08/03/2024 22:24 GMT+7

Hết ngày 8-3, rồi sao nữa?

Ngày 8-3 chỉ còn ít phút nữa sẽ khép lại. Nhiều món quà, lời chúc đã trao. Rồi ngày mai và hơn 360 ngày còn lại của năm, ngày thường trở về với người phụ nữ. Ngày tôn vinh, chúc tụng lại đến vào năm sau...

Phụ nữ cần sự chăm sóc đích thực ở đàn ông, chứ không chỉ quà cáp lấy lệ. Trong ảnh: Đàn ông cùng nhau rửa chén sau một bữa tiệc liên hoan 8-3 - Ảnh: THU HUỆ

Phụ nữ cần sự chăm sóc đích thực ở đàn ông, chứ không chỉ quà cáp lấy lệ. Trong ảnh: Đàn ông cùng nhau rửa chén sau một bữa tiệc liên hoan 8-3 - Ảnh: THU HUỆ

Diễn đàn "Có phải phụ nữ cần được tặng quà và có quà mới vui?" nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 của Tuổi Trẻ Online như "bắt trúng" nhiều tâm tư của cả cánh đàn ông và phụ nữ, nên chỉ trong thời gian ngắn diễn ra đã nhận được nhiều email gửi về chia sẻ câu chuyện của chính mình, về quan điểm quà cáp những dịp lễ lạt như 8-3.

Ngoài những email gửi về cho Nhịp sống trẻ, Tuổi Trẻ Online cũng đã nhận hàng trăm bình luận từ bạn đọc cho các bài viết được đăng tải.

Câu chuyện tặng quà trong ngày 8-3 chỉ là một gợi mở khi nhiều ý kiến gửi về đã thẳng thắn đề cập đến những áp lực của người tặng, hoặc ngược lại là mong muốn tặng quà mà bị từ chối nhận! Ngoài ra, vẫn không thiếu những ý kiến bày tỏ rằng nếu nam giới chỉ bày vẽ cho có hình thức thì đừng tặng quà hay bày tiệc tùng làm gì.

Tuy nhiên, mẫu số chung vẫn là những ý kiến rằng: phụ nữ cần được yêu thương, cần được quan tâm, cần được chăm sóc một cách chân thành từ người bên cạnh; nhận được sự thấu hiểu và chia sẻ từ xã hội.

Và trên hết phụ nữ cần yêu thương chính mình, tôn trọng giá trị của mình. Phụ nữ cũng không chờ đợi quà cáp từ người đàn ông, đồng nghiệp như một thủ tục vật chất.

Một điều đáng suy ngẫm có thể nhìn thấy sau những lời chúc nhau, thì với nam giới, món quà quý nhất họ có thể tặng cho mẹ, cho vợ, cho người yêu, cho con gái, cho đồng nghiệp nữ... vào ngày 8-3 hay bất cứ ngày nào trong năm, phải chăng là sự "có mặt" của họ?

Sự "có mặt" đó chính là đôi bàn tay biết chia sẻ trăm việc không tên gọi của mẹ, của người bạn đời bên cạnh, từ việc nhà tới việc bên ngoài xã hội.

Sự "có mặt" đó chính là những quan tâm chừng mực, vừa đủ, dành cho người phụ nữ bên cạnh thay vì những hời hợt được khoác chiếc áo "do là đàn ông mà".

Sự "có mặt" đó còn là thái độ tôn trọng đồng nghiệp nữ, thay vì mặc định họ không làm được việc này việc nọ; là những lần buông lời chòng ghẹo về ngoại hình, những bỡn cợt về chuyện tình cảm được ngụy trang "nói cho vui thôi"...

Sự "có mặt" đó không cần lúc nào cũng phải hữu hình. Bởi có khi chỉ cần nhớ tới một lời nói, một ánh mắt từ người đàn ông mình trân trọng, cũng đã có thể khiến người phụ nữ được sưởi ấm hơn, an lòng hơn.

Sau 8-3, hẳn là phụ nữ hay đàn ông cũng sẽ tiếp tục nhịp sống thường nhật, nhưng biết đâu từ ngày 8-3 năm nay, đã có những chuyển động trong nếp nghĩ của nhiều người.

Diễn đàn "Có phải phụ nữ cần được tặng quà và có quà mới vui?" đã nhận được email của các độc giả: Thanh Nguyễn, Lương Bích Thủy, Trần Văn Tám, Thái Hoàng, Thảo Vi, Trương Thị Mỹ Hà, Lý Bảo Duy, Phạm Minh Chánh, Nguyễn Minh Út, Trần Thị Phương, Phan Thanh Cẩm Giang, Nguyễn Hữu Nhân, Lê Tấn Thời, Lương Đình Khoa...

Tuổi Trẻ Online trân trọng cảm ơn sự tham gia của quý bạn đọc. Mong tiếp tục nhận được sự đồng hành và chia sẻ của quý bạn đọc trong thời gian tới, ở những diễn đàn khác của Tuổi Trẻ.

ThS TRẦN MỸ HẢI LỘC (phó trưởng bộ môn chính trị - ngoại giao, khoa quan hệ quốc tế, HUFLIT):

8-3: Thời điểm lý tưởng để đặt câu hỏi về vai trò của phụ nữ

ThS Trần Mỹ Hải Lộc - Ảnh: NVCC

ThS Trần Mỹ Hải Lộc - Ảnh: NVCC

Ngày Quốc tế phụ nữ (8-3) không chỉ là dịp để tặng quà và tri ân mà còn là thời điểm lý tưởng để đặt câu hỏi về những suy nghĩ đang tồn tại trong xã hội về vai trò của phụ nữ.

Mặc dù đã có sự phát triển về bình đẳng giới, nhưng hiện nay trong xã hội vẫn còn không ít người, kể cả những nam giới có trình độ vẫn coi việc chính của phụ nữ là sinh con đẻ cái, tề gia, nội trợ. Nhiều gia đình vẫn mang nặng tư tưởng phải có con trai nối dõi tông đường, con trai là người thừa kế tài sản.

Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới đã chỉ ra rằng bình đẳng giới vẫn là một mục tiêu chưa đạt được toàn diện, không có quốc gia nào đạt được sự công bằng hoàn toàn giữa nam và nữ. Trên thực tế, chỉ có 9 quốc gia đạt được mức thu hẹp ít nhất 80% khoảng cách giới tính bao gồm Iceland, Na Uy, Phần Lan, New Zealand, Thụy Điển, Đức, Nicaragua, Namibia và Lithuania.

Việt Nam được đánh giá là đang "từng bước tiến tới bình đẳng giới", việc nhiều nữ giới giữ các vị trí lãnh đạo từ doanh nghiệp đến chính trị là một dấu hiệu tích cực. Điều này chứng tỏ sự thay đổi trong quan điểm và thái độ xã hội về năng lực và đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong xã hội hiện nay.

Không chỉ dừng ở sự tôn vinh, mong rằng mỗi một ngày trong 365 ngày đều là những ngày 8-3 để tiếp thêm động lực cho phụ nữ tiếp tục cống hiến, theo đuổi những ước mơ và giá trị cuộc sống. Đồng thời, cần cùng chung tay chấm dứt những vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em gái liên tục xảy ra trong những năm gần đây.

LƯU ĐÌNH LONG ghi

Ngày 8-3 muốn Ngày 8-3 muốn 'đứng hình' khi thấy chị em khoe quà khắp cõi mạng

Những dịp như ngày 8-3, mạng xã hội phủ khắp hình ảnh quà cáp của các cặp đôi yêu nhau thể hiện tình cảm. Có người đăng tất tần tật, người chọn khoe tế nhị, thậm chí không khoe nhưng cũng 'đứng hình' khi bạn bè hỏi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp