Đó là một trong những vấn đề an ninh mạng nóng được các chuyên gia bàn luận tại Hội thảo và Triển lãm An toàn thông tin khu vực phía Nam 2023, sẽ diễn ra tại TP.HCM vào cuối tháng 8 năm nay.
Tại buổi họp báo công bố sự kiện ngày 3-8, bà Võ Thị Trung Trinh, phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho biết những mặt tiêu cực của các công nghệ mới thời gian gần đây cũng làm ảnh hưởng nhiều đến công tác đảm bảo an toàn thông tin. Đây là việc không chỉ của riêng Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, mà cần sự chung tay của cả cộng đồng, gồm các hiệp hội, các doanh nghiệp…
Ông Ngô Vi Đồng, phó chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), chủ tịch chi hội phía Nam, cho biết hội thảo và triển lãm sẽ chia sẻ một số nét chính về bức tranh toàn cảnh an toàn thông tin của khu vực phía Nam, tình hình an toàn thông tin chung của Việt Nam và thế giới.
Đồng thời, VNISA phía Nam cũng sẽ nêu lên những cảnh báo tấn công mạng, phòng ngừa và các khuyến nghị thiết thực với các cơ quan, doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra ngày một mạnh mẽ và sâu rộng trong xã hội.
Chia sẻ tại buổi họp báo, các chuyên gia trong lĩnh vực nhận định việc triển khai một công nghệ, dịch vụ mới trên không gian mạng, bên cạnh những hiệu quả và tiện ích mang đến, cần cảnh giác khả năng công nghệ bị khai thác để lừa đảo, tấn công mạng.
Ông Ngô Vi Đồng cho rằng tội phạm mạng đã sử dụng nhiều công nghệ mới, công nghệ cao để tấn công mạng doanh nghiệp, lừa đảo người dùng… Việc nâng cao nhận thức cho người dân là cần thiết, song chúng ta cũng cần xem xét các phương thức tấn công (Attack Modeling) mỗi khi thiết kế và phát triển ứng dụng có công nghệ mới nổi, có nhiều hàm lượng trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (Machine Learning - ML) áp dụng trong đó.
Điển hình là với sự trợ giúp của ChatGPT, tội phạm mạng có thể tạo ra một phần mềm đánh cắp dữ liệu tinh vi. Phần mềm này là hoàn toàn mới và có thể vượt qua giám sát của các ứng dụng chống mã độc phổ biến hiện nay.
Một điển hình khác là việc tạo đoạn hội thoại, đoạn phim giả mạo người thân để đánh lừa các nạn nhân. Thủ đoạn này không hề khó khi ứng dụng công nghệ mới và mang lại lợi nhuận kinh tế rất cao cho tội phạm mạng, khi mà nhiều người dùng còn chưa có nhận thức đúng và đủ về an toàn thông tin.
Năm nay, bên cạnh những vấn đề truyền thống của an toàn thông tin như mã độc, kiến trúc Zero-Trust, điện toán đám mây, hệ thống giám sát phát hiện sự cố và ứng dụng xử lý tự động, huấn luyện đội ngũ kỹ sư an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu... hội thảo và triển lãm còn tập trung vào những vấn đề mới, cấp thiết như bảo vệ hệ thống công nghiệp và hạ tầng trọng yếu, ứng dụng AI/ML trong một số lĩnh vực như thị giác máy tính, phát hiện mã độc, lừa đảo công nghệ cao…
Hội thảo và Triển lãm An toàn thông tin khu vực phía Nam 2023 do VNISA phía Nam phối hợp Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông và Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đồng tổ chức, dưới sự bảo trợ của UBND TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận