28/11/2017 10:07 GMT+7

Hết đất, Hong Kong lấn biển rồi đào sâu

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Trong bối cảnh đất chật người đông, chính quyền Hong Kong chuẩn bị đào xuống lòng đất để lấy thêm diện tích xây dựng các cơ sở hạ tầng.

Hết đất, Hong Kong lấn biển rồi đào sâu - Ảnh 1.

Hong Kong đã quá chật chội - Ảnh: REUTERS

Hơn 7 triệu dân sống chen chúc trong vẻn vẹn khoảng 1.200 km2, khu đô thị của Hong Kong giờ đây không còn chỗ để xây dựng thêm nhà cửa trong khi các tòa nhà chọc trời đã đạt đến chiều cao giới hạn. 

Không có gì lạ khi giá nhà đất tại đây đạt kỷ lục hồi đầu năm, lên gần 1.500 USD/m2 và mỗi ngôi nhà có giá trung bình 1,8 triệu USD. 

Kế hoạch đi xuống lòng đất là một chiến lược dài hạn đã được chính quyền Hong Kong nghiên cứu từ lâu.

Biến khó khăn thành cơ hội

Năm 2017, Hong Kong tiến hành một nghiên cứu toàn diện và quy mô, vạch ra 48 dự án phát triển dưới lòng đất với kích thước mỗi khu rộng từ 0,25 - 2km2 và dự kiến thực hiện thêm 6 nghiên cứu nữa để hoàn thiện dự án. Dự án trong tháng 11-2017 vừa đoạt giải thưởng Không gian ngầm sáng tạo tại giải của Hiệp hội Xây dựng ngầm quốc tế.

Chúng tôi nghĩ rằng nếu có thể tận dụng được các diện tích dưới mặt đất, chúng tôi có thể biến sự chen chúc thành cơ hội"

Tony Ho - kỹ sư kỹ thuật xây dựng của Sở Phát triển và kỹ thuật dân sự của Hong Kong

Chính quyền khẳng định sẽ ưu tiên đưa hạ tầng vào lòng đất, trước hết là những cơ sở lớn như các trung tâm dữ liệu, các kho dự trữ và bể chứa nước, nhà máy xử lý rác thải; tiếp đến là những kho lưu trữ văn thư, dự trữ dầu khí, các bãi đậu xe, phòng nghiên cứu và cả các cơ sở thể thao. Ngoài ra, nghĩa trang, cơ sở hỏa táng và liên quan đến ma chay cũng không còn đặt trên mặt đất.

Một trong những dự án đã định hình là kế hoạch trị giá 30 tỉ đôla Hong Kong (tương đương 3,85 tỉ USD) để đưa cơ sở xử lý chất thải Sha Tin vào lòng núi Nui Po Shan gần sông Shin Mun. Dự án dự kiến bắt đầu năm 2018 và kéo dài trong 11 năm, sẽ tạo ra một hang động rộng khoảng 130.000 m2 để chứa nhà máy.

"Nó giống như một cuộc phẫu thuật thay tim vậy, tạo ra một quả tim mới trong cơ thể và kết nối các mạch máu đã có sẵn trước khi bỏ đi quả tim cũ" - lãnh đạo sở thoát nước Edwin Tong Ka-hung nói về kế hoạch bao gồm nhiều phần phức tạp như đào hầm, xây dựng lối đi, di dời các cơ sở lân cận, cây xanh, đổi hướng đường sá. Khu vực nhà máy cũ sẽ tạo ra khoảng 280.000m2 đất xây dựng nhà ở, theo báo South China Morning Post.

Hết đất, Hong Kong lấn biển rồi đào sâu - Ảnh 3.

Không gian mua sắm bên trong một tòa nhà cao tầng ở khu trung tâm tài chính Hong Kong - Ảnh: REUTERS

Không rẻ

Ý tưởng không gian ngầm không phải là điều mới mẻ bởi nhiều nước như Mỹ, Na Uy, Singapore từ lâu đã xây dựng nhiều công trình thể thao, khu công nghiệp dưới mặt đất. Hong Kong cũng có một số cơ sở ngầm như bể chứa nước mặn, xử lý chất thải. Tuy nhiên, dự án mới của đặc khu này có quy mô lớn hơn rất nhiều và có thể tái cấu trúc hoàn toàn các khu công cộng.

"Việc đặt các cơ sở ngầm mở ra cơ hội tái hoạch định cả khu vực" - trang Wired dẫn lời ông Edward Lo, quan chức cơ quan hoạch định của Hong Kong. Ông này hi vọng dự án có thể tạo ra thêm diện tích cho nhà ở, doanh nghiệp.

Dự án sẽ không hề rẻ. Chính quyền Hong Kong ước tính chi phí đào hầm có thể lên đến gần 9.000 USD/m3 trong khi chi phí xây dựng gần gấp đôi, khiến việc xây dựng một bãi đậu xe 12 chiếc có thể tốn hơn 7,3 triệu USD. Dù vậy, những người lạc quan cho rằng dự án sẽ đem lại lợi ích về lâu dài.

"Lợi thế lớn nhất của việc xây dựng ngầm là vòng đời của công trình rất dài - chuyên gia xây dựng Thom Neff nhận định - Một khi xây dựng công trình trong đá thì chẳng còn gì phải lo nữa, nó sẽ ở đó mãi mãi, trong khi xây dựng ở những nơi khác thì phải trùng tu nó".

Dĩ nhiên là Hong Kong sẵn sàng (mà cũng không còn lựa chọn nào khác) để tạo các diện tích xây dựng mới và đã rót hàng trăm triệu USD cho dự án đào hầm này. Nhưng người dân Hong Kong có lẽ sẽ tiếp tục chen chúc trong nhiều năm nữa để chờ đợi triển khai dự án. Ngoài dự án di dời nhà máy chất thải Sha Tin đã rõ ràng, những dự án khác vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu và còn phải thiết kế chi tiết sau khi được duyệt. Quá trình này có thể mất đến một thập kỷ.

Lấn biển

Trong khi chờ đợi dự án lớn, Hong Kong hồi đầu tháng 11-2017 đã thông qua một số dự án bồi đất nhằm tạo ra thêm 15km2, trong đó bao gồm việc bồi một hòn đảo nhân tạo rộng khoảng 10km2 tại vùng biển giữa Hong Kong và đảo Lantau. Các dự án được nghiên cứu từ năm 2011-2014 và được đưa ra để người dân góp ý.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp