02/12/2012 05:39 GMT+7

Hi sinh tuổi xuân cho hai đứa em điên

NGUYÊN LINH
NGUYÊN LINH

TT - Đã có lúc bà Nguyễn Thị Bồng (57 tuổi, ở thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) muốn bỏ nhà, bỏ xứ mà đi thật xa bởi không thể chịu nổi cảnh đời bi đát.

Nhưng nhìn người mẹ già khắc khổ và hai đứa em điên dại, lòng bà lại quặn đau. Bà đã hi sinh hạnh phúc riêng tư, gắn đời mình với căn nhà xiêu vẹo để lo cho mẹ, cho em suốt đời.

aJkSRpuu.jpgPhóng to

Bà Bồng đã hi sinh cả tuổi xuân để lo cho hai người em điên dại - Ảnh: Nguyên Linh

Chiều đông, chúng tôi tìm về nhà bà Bồng. Căn nhà nhỏ rách nát nằm hút sâu trong xóm nghèo ở hạ nguồn sông Hương là tổ ấm của ba chị em bà. Từ đầu ngõ đã nghe tiếng la hét, khóc than, rồi bỗng phá lên những tràng cười sặc sụa của hai người đàn ông.

Trong căn nhà lạnh lẽo, bà Bồng bật khóc khi kể về gia cảnh và mấy người em trai bất hạnh của mình. 30 năm trước, người em trai tên Nguyễn Xuân Nô (sinh năm 1965) đang học lớp 5 bỗng dưng phát bệnh tâm thần. Nô suốt ngày đập phá, la hét rồi bỏ nhà đi lang thang.

Năm năm sau, người em út tên Lô (sinh năm 1967) đang khỏe mạnh làm ăn thì phát cơn điên, bỏ nhà đi. Lặn lội nhiều nơi, mẹ con bà Bồng cũng tìm thấy anh em Nô đưa về nhà chăm sóc. 57 tuổi là bấy nhiêu năm bà Bồng sống trong vất vả, khổ đau. Cha mất sớm vì bạo bệnh, hai người em mắc bệnh tâm thần khiến mẹ của bà suy sụp rồi đổ bệnh. Những gì có giá trị trong nhà đều “đội nón” ra đi, gia đình khánh kiệt.

Cái đói, cái nghèo đeo đẳng, ghì siết cuộc đời bà. Suốt 30 năm nay một mình bà xoay xở từng bữa cơm, lo từng viên thuốc cho em. Từ mờ sáng, bà tranh thủ ra đồng để kịp về lo cơm nước, chăm sóc mẹ và hai em điên dại. Đêm đêm bà lọ mọ lội bùn đi bủa lưới bắt cá, bắt ốc. Ai thuê việc gì bà đều gắng làm. Cứ thế, cuộc sống nhọc nhằn đã cướp mất tuổi xuân đẹp đẽ của bà. Và hoàn cảnh éo le khiến bà không dám nghĩ đến chuyện chồng con.

Lau nước mắt, bà thủ thỉ: “Lúc còn sống mạ tui cứ khuyên tui đi lấy chồng để có đứa con, về già mà cậy nhờ. Nhưng tui đi lấy chồng biết ai lo cho mạ, cho em”. Thời trẻ bà Bồng được tiếng có duyên, dịu dàng, lại chịu thương chịu khó nên nhiều trai làng đã ngỏ ý kết duyên nhưng vì gia cảnh, bà đã chối từ.

Giờ đây tuổi đã xế chiều, nhiều lúc nhìn những đứa trẻ thơ làm nũng với mẹ, bà ước ao mình được như thế. Hai mắt cay xè, bà lặng lẽ khóc. Bà khóc thương cho số phận nghiệt ngã của chị em bà.

Hai năm nay căn nhà bất hạnh ấy càng thêm hiu quạnh bởi cái chết thương tâm của người thân. Mẹ của bà bị trượt ngã vỡ xương chậu, cắn răng nằm ở nhà vì không có tiền đi bệnh viện. Hai tháng vật vã trong cơn đau, bà đã trút hơi thở cuối cùng, kết thúc một cuộc đời khốn khổ.

“Trước lúc chết, mạ cứ nắm chặt tay tui, mạ khóc. Mạ nói xin lỗi vì để lại hai người con điên dại, bảo tui gắng sống mà chăm sóc các em” - giọng bà nghèn nghẹn. “Hôm đưa tang mạ, Nô và Lô lên cơn động kinh, thấy đông người là la hét, rồi phá lên cười, không ai cầm được nước mắt. Những lúc tỉnh táo, thằng Lô cứ hỏi mạ mô, rồi chạy khắp xóm tìm mạ, gọi tên mạ, lại lên cơn điên...” - bà nghẹn ngào.

Mất mẹ, cuộc sống mưu sinh của bà càng đơn độc. Căn bệnh khớp hành hạ bà, tay chân tê cứng lúc trời trở gió. Hằng ngày bà kiếm miếng ăn với những bước đi nặng nhọc. Năm trước chính quyền địa phương có chủ trương hỗ trợ một phần để xây dựng nhà ở cho gia đình bà, nhưng không có tiền “đối ứng” nên bà đã không nhận được hỗ trợ.

Chị em bà vẫn sống trong căn nhà xập xệ, mái tôn, phên tre, nền đất. Những lúc gió lớn, căn nhà lại rung lên bần bật, bà phải đưa hai em chạy sang ở nhờ nhà em dâu. “Tui chỉ mong trời cho sức khỏe để có thể làm việc kiếm tiền thuốc men và nuôi hai đứa em” - bà thủ thỉ...

NGUYÊN LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp