23/07/2011 16:08 GMT+7

Hết thời hôn nhân "một túp lều, hai trái tim"?

THÚY HÀ
THÚY HÀ

TTO - Ngày ấy tôi còn là cô gái 22 tuổi, đang học năm 3 đại học thì gặp và yêu anh (giờ đã là chồng tôi). Cũng từ đó, thời gian tôi dành cho học hành ít dần.

8qlGpxHK.jpgPhóng to

"Dù cả hai còn chưa có việc làm ổn định nhưng tôi vẫn muốn cưới với suy nghĩ sướng khổ thì cùng chịu" - Ảnh minh họa: từ Internet

Anh là một chàng trai con nhà giàu, biết cách tiêu tiền. Để chứng tỏ tình yêu, chúng tôi đã “ăn cơm trước kẻng”. Tôi cứ nghĩ “trao thân” là điều kiện để hai đứa yêu nhau hơn, có trách nhiệm và gắn bó với nhau hơn. Nhưng thực tế, sau đó anh hời hợt dần.

Vì chán chuyện tình cảm và cố giữ chân anh nên tôi càng lơ chuyện lên giảng đường hơn, thi cử lẹt đẹt, phải học lại nhiều môn. Cũng may tôi còn lấy được bằng đại học đúng hạn, còn anh lại ra trường trễ một năm.

***

Anh vừa ra trường, tôi đã tạo sức ép để anh phải cưới. Tôi nghĩ rằng sẽ không có người đàn ông nào chấp nhận vợ mình “mất trinh”. Mà tôi đã trao hết cho anh nên phải làm vợ anh dù bất cứ lý do gì. Với lại, điều kiện cần cho một đám cưới đối với tôi chỉ đơn giản yêu nhau là đủ.

Thế là dù cả hai còn chưa có việc làm ổn định nhưng tôi vẫn muốn cưới với suy nghĩ sướng khổ thì cùng chịu. Cưới nhau về thì anh khác hẳn, trở nên gia trưởng và áp đặt, khác hẳn anh chàng ga lăng, tâm lý mà tôi từng biết. Tôi tìm việc khắp nơi, còn anh thì vẫn ăn không ngồi rồi. Anh bảo: “Công tử như anh việc gì phải bươn chải kiếm tiền?”.

Mãi sau tôi cũng mới kiếm được một công việc tàm tạm ở công ty tư nhân nhưng bấp bênh, thu nhập không ổn định. Từ đó, tiền chi tiêu của hai vợ chồng đều nhìn vào đồng lương ít ỏi của tôi. Bao lần tôi bảo anh nộp hồ sơ xin việc, anh đều gạt đi. Tôi đi làm về muộn, anh khó chịu và nói tôi "mờ ám".

Chỉ vì công việc của hai vợ chồng chẳng đâu vào đâu nên mẹ chồng tôi rất hay chì chiết. Bà bảo: “Chúng mày toàn một lũ ăn hại!”. Chồng tôi cứ tỉnh bơ khi nghe mẹ mắng. Còn tôi thì khóc rấm rứt suốt. Anh chẳng an ủi thì thôi, lại còn vào hùa: “Chỉ tại cô mà tôi ra nông nổi này. Ai bảo cô đòi cưới sớm làm gì?”.

Anh còn không cho tôi dùng điện thoại di động. Bản chất cộc cằn, thô lỗ của anh ngày càng bộc lộ rõ hơn khi thiếu tiền. Đến khi sinh con đầu lòng, vốn liếng của hai vợ chồng chỉ là con số không. Thế là bố mẹ hai bên phải chu cấp tiền bạc để tôi nuôi con.

Những ngày tôi “ở cữ”, mọi chi tiêu, tôi đều phải nhận chủ yếu từ nhà chồng nên rất nhục nhã. Ngồi vào mâm cơm, tôi không sao nuốt nổi khi mẹ chồng đánh tiếng: “Bây giờ ra chợ cái gì cũng đắt đỏ, cái nhà này thật kỳ, người làm thì ít, người ăn thì nhiều”.

Bị mẹ chồng căn vặn từng li từng tí nên tôi thấy mình thật khổ sở. Tôi chỉ mong sao con lớn thật nhanh để đi làm lại. Tiền ăn tiêu của hai vợ chồng đã chật vật, giờ thêm đứa con nên tôi thấy mệt mỏi vô cùng, lúc nào cũng phải gồng mình lên. Có lẽ đó là cái kết cho sự nông nổi, vội vàng mặc áo cưới của tôi khi chưa có sự chuẩn bị cả “điều kiện cần” và “điều kiện đủ”?

THÚY HÀ

Cuộc hôn nhân của bạn có đang rơi vào điểm "cực tiểu" vì những xung đột, thờ ơ, ích kỷ, ảo tưởng... Theo bạn, chị N.T.T. trong câu chuyện trên cần làm gì để tháo gỡ tình huống hiện tại? Mọi ý kiến vui lòng gửi về email [email protected]. Vui lòng sử dụng font chữ có dấu tiếng Việt.

'

THÚY HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp