môn tiếng Việt ở các trường đại học, các nghiên cứu sinh hay các vị khoa bảng. Còn người Việt - rất hiếm! Đó là điều lạ.

Đến hôm nay mới có 40 tác phẩm Hàn Quốc được dịch ra tiếng Việt, trong đó có 27 tiểu thuyết và tập thơ. Trong khi với văn học Nhật Bản, hơn 130 tác phẩm Nhật có mặt tại Việt Nam qua bản tiếng Việt. Thêm một câu hỏi lớn đặt ra trước giới nghiên cứu văn học Hàn Quốc lẫn văn giới Việt Nam. Chúng ta vẫn chưa quan tâm đến văn học của nhau, dù hai nước đã có quan hệ đối tác về kinh tế rất tốt đẹp.

Hội thảo - như lời kết của giáo sư Phan Thị Thu Hiền - “cảnh quan hóa tình hình nghiên cứu văn học Hàn Quốc cũng như khu vực, từ đó mở rộng và phát triển trao đổi văn học song phương và đa phương” giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.Một tham vọng đáng trân trọng.

 INRASARA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp