01/04/2017 07:00 GMT+7

Hidden Figures - Một thời kì thị sắc tộc chưa xa của nước Mỹ

NGUYỄN TUẤN
NGUYỄN TUẤN

TTO - Ở thời điểm hiện tại, thật khó tưởng tượng đến những sự kì thị sắc tộc đậm đặc như cách mà nước Mỹ phô bày vào những năm 50-60 của thế kỉ 20, đó là câu chuyện của tác phẩm từng dành 3 đề cử Oscar 2017 vừa qua...

Hidden Figures - Nữ quyền và kỳ thị sắc tộc ở Mỹ
Một cảnh trong phim Hidden Figures

Một cựu tổng thống da màu, một cựu ngoại trưởng đầy quyền lực là nữ da màu… nước Mỹ đã và đang chứng kiến những kì tích vượt trội về tạo ra sự bình đẳng cho tất cả mọi cá nhân xuất sắc trong xã hội.

Nhưng trước khi có được sự bình đẳng như vậy, nước Mỹ đã phải chịu sự tổn thương sâu sắc vì thái độ phân biệt chủng tộc, kì thị màu da của người da trắng dành cho người da màu, mà đặc biệt là phụ nữ da màu.

Điều đó được thể hiện rất rõ trong bộ phim Hidden Figures của đạo diễn Theodore Melfi, dựa theo một sự kiện có thật, bộ phim là hành trình vượt qua mọi trở ngại về kì thị chủng tộc để trở thành những người phụ nữ anh hùng trong ngành khoa học vũ trụ của Katherine G. Johnson (Taraji P. Henson), Dorothy Vaughan (Octavia Spencer) và Mary Jackson (Janelle Monáe).

Những phụ nữ da màu muốn thay đổi sự kì thị

Trước khi ra đời hệ thống máy tính IBM có khả năng tính toán vượt trội, NASA (cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ) có một cơ quan chuyên biệt bao gồm những người phụ nữ da màu rất giỏi toán.

Họ giúp những kĩ sư nam giới da trắng kiểm tra lại những con số, những tính toán trong việc du hành không gian trong khoảng thời gian mà hai nước Mỹ và Liên Xô đang tiến hành chiến tranh lạnh.

Họ làm việc trong một căn phòng thiếu tiện nghi, chỉ người da màu với nhau dưới sự giám sát của một người phụ nữ da trắng (Kisten Dunst) luôn lạnh lùng và tỏ rõ thái độ phân biệt sắc tộc.

Bằng một xuất phát điểm như vậy, bộ phim xây dựng một câu chuyện về 3 người phụ nữ, với những cách thức khác nhau chứng tỏ được thực lực của mình, cũng như bứt khỏi sự kì thị để tạo nên những kì tích mà tại thời điểm đó, không ai nghĩ những người phụ nữ da màu này có thể làm được.

Nổi bật lên trong ba người là Katherine, một thần đồng toán học và hình học không gian. Katherine có ba đứa con và là goá phụ, cô khiêm tốn và ít nói so với hai người bạn của mình.

Một ngày, nhóm làm nhiệm vụ xây dựng quỹ đạo đi vào không gian cần một người giỏi tính toán và giỏi hình học.

Katherine được thăng chức, cô làm việc dưới sự quản lý của Al Harrison (Kevin Costner) và những đồng nghiệp trẻ đầy thù địch và định kiến với người da màu như Paul Stafford (Jim Parsons).

Trong khi đó, Dorothy cùng với Vivian (Kisten Dunst) tạo ra một cuộc cạnh tranh ngầm, khi Dorothy muốn có được một chức vụ chính thức là Giám sát viên khi mà những việc cô làm hoàn toàn phụ hợp với chức vụ đó nhưng không bao được thừa nhận nên cô không thể được tăng lương.

Vivian lúc này đóng vai trò như một vách ngăn, tạo ra thách thức cho người lao động da màu, giữ cho họ một vị trí mà họ sẽ không bao giờ có thể đòi hỏi được quyền lời chính đáng cho mình.

Trái với Katherine và Dorothy, Mary là một người phụ nữ trẻ, và cá tính, cô không chịu được sự kì thị vẫn diễn ra hàng ngày, cô ngẩng cao đầu nhìn đồng nghiệp nam, cô tỏ thái độ rõ ràng với cảnh sát.

Và với những người làm việc cùng, Mary là một kĩ sư, và cô muốn vượt qua mọi thách thức mà người da trắng tạo ra để có thể có một vị trí xứng đáng và ngang bằng cho mình với khả năng của cô.

Sự dễ chịu đáng yêu trong thông điệp nữ quyền

3 trái tim của bộ phim, cùng một màu da, nhưng có những sắc thái khác nhau về tính cách, giúp cho bộ phim mang những nét rất rực rỡ của sự tự tin, của những điều đẹp đẽ đang cố gắng bứt ra khỏi lối suy nghĩ thông thường hòng tạo nên vẻ đẹp cho cuộc đời.

Diễn xuất của ba diễn viên da màu, từ những cử chỉ, ánh mắt từ thái độ khiêm tốn cho đến sự phản kháng hoàn toàn gây cảm tình cho khán giả, và đồng thời, tạo cho họ một diện mạo đầy tính anh hùng về khả năng vượt qua số phận và tạo nên được những điều kì tích.

Đạo diễn Theodore Melfi, vừa là đồng kịch bản với Allison Schroeder trong việc chuyển thể tác phẩm phi tiểu thuyết của Margot Lee Shetterly đã rất chú trọng truyền tải thông điệp về sự phân biệt sắc tộc.

Những chi tiết đắt giá như những lần phải di chuyển rất xa để đến nhà vệ sinh nữ dành cho người da màu, hay chiếc bình cafe dán mác “da màu” thực sự tạo nên sức sống cho chính bộ phim, giúp kéo khán giả vào một thời kì, nơi cuộc sống ở bề mặt dường như rất bình thường của những người phụ nữ da đen ở nhà hoàn toàn đối nghịch với cuộc sống có phần cam chịu và mệt mỏi ở nơi làm việc.

Là phim tiểu sử, bộ phim không tránh khỏi có những chi tiết mà đạo diễn cố tình sắp đặt nhằm đẩy tính “kỳ tích” của nhân vật lên tầm cao mới, giúp khán giả có cái nhìn khác, và khâm phục đối với nhân vật.

Nhưng những chi tiết đó xử lý không đủ khôn khéo để tạo sự tự nhiên, thay vào đó, khán giả xem phim sẽ cảm thấy được bàn tay đạo diễn đằng sau camera đang chỉ đạo diễn viên diễn xuất.

Những chi tiết nhỏ tạo ra những bộ phim lớn, và ngược lại, những chi tiết nhỏ nếu không làm đủ tốt sẽ khiến bộ phim vốn có thể rất hay trở nên bình thường.

Hidden Figures mang lại cho ta cảm giác dễ chịu và đáng yêu, chứ chưa đủ để trở thành một tác phẩm hoàn thiện. Nhưng để nói về nữ quyền, và sự kì thị chủng tộc vốn đã và còn nhiều nhức nhối trong xã hội Mỹ, thì Hidden Figures có thể coi là một đại diện tiêu biểu rất đáng xem.

NGUYỄN TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp