18/07/2017 13:30 GMT+7

Hi vọng hòa bình lại lóe lên trên bán đảo Triều Tiên

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Bỏ qua những chỉ trích và căng thẳng, Hàn Quốc đang phát đi những tín hiệu hòa giải đến CHDCND Triều Tiên, từ đối thoại quốc phòng đến cả chuyến thăm của tổng thống. 

*** Error ***
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In hi vọng vào một nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên - Ảnh: Reuters

Ngày 17-7, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã chính thức đề nghị đối thoại quân sự liên Triều tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm vào ngày 21-7.

Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời ông Suh Choo Suk, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, nhấn mạnh cuộc đối thoại nhằm “chấm dứt tất cả các hành động thù địch” dọc tuyến biên giới hai nước.

Đại diện hai nước sẽ gặp nhau tại Tongilgak, một tòa nhà của Triều Tiên trong Bàn Môn Điếm.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đề nghị Bình Nhưỡng phản hồi lại đề nghị mới qua đường dây liên lạc quân sự liên Triều, theo Reuters.

Tân tổng thống "sẽ sang Bình Nhưỡng"

Đề nghị đối thoại với Triều Tiên được Hàn Quốc đưa ra sau hơn 2 ngày cân nhắc.

Bất chấp các vụ bắn thử tên lửa của Triều Tiên, Tổng thống Moon Jae In vẫn cho thấy ông đang tràn đầy hi vọng về một bán đảo Triều Tiên hòa bình.

Ngày 6-7, chỉ hai ngày sau khi Triều Tiên tuyên bố bắn thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ mới, Tổng thống Moon đã công bố sáng kiến mang lại hòa bình liên Triều.

Nhấn mạnh trong bài diễn thuyết tại Quỹ Korber nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Đức, ông Moon đề nghị hai miền đồng loạt dừng các hành vi thù địch, bao gồm cả việc dừng phát thanh tuyên truyền qua loa tại ranh giới quân sự liên Triều, bắt đầu từ ngày 24-7, nhân kỷ niệm 64 năm hiệp định đình chiến (1953).

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng đề xuất nối lại chương trình đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) vào dịp Tết Trung thu năm nay, nhân kỷ niệm 10 năm ra đời tuyên bố chung liên Triều (4-10-2007).

Bản đề xuất cho thấy ý chí lãnh đạo và sự quyết tâm của Tổng thống Moon trong vấn đề Triều Tiên.

Trong thời gian còn tranh cử, ông Moon đã từng nêu ra cách tiếp cận kép: sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên nhưng cũng không ngại trừng phạt cứng rắn.

“Trừng phạt cũng là một cách để bắt họ ngồi vào bàn đàm phán” - nhà lãnh đạo Hàn Quốc từng tuyên bố như thế.

Nhưng đúng vào ngày ông Moon tuyên thệ nhậm chức cách đây 2 tháng, tân tổng thống Hàn Quốc cũng khẳng định “sẽ sang Bình Nhưỡng vào lúc thích hợp” và “sẽ làm tất cả những gì có thể để xây dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”.

Triều Tiên dịu giọng

Rodong Sinmun, tờ báo chính thức của Đảng Lao động Triều Tiên, ngày 17-7 đã phát đi thông điệp mang tính đặt điều kiện với Hàn Quốc bằng một thái độ dịu giọng.

"Ý tưởng hòa bình của tổng thống Hàn Quốc may mắn thay khi cam kết tôn trọng và thực thi tuyên bố chung ngày 15-6-2000 và 4-10-2007, thật khác với lập trường những người tiền nhiệm của ông" - bài xã luận trên Rodong Sinmun mở đầu.

Bài báo viết tiếp: "Như tổng thống Hàn Quốc đã nói, một khởi đầu phù hợp là điều quan trọng cho mọi thứ... để đạt được hòa bình và tái thống nhất bán đảo Triều Tiên, rất cần một xuất phát điểm hoàn hảo. Điều cần làm bây giờ là giải quyết ngay những vấn đề cần kíp nhất, và dàn xếp vấn đề cơ bản đó ngay từ điểm xuất phát".

Tờ Rodong Sinmun lập luận quan hệ giữa hai miền Triều Tiên ngày càng phức tạp và khó giải quyết bởi "sự không tin tưởng, những tương phản, thái độ thù địch và đối đầu của chế độ bảo thủ thân Mỹ".

"Chính quyền Hàn Quốc đừng lệ thuộc vào những kẻ bên ngoài nữa, đừng đi ngược lại khát vọng của nhân dân và xu thế của thời đại; hãy chọn cách cải thiện quan hệ hai miền và giành lấy độc lập, thống nhất chỉ khi hợp lực với đồng bào miền bắc" - tờ báo chính thức của Triều Tiên kêu gọi.

Được đề xuất dưới thời Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung, chính sách Ánh dương được áp dụng từ năm 1998 đến năm 2008 đã góp phần hàn gắn mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.

Lần lượt trong các năm 2000 và 2007, đích thân các tổng thống Hàn Quốc khi đó là Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun đã sang Bình Nhưỡng gặp lãnh đạo Triều Tiên lúc đó là ông Kim Jong Il.

Khu công nghiệp Kaesong được mở, khách du lịch Hàn Quốc được tới thăm núi Kim Cương, các gia đình hai miền liên Triều bị chiến tranh chia tách nay được gặp mặt định kỳ... đều là những điểm sáng trong thời gian chính sách Ánh dương được thực hiện.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp