Ảnh minh họa: Mẹ tác giả tráng bánh Tết
Thế nên dù hôm nay có là ngày người yêu cũ lấy vợ đi chăng nữa thì tôi cũng sẽ giật mình một tí thôi chứ chắc chắn tôi không khóc.
Đầu tháng cha mẹ tráng bánh rồi
Mẹ gọi điện để thông báo với tôi rằng chú Thông, bạn nối khố với cha tôi, đã mất. Tôi lặng người, giọng mẹ vẫn đều đều: "Chú vào Sài Gòn thăm con gái, nhưng dịch quá không về được, cũng chẳng biết con chú lây COVID-19 từ đâu mà cả nhà đều dương tính. Con gái, con rể còn trẻ khỏe đều vượt qua, chú đã có tuổi cộng thêm nhiều bệnh nền, chống chọi được 20 ngày thì ra đi trong bệnh viện".
Mẹ chép miệng: "Khổ thân! Lúc đi lành lặn, lúc về chỉ còn nắm tro tàn nguội lạnh, trưa nay tro cốt của chú gửi về đây rồi".
Tôi hoang mang, chưa kịp hiểu hết những gì mẹ tôi nói thì mẹ đã chốt hạ một câu đanh thép: "Thời buổi này người ta học cách trân quý sinh mệnh mình từng giây từng phút, còn con lại ngồi đấy mà bi thương, ủ rũ vì thất tình".
Mí mắt tôi giật giật: "Ôi! Mẹ của con ơi! Mẹ có phải là người mẹ thích mặc quần vải áo hoa của con đấy không? Sao mẹ lại có thể nói câu chí lý thế cơ chứ".
Mẹ phản bác: "Thôi cô đừng có ở đấy mà văn vở, xem hết đợt giãn cách này lo về nhà đi, rồi ở nhà ăn Tết luôn. Đầu tháng sau bố mẹ tráng bánh rồi". Tôi ỉu xìu như bánh đa ngâm nước, mẹ ra "tối hậu thư" như thế rồi cũng cúp máy ngay.
Mẹ nhắc tới Tết, tôi lại vô thức nghĩ đến cha, bên tai văng vẳng khúc ca Cô gái mở đường ngày nào cha cũng ca đi ca lại. Giọng cha khàn khàn xen lẫn với tiếng ù ù của cối xay bột, nghe đi nghe lại đến cuối cùng tôi cũng chẳng rõ cha ngâm nga cái gì.
Cha hát không hay, cũng chẳng thuộc bài nào ngoài mỗi khúc "... em gái tiền phương ra đi cứu nước..." ấy cả. Ngoài lúc kéo cối xay bột tráng bánh ra, lúc bình thường tôi chưa thấy cha hát bao giờ.
Chùm bánh đa và chai rượu nếp
Họ nhà tôi ba đời tráng bánh, nhà tôi cũng nhờ bánh đa mà có cơm ăn áo mặc. Thế nhưng năm nào cũng thế, cha mẹ tôi chỉ tất bật tráng bánh bán cho nguời ta đến hết tháng 8 âm lịch là nghỉ.
Cha bảo từ tháng 9 trở đi mưa gió bất thường, bánh tráng ra không có nắng chỉ có hỏng bét. Nhưng cứ đến tháng 12 dù trời quang mây tạnh hay gió mưa sập sùi thì cha vẫn giục giã mẹ tráng bánh, bánh tráng ra không may gặp mưa cha sẽ cần mẫn đốt lò lên hong sấy cho khô.
Để dành đêm 30 khi chúng tôi về, cả nhà lại quây quần bên bếp lửa, cha cời than mẹ quạt bánh, tiếng bánh đa nổ giòn tan. Giao thừa đến, cha đứng giữa sân lầm rầm khấn vái, cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, con cháu bình an, đến khi hương tàn cả nhà tôi quây quần nâng ly mừng năm mới.
Nhớ năm tôi còn học lớp 5, cũng là năm đầu tiên mẹ ủ rượu bằng nếp trắng. 28 Tết, mẹ chắt ra, anh em tôi len lén nếm thử. Là nước ngọt chứ rượu gì, mà rượu ngọt khé cổ thế này. Vừa miệng, dễ uống, tôi tì tì xơi hết gần bát con để rồi say nằm bẹp gí ba ngày mới tỉnh.
Cha mẹ tôi hết hồn hết vía, từ đó cha cấm tiệt không cho tôi dù chỉ thè lưỡi nếm một giọt rượu nếp nào nữa. Chỉ tới khi tôi đủ 18 tuổi, đêm giao thừa năm ấy trên bàn mới có thêm một cái ly, cha chính thức cho tôi gia nhập truyền thống uống rượu nếp đêm 30 cùng gia đình.
Sau này, cha có dịp lên Điện Biên, quà mang về chẳng có gì ngoài vài cân thóc nếp cẩm làm giống. Quê tôi khí hậu không hợp, nếp gieo xuống chẳng được tốt tươi mỡ màng, nhưng năm nào cha mẹ cũng để dành lại hẳn 1 ô ruộng, dù mỗi mùa gặt chỉ được trên dưới vài chục cân.
Giữa năm khi lúa nếp gặt về, cha xay xát dần sàng rồi nấu chín, mẹ đem men trộn đều rồi đem đi ủ. Vò rượu ủ hơn nửa năm vô cùng ngấu và đượm vị. Thời khắc năm mới sang, chúng tôi tề tựu đông đủ, quây quần bên chiếc bàn tròn của riêng cha.
Cha bảo rằng quanh năm chỉ có hai ông bà già lặng lẽ, Tết con cháu đông đủ nhất định phải ngồi cùng một mâm cơm mới ấm cúng. Thế là cha đặt riêng người ta làm cho cái bàn cỡ lớn ấy, cả đại gia đình đều được ngồi cùng với nhau.
Khi men rượu thanh mát ngập tràn, tôi chếnh choáng lâng lâng say trong không khí thân thương. Một điều lạ là con người ta ra ngoài xã hội rất ít khi say, phần lớn thời gian say họ để dành say ở nhà, say cùng những nguời thân thiết.
Bước ra đời không bị ràng buộc bởi lễ giáo, thứ men rượu nào tôi cũng có cơ hội nếm qua. Duy chỉ có thứ men đêm 30 của mẹ là mặn mà, gây say, gây nghiện.
Tết qua đi, chúng tôi lại tất bật rong ruổi, khi đi mang theo đùm bánh đa cùng chai rượu nếp mẹ chắt như thể thói quen, mà thói quen đó luôn khiến tôi hạnh phúc. Hạnh phúc bởi những điều gắn bó máu thịt vẫn còn ở đây mà chưa trở thành hoài niệm.
Mẹ, cha! Nhất định hết giãn cách con về!
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận