30/10/2018 11:11 GMT+7

Hiểm họa từ vi hạt nhựa - Kỳ 1: Cơn lốc dùng đồ nhựa một lần

HOÀNG LỘC - XUÂN MAI
HOÀNG LỘC - XUÂN MAI

TTO - "Có rất nhiều vi hạt nhựa trong chất thải của con người" - phát hiện sốc này vừa được các nhà khoa học Áo công bố, dấy lên lo ngại tiềm ẩn cho sức khỏe con người. Nghị viện châu Âu cũng vừa cấm các sản phẩm nhựa dùng một lần...

Hiểm họa từ vi hạt nhựa - Kỳ 1: Cơn lốc dùng đồ nhựa một lần - Ảnh 1.

Một quán cà phê tại TP.HCM bán cho khách uống tại chỗ cũng chỉ bằng ly nhựa - Ảnh: Quang Định

Sử dụng đồ nhựa dùng một lần vừa ảnh hưởng sức khỏe, vừa gây hại môi trường. Tuy nhiên tại Việt Nam, các sản phẩm nhựa dùng một lần ngày càng được sử dụng ồ ạt. Ly, chén, bát, đĩa, muỗng, ống hút, bao bì... bằng nhựa chỉ dùng một lần đang chiếm lĩnh mọi nơi từ quán cà phê, cửa hàng thức ăn nhanh đến các tiệm tạp hóa, siêu thị. Nhiều quán cà phê, cửa hàng thức ăn nhanh đã nhanh chóng thay ly tách thủy tinh, đĩa sứ bằng ly nhựa, đĩa nhựa...

Bùng nổ đồ nhựa "xài một lần rồi vứt"

Dạo quanh các cửa hàng thức ăn, thức uống nhanh, nơi đâu cũng tràn ngập ly nhựa uống tại chỗ lẫn mang đi. Tràn ngập ống hút nhựa, bao bì nhựa. Từ những gói tương cà tương ớt nhỏ đến hộp lớn hộp bé, bao nilông các kiểu...

Chiều 26-10, chúng tôi ghé vào một trung tâm thương mại ở TP.HCM uống cà phê của chuỗi thương hiệu H. lâu năm khá nổi tiếng. Cà phê H. có khoảng 20 bàn đều chật kín khách, đa phần giới trẻ gồm sinh viên, học sinh. Quán phục vụ hoàn toàn bằng ly nhựa, không dùng ly thủy tinh dù là bán cho khách uống tại chỗ. Trên các bàn dễ dàng nhận thấy sự hiện diện của rác thải ly nhựa, ống hút nhựa bày la liệt.

Một nhân viên nữ đưa cho chúng tôi ly cà phê sữa đá đựng trong ly nhựa, đồng thời hướng dẫn nơi để ống hút nhựa cho khách... tự xử. Khi nghe thắc mắc tại sao không đựng thức uống bằng ly sứ hoặc thủy tinh, nhân viên này trố mắt hỏi lại: "Anh mới vào đây lần đầu à? Ở đây làm gì có ly thủy tinh, sứ. Sử dụng ly nhựa rất tiện lợi, không phải mất thời gian rửa, khách chỉ uống một lần rồi tự vứt vào thùng rác".

Quan sát nơi kế bên là cửa hàng thức ăn nhanh M., có khá đông thực khách học sinh ra vào. Chẳng khác so với tiệm cà phê, ở đây nhìn mỏi mắt cũng không thấy một vật dụng nào khác ngoài... ly nhựa và bịch giấy bóng.

Tại một cửa hàng thức ăn nhanh trên đường Đinh Bộ Lĩnh (Bình Thạnh, TP.HCM), chúng tôi thấy rất đông khách vào để ăn uống. Khách mua pizza ăn tại chỗ, phải dùng kèm tương cà tương ớt nhưng quán lại không dùng chai lọ đựng tương mà cứ phát mỗi bánh pizza là hàng loạt túi nilông mini dạng gói nhỏ đựng tương cà, tương ớt. Bàn nào khách ăn xong cũng để lại rác thải khoảng 5-6 bịch nilông tương nhỏ này.

Hiểm họa từ vi hạt nhựa - Kỳ 1: Cơn lốc dùng đồ nhựa một lần - Ảnh 2.

Hàng loạt ly nhựa thành rác thải ra trong ngày với số lượng lớn tại nhiều quán cà phê ở TP.HCM - Ảnh: Quang Định

"Nhựa chồng nhựa" trong hàng mang đi

Hiện nay thị trường dùng đồ nhựa theo kiểu combo như ly nhựa dùng 1 lần luôn kèm thêm ống hút, muỗng nhựa và bao nhựa xách đi. Túi gói thức ăn thì gói bao nhựa riêng từng món một, thêm lớp bao bên ngoài. Rồi hộp nhựa kèm muỗng nhựa cộng thêm túi nhựa cho mỗi gói thực phẩm.

Đồ nhựa dùng một lần thực sự đang chiếm lĩnh hầu hết các dịch vụ ăn uống nhanh. Khảo sát tại nhiều tiệm bán trà sữa, cà phê, cam vắt, trà đào, trà tắc... dọc đường Phạm Văn Đồng (nối 3 quận Thủ Đức - Bình Thạnh - Gò Vấp) chúng tôi nhận thấy đều có điểm chung là sử dụng ly nhựa kèm theo ống hút bằng nhựa một lần. Đặc biệt, nhiều quán trà sữa lớn nhỏ trong thành phố đều sử dụng ly nhựa để bán cho khách.

Hàng loạt chuỗi cửa hàng đồ uống và thức ăn nhanh bán mang đi luôn dùng các "combo nhựa" chứa thực phẩm mang đi. "Ly nhựa, túi nilông có giá rẻ mà sử dụng vô cùng tiện lợi, bây giờ không sử dụng túi nilông, ống hút nhựa thì dùng cái gì?" - một chủ cửa hàng trà sữa cho hay.

Ghi nhận tại một số cửa hàng cơm sinh viên ở làng đại học (phường Linh Trung, quận Thủ Đức) vào trưa 27-10, rất nhiều sinh viên xếp hàng mua cơm trưa. Mỗi phần cơm như vậy sẽ được bỏ trong hộp xốp/bịch nilông và thêm phần canh nóng cũng được cho trong túi nilông. Sau đó, phần cơm và phần canh này lại được đựng trong một túi nillông lớn hơn.

Bà Thanh (40 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh), người có thâm niên làm nghề gom rác sinh hoạt, cho biết thực tế hiện nay tỉ lệ ly, chén, bát, đĩa, muỗng, ống hút, bao bì... bằng nhựa trong rác thải sinh hoạt thải ra chiếm khối lượng rất lớn.

Khách hàng tên Đoàn Thị Thảo (30 tuổi, ngụ Q.9) cho biết hiện nay việc sử dụng đồ nhựa một lần trong sinh hoạt ăn uống quá phổ biến và trở thành bình thường. Hầu như tiệm ăn nhanh, uống nhanh nào cũng sử dụng để thay cho các vật dụng bằng thủy tinh, gốm, sứ.

Trước cảnh báo hiểm họa từ vi hạt nhựa trong các vật dụng bằng nhựa dùng một lần có thể gây các loại bệnh nguy hiểm, chị Thảo thản nhiên nói: "Tôi nghe cảnh báo nguy hại từ đồ nhựa dùng một lần khá nhiều nhưng chưa chú ý lắm. Đồ nhựa dùng một lần có ở khắp nơi, ai cũng sử dụng, biết là có thể gây hại nhưng khó tránh khỏi việc không dùng".

Rất nhiều hạt nhựa trong chất thải người

Các nhà khoa học thuộc Đại học Y khoa Vienna (Áo) phát hiện có tới chín loại vi hạt nhựa khác nhau được tìm thấy trong mẫu phân của các tình nguyện viên. Trung bình có khoảng 20 vi hạt nhựa trong mỗi 10 gam phân người. Điều này cho thấy con người đang nuốt phải chúng mỗi ngày cùng với thức ăn.

Các vi hạt nhựa được tìm thấy có kích thước rất nhỏ, dao động từ 50-500 µm, phổ biến nhất là loại nhựa polypropylene (PP) và polyethylene terephthalate (PET).

Các phát hiện này được trình bày tại UEG Week - hội thảo uy tín và lớn nhất quy tụ các chuyên gia đầu ngành về tiêu hóa ở châu Âu.

Trong các nghiên cứu trên động vật, nhựa được tìm thấy chủ yếu trong nội tạng, đặc biệt là ruột, các vi hạt nhựa có kích thước siêu nhỏ, thậm chí còn có khả năng xâm nhập vào máu, hệ bạch huyết hay gan.

Tiến sĩ Philipp Schwabi

Theo báo Independent (Anh), các nhà khoa học đã làm việc với tám tình nguyện viên đến từ Anh, Phần Lan, Ý, Hà Lan, Ba Lan, Nga và Áo, trong đó sáu người thường ăn hải sản. Thông qua bản nhật ký được các tình nguyện viên ghi chép trong khoảng một tuần trước khi thực hiện các xét nghiệm phân, các nhà khoa học phát hiện tất cả họ đều có tiếp xúc trực tiếp với nhựa. Ví dụ như sử dụng màng nilông bọc thực phẩm hay uống từ chai nhựa.

Các chuyên gia tin rằng sự xuất hiện của các vi hạt nhựa trong ruột (sản sinh từ các vật dụng nhựa tiện lợi) có thể gây ức chế hệ thống miễn dịch, lan truyền độc tố, vi khuẩn và các loại virút có hại cho sức khỏe. Trưởng nhóm nghiên cứu - tiến sĩ Philipp Schwabi - tỏ ra lo ngại về những tác hại của nhựa đối với đường tiêu hóa của bệnh nhân.

Theo ước tính, hiện nay có tới 5% rác thải từ nhựa được thải ra biển. Trong môi trường biển, nhựa được các loài động vật biển tiêu thụ và di chuyển lên trên chuỗi thức ăn, trong đó một lượng nhựa đáng kể được phát hiện trong cơ thể cá ngừ, tôm hùm và tôm. Ngoài ra, thực phẩm cũng có khả năng bị ô nhiễm nhựa trong quá trình chế biến hoặc đóng gói.

Giáo sư Alistair Boxall - một chuyên gia môi trường đến từ Đại học York, Anh - cho biết ông không hề ngạc nhiên hay đặc biệt lo lắng về những phát hiện này. Bởi vi hạt nhựa từng được tìm thấy trong nước máy, nước đóng chai, cá và động vật có vỏ, hay thậm chí có cả trong bia.

"Chúng ta cũng thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, bao bì thực phẩm hay dùng chai nhựa. Do đó không thể tránh khỏi nguy cơ các vi hạt nhựa xâm nhập vào phổi và hệ tiêu hóa của chúng ta" - giáo sư Alistair Boxall nói.

Nghị viện châu Âu nhất trí cấm đồ nhựa dùng một lần

TTO - Với số phiếu thuận áp đảo, Nghị viện châu Âu vừa thông qua dự luật cấm các đồ nhựa dùng một lần trên toàn lãnh thổ Liên minh châu Âu (EU).

HOÀNG LỘC - XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp