11/08/2016 08:23 GMT+7

Hi vọng không hão huyền của chàng trai muốn được ghép đầu

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Đó là Phạm Sỹ Long, chàng trai 28 tuổi bị liệt 13 năm nay. Anh đã đến Trung tâm điều phối 
hiến ghép mô tạng quốc gia gửi đơn xin được ghép đầu mình vào thân người khỏe mạnh.

Phạm Sỹ Long, người có đơn đề nghị được ghép đầu, được mẹ đưa ra hồ Gươm chơi sáng 10-8 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Phạm Sỹ Long, người có đơn đề nghị được ghép đầu, được mẹ đưa ra hồ Gươm chơi sáng 10-8 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Nằm trên cáng xe cấp cứu dưới một bóng cây trong Bệnh viện Việt Đức, Long cứ nói cười suốt, câu chuyện của anh rất thông minh khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và hi vọng nếu y học thành công, cái đầu thông minh ấy có thể được ghép với một thân mình khỏe mạnh khác, và cả hai người sẽ cùng được sống.

Hi vọng không hão huyền

Tiếp chuyện và tư vấn cho Long khi anh đến gửi lá đơn đặc biệt này là ông Cao Tiến Sỹ, phụ trách bộ phận pháp lý của Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia.

Ông Sỹ cho hay trung tâm đã nhận được năm lá đơn tương tự như của Long, tất cả đều là những người bị liệt toàn thân nhưng đầu vẫn minh mẫn và khỏe mạnh.

Họ mong nếu sau năm 2017, khi thế giới thực nghiệm thành công và VN mời được êkip ghép đầu thế giới về nhận chuyển giao kỹ thuật, thì họ xin được ghép đầu.

Một ý tưởng tưởng như chuyện thần tiên, hão huyền nhưng thực tế không hão huyền chút nào. Bởi theo ông Trịnh Hồng Sơn - phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức, hiện các nhà khoa học thế giới, trong đó nòng cốt là các bác sĩ Ý, Nga... đang chuẩn bị cho cuộc thực nghiệm ghép đầu người đầu tiên vào năm 2017.

Nếu thế giới thành công, ông Sơn từng khẳng định VN sẵn sàng mời êkip này đến VN để hỗ trợ và học hỏi.

Cái khó khăn hiện nay là làm sao ghép nối được tủy sống của hai người và sau ghép nối, tủy sống ấy có sống được, thân người được ghép nối ấy liệu có sống được?

Ngoài ra còn là tính pháp lý của câu chuyện. Theo ông Sỹ, các quy định hiện hành chưa hướng dẫn các yếu tố pháp lý cho việc ghép đầu/ghép thân mình.

Thực tế VN đã ghép thành công gan, tim, van tim, thận, giác mạc... nhưng chưa có tiền lệ ghép đầu hay thân mình.

Chưa hết, trong ca ghép này thì người “góp” đầu và người “góp” thân mình, ai được coi là người hiến và ai là người được ghép?

Ông Sỹ cho rằng bộ não chỉ huy các hoạt động của cơ thể, như vậy những người như Long sẽ là người được ghép.

Phạm Sỹ Long, người gửi đơn xin được ghép đầu, được mẹ là bà Trần Thị Hà đưa ra hồ Gươm chơi (ảnh chụp sáng 10-8) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Phạm Sỹ Long, người gửi đơn xin được ghép đầu, được mẹ là bà Trần Thị Hà đưa ra hồ Gươm chơi (ảnh chụp sáng 10-8) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

 

“Nếu thất bại, tôi xin hiến xác cho khoa học”

Phạm Sỹ Long gây ấn tượng với tất cả những người đã từng gặp anh, vì phần đầu của anh khỏe mạnh như mọi thanh niên 28 tuổi khác, nhưng phần thân, chân tay teo và co rút, ngoại trừ tay phải có thể nhúc nhích, còn toàn thân liệt.

Vốn sinh ra khỏe mạnh, nhưng Long bị tai nạn tổn thương tủy sống năm 2003 và từ đó bị liệt. Nhìn vẻ mặt, nụ cười, chúng tôi đoán Long vốn ưa hoạt động, ưa chạy nhảy nhưng tính đến thời điểm này, anh đã nằm nhìn trần nhà và bốn bức tường trong 13 năm.

“Từ năm 2007 tôi tập viết chữ bằng cách cắn bút ở miệng, rồi tập vẽ tranh. Năm 2010, tôi đã có bức tranh đầu tiên tặng sinh nhật người hàng xóm” - Long tâm sự.

Bà Trần Thị Hà, mẹ Long, như những người phụ nữ VN khác, yêu thương con vô bờ bến. Dù 13 năm nay bà Hà phải chăm sóc từ ăn uống, giặt giũ đến tắm rửa, vệ sinh cá nhân cho con, dù mệt nhoài nhưng bà vẫn luôn bên con và giờ đây là tin theo quyết định của Long, cùng con ra Hà Nội gửi lá đơn xin được ghép đầu.

Và bà Hà nói nếu ca ghép (trường hợp được thực hiện) có không thành công, bà cũng tin theo quyết định của con là hiến xác cho khoa học.

Long và nhiều người khác nữa vẫn đang chờ đợi và hi vọng... đến một ngày nào đó phép nhiệm mầu sẽ đến để họ thực hiện những giấc mơ còn dang dở trong cuộc đời.

“Người có phần đầu chịu trách nhiệm về nhân thân”

Đây là lý giải của ông Nguyễn Huy Quang - vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - về những băn khoăn về pháp lý liên quan đến cấy ghép đầu người.

Theo ông Quang, đầu hay thân mình đều là bộ phận cơ thể người, vì vậy hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý theo Luật hiến, lấy, ghép mô tạng, bộ phận cơ thể người hiện có để thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép.

Tuy nhiên hiện nay thế giới chưa từng có ca ghép nào tương tự, khó khăn về kỹ thuật là lớn nhất.

Ngoài ra, về tương lai nếu có ca ghép và ca ghép thành công, người đóng góp phần đầu sẽ là người được ghép và sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề nhân thân, tuy nhiên vẫn còn có khó khăn như mặt là của một người nhưng vân tay lại của người khác, cho nên cần có những điều chỉnh hoặc quy định nếu tương lai có những ca ghép như vậy.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp