Hình ảnh: NGỌC NHI
1. Không ném pháo sáng, chai lọ xuống sân
Gần đây, hiện tượng cổ động viên Hải Phòng đốt và ném pháo sáng xuống sân tại vòng 1 V.League 2018 đã làm trận đấu phải kết thúc sớm vài chục giây. Điều này làm cư dân mạng rất bức xúc. Bên cạnh đó, việc ném chai lọ để phản đối trọng tài và lối đá của cầu thủ cũng được mọi người lên án.
Vì thế, khi đi xem đá banh, cổ động viên nên hạn chế mang theo vật dụng nguy hiểm lẫn chai lọ để đề phòng "phút bất đồng" làm tổn thương đến những người xung quanh.
2. Không chèn ép khi xin chữ kí cầu thủ
Hình ảnh: NGỌC NHI
Không hiếm thấy tình cảnh cầu thủ bị fan "đè bẹp" trong lúc xin chữ ký. Mới đây, trong hội Owker, các fan nữ chia sẻ đoạn clip cầu thủ Hà Đức Chinh ngồi bệt xuống đất, vì quá đuối trước "cơn bão" fan ồ ạt đổ vào tại sân Gò Đậu (Bình Dương).
Nhiều bạn cho rằng, nếu cầu thủ lên tiếng hét lên kêu: "Tránh ra" thì mấy bạn fan lại quay sang bảo: "Sao anh không chiều lòng fan?". Còn cầu thủ im lặng sẽ bị bu vào chèn ép, không cho một chút khoảng trống để thở.
Trong những trường hợp đó, cổ động nên học văn hóa xếp hàng để đôi bên cùng vui, không hề gây ồn ào, đem lại ấn tượng tốt, sự thoải mái cho mọi người.
3. Xếp hàng nghiêm túc, không chen lấn
Hình ảnh: NGỌC NHI
Xếp hàng là phải xếp hàng thật nghiêm túc nha mấy bạn. Có một fan kể: "Nhiều trường hợp người hâm mộ mê cầu thủ này quá, người ta đang xếp hàng ngon lành, tự dưng, bạn đó từ đâu ra chen ngang hàng đòi tặng quà. Những trường hợp này người ta gọi là kém sang đó!".
Không những gây kém sang với mọi người mà đối với cầu thủ, bạn đó đã bị trừ âm điểm thanh lịch rồi!
4. Không kéo áo, giành giật cầu thủ
Hình ảnh: NGỌC NHI
Một trong những lý do Quang Hải U-23 Việt Nam "sợ chết khiếp" về người hâm mộ chính là "họ kéo rách cả áo em".
Trong đợt U-23 Việt Nam về nước, nhiều bạn fan quá khích đã cố lao về người cầu thủ xin bắt tay, chụp hình. Có bạn còn có tư tưởng "sờ cho hên" hay giựt luôn cả tóc cầu thủ rao bán trên mạng xã hội với giá 750.000 đồng.
Mê cầu thủ thì ai cũng mê nhưng phải để cho người ta còn áo lành lặn để mặc, tay chân không bập dập vì bị giành giựt quá đà nha mấy bạn ơi.
5. Không tranh cãi
Hình ảnh: NGỌC NHI
Tranh cãi là cách nhanh nhất dẫn tới "va chạm" trên khán đài, ngoài đường lẫn trên mạng xã hội. Ai cũng cho rằng mình đúng, cầu thủ/ đội bóng mình yêu thích chơi tốt nhất. Tuy nhiên, mỗi người bớt cái tôi xuống thì sẽ bớt sóng gió. Sau trận đấu dù cãi nhau đi chăng nữa thì kết quả đâu thay đổi được gì.
6. Không xả rác bừa bãi
Hình ảnh: NGỌC NHI
Tại trận chung kết U23 châu Á tại Thường Châu, Trung Quốc vào tháng 1, đội tuyển Việt Nam không vô địch nhưng lối chơi cống hiến, tinh thần quả cảm đã làm mọi người ngưỡng mộ. Ngoài ra, cổ động viên Việt Nam nán lại sân bóng để dọn rác trên khán đài cũng được cư dân mạng Trung Quốc vô cùng bất ngờ và tỏ ra khâm phục.
Đây được coi là hành động đẹp, thể hiện ý thức và văn minh của người hâm mộ Việt.
Trước đó, xả rác bừa bãi tại nơi công cộng sau một trận bóng được xem là một hành vi kém đẹp mắt. Nhiều người hâm mộ mong muốn những người khác sẽ có ý thức hơn, chuẩn bị bọc nilong để gom rác của bản thân bỏ vào thùng sau trận đấu kết thúc.
Bên cạnh đó, những hành động mượn cớ bóng đá để tham gia như cá độ, đua xe… cũng được người hâm mộ tẩy chay. Tại sao chúng ta phải làm những hành động kém đẹp mắt như vậy nhưng vẫn cho là "tinh thần thể thao" hay "chơi vui là chính"?
Báo Tuổi Trẻ Online tổ chức diễn đàn "Xây dựng lối sống đẹp cho giới trẻ, cách nào?". Mọi chia sẻ, ý kiến, giải pháp sống đẹp theo góc nhìn của bạn xin vui lòng gửi về email: [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận