13/05/2015 10:48 GMT+7

Hiểm họa trên đầu

KHIẾT HƯNG
KHIẾT HƯNG

TT - Vụ cọc thép hơn nửa tấn rơi sượt người đi đường hôm 10-5 ở công trường thi công tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội chưa giải quyết xong thì hôm qua (12-5) lại xảy ra liên tiếp hai vụ khác.

Hiện trường vụ sập cần cẩu chiều 12-5 - Ảnh: Tuấn Phùng
Hiện trường vụ sập cần cẩu công trường thi công tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội chiều 12-5 - Ảnh: Tuấn Phùng

Buổi sáng, tại công trình đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, một chiếc xà beng bất ngờ rơi trúng một ôtô đang lưu thông trên đường. Rất may không ai bị thương.

Buổi chiều, chiếc cần cẩu đang thi công trên tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đột nhiên gãy gập khiến một số người bị thương tích.

Người dân Hà Nội có lẽ đã quá quen với những vụ tai nạn trời ơi đất hỡi từ các công trường thi công đường sắt đô thị kiểu này.

Đau lòng nhất là vụ máy cẩu đứt cáp làm rơi thanh thép xuống đường khiến một người đi đường tử vong hồi tháng 11-2014 tại công trình đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Khi đó, vấn đề an toàn trong thi công đã được đại biểu Quốc hội đưa lên tận diễn đàn Quốc hội để chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng.

Ai cũng nhớ ông Thăng đã khẳng định “cho dừng dự án để kiểm tra tổng thể, xử lý trách nhiệm của các bên liên quan, chỗ nào an toàn mới cho thi công”.

Chẳng hiểu tiêu chí “an toàn mới cho thi công” thế nào mà chỉ hơn một tháng sau khi ông Thăng tuyên bố trước Quốc hội, cuối tháng 12-2014 lại xảy ra tiếp một vụ sập giàn giáo trên chính tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Còn từ đầu tháng 5-2015, ngoài ba vụ tại Hà Nội vừa nói ở trên, vụ cần cẩu đổ xuống đường làm ba người tử vong tại công trường thi công tuyến tránh quốc lộ 30 tại Đồng Tháp hôm 5-5 càng chứng tỏ một điều rằng hiểm họa đang treo lơ lửng trên đầu người dân ở rất nhiều công trường xây dựng.

Thật ra, quy định về đảm bảo an toàn trong thi công đều có cả. Đơn vị thi công nào cũng khẳng định đã thực hiện mọi biện pháp về an toàn nhưng khi sự cố xảy ra, đi tìm nguyên nhân thì lại thấy hầu hết do đơn vị thi công không thực hiện đúng các quy định về an toàn thi công.

Những ai hằng ngày đi qua tuyến đường Nguyễn Trãi (nơi thi công đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông) hay tuyến đường Xuân Thủy (nơi thi công đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội) đều dễ dàng nhận thấy việc che chắn, đảm bảo an toàn tại công trình này được thực hiện rất sơ sài, tạm bợ.

Người ta ngăn cách công trường với tuyến đường đông đúc bên ngoài chỉ bằng những tấm tôn dựng lên cao trên 2m. Ở nhiều đoạn, người đi đường phải chui qua gầm những giàn giáo nguy hiểm đầy sắt thép, được căng bên dưới bằng những tấm lưới mỏng manh.

Dường như không có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy định về an toàn thi công tại các công trình xây dựng. Dường như chỉ đến khi tai nạn xảy ra người ta mới nghe thấy những phát ngôn “có cánh” từ những người có trách nhiệm.

Nhưng “an toàn mới cho thi công” không thể chỉ là lời nói suông. Chừng nào còn như thế thì chừng đó người dân còn phải chịu cảnh hiểm họa treo lơ lửng trên đầu. Và tất nhiên, nếu xảy ra tai nạn thì cũng không có gì khó hiểu.

KHIẾT HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp