Các container hàng xuất khẩu xếp hàng chờ thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh, Trung Quốc - Ảnh: N.AN
Thông tin trên được bà Lê Hoàng Oanh - vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công thương), đưa ra tại Hội nghị phát triển xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc do Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đồng tổ chức chiều 13-9 tại Hà Nội.
Theo bà Oanh, các doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng thị trường Trung Quốc dễ tính nên không quan tâm đến nhu cầu. Từ đó, nhiều ngành hàng như gạo, thanh long… xuất khẩu với số lượng quá lớn nhưng chất lượng phẩm cấp thấp hoặc trung bình.
Nhãn mác tùy tiện, bọc lót bằng... rơm rạ
Nhiều doanh nghiệp, nông dân có tâm lý cho rằng Trung Quốc có đường chung biên giới nên có thể xuất bán qua biên giới, do đó thường đưa hàng đưa lên các chợ biên giới để chào bán, dẫn tới có nhiều trường hợp doanh nghiệp không bán được phải giảm giá, bán tống bán tháo hoặc bỏ đi.
Đặc biệt là thói quen xuất khẩu qua đường tiểu ngạch nên không quan tâm đến nhu cầu, tiêu chuẩn, bao bì nhãn mác rất tùy tiện, thậm chí là bọc lót thô sơ bằng rơm rạ. Có những trường hợp đưa hàng lên biên giới rồi mới tìm đối tác, chuẩn bị các khâu đóng gói, bao bì.
Cũng chính vì thói quen xuất khẩu qua đường tiểu ngạch nên nhà xuất khẩu cũng không quan tâm xem mặt hàng nào được xuất khẩu chính ngạch, dẫn tới nhiều trường hợp các sản phẩm nông sản như dưa hấu, sầu riêng xuất vào Trung Quốc bị ách tắc do nước bạn cấm biên.
Bà Lê Hoàng Oanh: "Tư duy xuất khẩu tiểu ngạch mà không chú trọng đường chính ngạch khiến cho hàng hóa Việt Nam khó xuất vào Trung Quốc" - Ảnh: N.AN
"Doanh nghiệp không quan tâm đến vườn trồng đã đăng ký, cấp phép hay chưa, có nằm trong danh sách được cấp phép hay không. Chúng tôi cho rằng nên giảm tiểu ngạch, tăng xuất khẩu chính ngạch, tập trung đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc", bà Oanh nêu vấn đề.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chú trọng đến việc xuất khẩu sang các địa phương gần biên giới.
Hiện nay, thương mại biên giới chiếm tới 20-25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc, song bà Oanh cho biết thương mại với Trung Quốc không chỉ ở biên giới mà còn là 31 tỉnh, thành khu tự trị của nước này.
Việc xuất khẩu sang Trung Quốc được nhìn nhận là khó khăn khi nhiều doanh nghiệp cho rằng chính sách Trung Quốc thay đổi liên tục, nay cấm biên, hoặc mai cấm nhập một mặt hàng nào đó, thuế phí không đồng nhất...
Tuy nhiên theo bà Oanh, trên thực tế các chính sách của Trung Quốc với hàng nhập khẩu được đưa ra từ trước đây chứ không phải là "thay đổi liên tục".
Đơn cử như việc Trung Quốc đưa ra yêu cầu từ ngày 1-10 phải đáp ứng việc ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu là thực hiện theo quy định của Luật an toàn thực phẩm đưa ra từ năm 2015.
Theo đó, năm 2018 cơ quan thương vụ đã phổ biến về vấn đề truy xuất nguồn gốc, đăng ký doanh nghiệp, nhưng lại không được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, và chỉ chú trọng xuất khẩu tiểu ngạch.
Quả thanh long Việt Nam bán ở một siêu thị Trung Quốc - Ảnh: N.AN
'Chế biến hiện đại chứ không phải chỉ bán tươi...'
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Việt Nam đang đứng thứ 11 trong các nước mà Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa.
Thực tế, các mặt hàng còn nhiều dư địa để khai thác nhưng do tập quán, do mối quan hệ thương mại qua biên giới và phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc thông qua các điểm thông quan mà chưa đi vào sâu nội địa, nên chưa được tận dụng hiệu quả.
"Không thể chậm trễ hơn nữa vì Trung Quốc đều có hàng rào liên quan đến an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ. Các mặt hàng lớn như gạo, thủy sản chế biến, dệt may, da giày đều còn có khả năng giao thương chính ngạch rất lớn với Trung Quốc.
Do đó, cần đánh giá định vị lại cụ thể mối quan hệ giao thương với Trung Quốc để có những giải pháp cụ thể, tạo ra thị trường ổn định cho ngành hàng nông nghiệp" - ông Tuấn Anh nêu.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định Trung Quốc là thị trường cực kỳ tiềm năng cho nông sản Việt Nam.
Thực tế, nhập khẩu rau quả chính ngạch tăng 30%, có những nhóm hàng tăng gần gấp đôi nên nếu làm tốt thì thì hàng nông sản Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được tại thị trường này bằng đường chính ngạch.
Theo đó, ông Cường cho rằng cần phải thay đổi tư duy của nền sản xuất, thay bằng sản xuất hàng hóa tập trung hiện đại, trong đó giải quyết các khâu như thông tin thị trường, thay đổi phương thức sản xuất, tăng cường chuỗi giá trị bằng chế biến hiện đại chứ không phải chỉ bán tươi...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận