Ngày 23-9, Israel mở đợt không kích lớn nhắm vào hơn 300 mục tiêu Hezbollah ở phía nam, thung lũng Bekaa ở phía đông và vùng phía bắc gần Syria. Chính quyền Lebanon thông tin cuộc không kích này đến nay đã giết chết ít nhất 492 người và làm hơn 1.000 người bị thương, buộc hàng chục ngàn người phải chạy trốn để tìm nơi trú ẩn an toàn.
Có thể nói vụ nổ hàng nghìn máy nhắn tin của Hezbollah tại Lebanon ngày 17-9 đã châm ngòi cho hàng loạt đợt không kích qua lại giữa Hezbollah và Israel những ngày vừa qua, tiếp tục kéo dài chuỗi ngày tấn công "ăn miếng trả miếng" giữa hai lực lượng này.
Sức mạnh vũ trang đáng gờm
Được Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thành lập vào năm 1982 trong cuộc nội chiến Lebanon (1975-1990), Hezbollah là một trong những lực lượng quân sự phi nhà nước do Iran hậu thuẫn, với sức mạnh vũ trang thuộc hàng bậc nhất thế giới.
Đây cũng là tổ chức thuộc dòng Hồi giáo Shiite, có sức ảnh hưởng về mặt chính trị và đang kiểm soát lực lượng vũ trang quyền lực nhất ở Lebanon.
Israel không kích, người dân Lebanon chạy trốn khiến đường cao tốc tắc nghẽn
Lãnh đạo Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah năm 2021 tuyên bố tổ chức này có khoảng 100.000 chiến binh, tuy nhiên các khảo sát độc lập cho biết số lượng chiến binh chỉ dao động từ 20.000 - 50.000 người.
Trong đó, nhiều chiến binh đã được huấn luyện bài bản với kinh nghiệm chiến đấu phong phú trong các cuộc xung đột ở Syria.
Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), Hezbollah có khoảng 120.000 - 200.000 rocket và tên lửa. Phần lớn kho vũ khí hiện nay của nhóm là các rocket nhỏ, không có dẫn đường và được phóng từ mặt đất (đất đối đất).
Tuy nhiên lực lượng này cũng được cho là sở hữu các tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm, bao gồm cả tên lửa dẫn đường với khả năng tấn công sâu vào trong lãnh thổ Israel.
Kho vũ khí của Hezbollah phức tạp và đa dạng hơn nhiều so với các loại mà tổ chức Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza sở hữu, theo Đài BBC.
Ảnh hưởng rộng lớn của Hezbollah
Hezbollah là một thành viên trong "Trục kháng chiến" được Iran dẫn dắt và hậu thuẫn suốt nhiều thập kỷ qua, bao gồm nhóm Hồi giáo Hamas ở Palestine và lực lượng Houthi ở Yemen.
Trong số các thành viên của "Trục kháng chiến", Hezbollah được đánh giá là lực lượng hùng mạnh và có tầm ảnh hưởng nhất, đồng thời là mối đe dọa quân sự nghiêm trọng hàng đầu đối với Israel.
Cuộc nội chiến ở Lebanon kéo dài suốt 15 năm, liên quan đến mâu thuẫn giữa các tôn giáo và giáo phái, đã kết thúc bằng việc các lực lượng dân quân tham chiến đồng ý hạ vũ khí và ngừng tham chiến.
Tuy nhiên Hezbollah là một trường hợp ngoại lệ. Nhóm Hồi giáo này đã giữ lại vũ khí với lý do nhằm chống lại lực lượng Israel chiếm đóng ở miền nam Lebanon lúc bấy giờ.
Hezbollah cũng nhận được sự ủng hộ trên khắp Lebanon trong cuộc chiến dai dẳng đẩy lùi Israel ra khỏi đất nước từ năm 2000. Báo The Guardian (Anh) nhận định chính sự hậu thuẫn to lớn từ các đồng minh Iran và Syria đã giúp Hezbollah giữ vai trò quan trọng ở chính trường Lebanon kể từ năm 1992.
Ngoài ra ảnh hưởng của Hezbollah càng được củng cố nhờ vào sự ủng hộ của các tín đồ Shiite ở Lebanon. Nhóm tín đồ này nắm giữ rất nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy chính trị như bộ trưởng hay các nhà lập pháp.
Theo Hãng tin Reuters, Hezbollah đã truyền cảm hứng và hỗ trợ các nhóm quân sự khác được Iran hậu thuẫn trong khu vực, bao gồm lực lượng vũ trang Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq và giúp đỡ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong xung đột tại Syria.
Kể từ sau vụ nổ hàng nghìn máy nhắn tin của Hezbollah hôm 17-9, các nhà lãnh đạo thế giới đã nỗ lực ngăn chặn khả năng xung đột Israel - Hezbollah leo thang đến đỉnh điểm, do lo ngại về một cuộc chiến tranh toàn diện có sự can thiệp của Iran và gây mất ổn định trong khu vực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận