Cơ sở điều trị của bà Thoa không có bảng hiệu phòng mạch mà bên ngoài là của một cơ sở bán hàng ngoại nhập - Ảnh: Tự Sang
Để "hút" người bệnh, bà Thoa lập hẳn trang web và cho người đến tận nhà dân phát tờ rơi quảng cáo.
Cơ sở điều trị của bà Thoa có tên là "Phòng đông y gia truyền Bách Phương", đặt tại lầu 1, số 78 Trần Thị Nghỉ, P.7, Q. Gò Vấp, TP.HCM.
"Bao bệnh" 20 triệu đồng!
Theo nội dung tờ rơi quảng cáo và thông tin trên trang web, bà Thoa giới thiệu về việc đắp thuốc ngoài da rất "hot" với các đảm bảo sẽ khỏi bệnh. Cách điều trị theo giới thiệu là trung bình mỗi bệnh nhân đắp khoảng ba đợt điều trị là khỏi bệnh. Mỗi đợt điều trị cách nhau 20 ngày. Thuốc đắp trên da 48 tiếng đồng hồ là tháo thuốc.
Từ quảng cáo này, sáng 13-11 chúng tôi đến cơ sở điều trị của bà Thoa ở địa chỉ nói trên. Tại địa chỉ này không có bảng hiệu phòng mạch của bà Thoa mà là của một cơ sở bán hàng ngoại nhập.
Nơi khám bệnh của bà Thoa ở trên lầu 1, chỉ có chiếc bàn, vài cái ghế, một bảng hiệu lớn ghi dòng chữ "Đông y gia truyền Bách Phương. Thuốc đông y đặc trị bệnh xương khớp. Đắp thuốc chữa bệnh thoát vị đĩa đệm".
Bảng hiệu này còn ghi số điện thoại di động, địa chỉ Facebook của bà Thoa và trang web của cơ sở.
Sau khi giới thiệu cách điều trị thoát vị đĩa đệm như nói trên, bà Thoa khám bệnh bằng cách ấn mạnh vào một số vị trí ở lưng, hông phải và hỏi có đau không. Chúng tôi nói đau chỗ nào bà Thoa dùng bút đỏ khoanh tròn chỗ đó.
Khám xong bà Thoa nói tôi phải đắp thuốc 5 miếng, mỗi miếng 600.000 đồng. Để khỏi bệnh phải điều trị ba lần.
Bà Thoa còn giới thiệu bà có nhận điều trị "bao bệnh", tức là bao chữa đến khi khỏi hoàn toàn, nếu có bị lại đến điều trị không phải trả tiền. Thời gian "bao bệnh" là hai năm, giá 20 triệu đồng.
Bà Thoa kể cơ sở của bà hoạt động từ giữa năm 2017, đến nay đã điều trị cho 100 bệnh nhân. Thấy chúng tôi thắc mắc phòng mạch không có bảng hiệu, không có giấy phép hành nghề của cơ quan y tế cấp, bà Thoa nói thẳng luôn: "Tôi chưa làm cái đó, nếu cần cái đó thì mọi người ra ngoài chữa...".
Chúng tôi đề nghị được xem thuốc trước khi điều trị, bà Thoa đưa ra một chai thuốc nhỏ không có nhãn mác, bên trong là bột sền sệt màu nâu nhạt. Hỏi thuốc có thành phần gì, bà Thoa nói: "Tôi học từ Học viện Y học cổ truyền ra và được truyền bài thuốc từ trên truyền xuống chứ không phải là người tạo ra thuốc...".
Chưa nghe phương pháp này
Trao đổi với Tuổi Trẻ về các phương pháp y học cổ truyền hiện nay điều trị thoát vị đĩa đệm thế nào, bác sĩ CK2 Đỗ Tân Khoa - phó giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM - nói rằng với bệnh lý thoát vị đĩa đệm cột sống cổ hoặc cột sống thắt lưng bệnh viện đã xây dựng tứ giác điều trị phối hợp với các biện pháp hỗ trợ.
Đầu tiên bệnh nhân được tư vấn chế độ sinh hoạt hợp lý như không ngồi quá lâu, không mang xách nặng, nằm gối có mức độ cao và xốp vừa phải, dinh dưỡng giàu canxi, hạn chế thực phẩm có thể gây kích thích, gây đau; đeo đai lưng, nằm mặt phẳng cứng nếu bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng nặng, nên tập bơi...
Hai là dùng thuốc: thuốc sắc, viên, xoa tại chỗ. Nếu đau cấp tính, có thể kết hợp thuốc giảm đau của y học hiện đại.
Ba là điều trị không dùng thuốc: điện châm, nhĩ châm, thủy châm, cấy chỉ, trường châm, chườm muối hột và dược liệu rang nóng, túi chườm nóng.
Bốn là vật lý trị liệu: kết hợp xoa bóp, bấm huyệt theo vùng đau, kéo giãn cột sống hoặc tập tác động, nắn chỉnh cột sống...
Sau khi điều trị, khoảng 70-80% bệnh nhân có bệnh nhẹ, vừa, nặng có đáp ứng tốt với các phương pháp nêu trên. Tuy nhiên, một số trường hợp đau nặng như thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gây chèn ép tủy cổ nặng hoặc thoát vị đĩa đệm cột sống lưng gây teo cơ nhiều, nhanh hoặc có chèn ép vào chùm đuôi ngựa..., bác sĩ sẽ tư vấn bệnh nhân kết hợp với phương pháp ngoại khoa của y học hiện đại để điều trị bệnh triệt để.
Về phương pháp đắp thuốc của cơ sở bà Thoa, bác sĩ Khoa nói Bệnh viện Y học cổ truyền TP chưa nghe nói về phương pháp này.
TS.BS Võ Tấn Sĩ - trưởng khoa ngoại thần kinh Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) - cho biết thêm để chẩn đoán bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm, bệnh nhân phải được chụp Xquang, chụp cộng hưởng từ để xác định vị trí thoát vị chèn vô rễ thần kinh hay vô tủy, ở tầng nào và có phù hợp với triệu chứng lâm sàng để có hướng điều trị nội khoa hay ngoại khoa.
Việc điều trị nội khoa nhằm giảm đi sự chèn ép chứ không làm cho đĩa đệm bị thoát vị tan đi. Một số phương pháp nội khoa khác như đốt sóng radio cao tần, laser, tiêm dung dịch làm hủy nhân đệm... nhưng hiệu quả điều trị chưa được chứng minh rõ ràng. Khi đĩa đệm đã thoát vị ra ngoài thì không có cách nào để đưa ngược nó trở vào trong nên chỉ có phẫu thuật cắt bỏ cục thoát vị mới giải phóng được sự chèn ép vào tủy, rễ thần kinh, bệnh nhân mới hết đau.
Coi chừng tiền mất, tật mang
Theo bác sĩ Võ Tấn Sĩ thì cách đắp thuốc ngoài da cho tan đi đĩa đệm lại càng không khả thi, không có cơ sở khoa học vì thực tế bác sĩ dùng dụng cụ đưa ngay vào vị trí thoát vị (từ bề mặt da đến vị trí thoát vị đĩa đệm tùy theo người mà có độ sâu từ 12-18cm) để rút nhân đệm mà còn không được.
Còn dịch phồng sau đắp thuốc thực chất là dịch huyết tương của khối phỏng do thuốc đắp gây thoát ra chứ không phải nhân đĩa đệm thoát ra. Cách làm này khiến người bệnh tin là nhân đĩa đệm đã được hút ra qua da.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận