Có 2 động mạch vành chính là động mạch vành trái (bao gồm thân chung động mạch vành trái, động mạch liên thất trước, động mạch mũ) và động mạch vành phải.
Hẹp 50% một nhánh động mạch vành không phải thân chung động mạch vành trái khi chụp động mạch vành thì chưa nguy hiểm (hẹp #50% thân chung động mạch vành trái là nguy hiểm). Tuy nhiên cùng với việc bị đau thắt ngực nhiều lần, nó khẳng định bệnh nhân đã bị bệnh động mạch vành hay còn gọi là bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Nguyên nhân thường gặp nhất của hẹp động mạch vành là xơ vữa động mạch vành. Bệnh nhân cần được theo dõi và điều trị chu đáo để ngăn ngừa không cho bệnh tiến triển thêm, ngăn ngừa xảy ra những biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, suy tim, đột tử.
Hiện chưa có thuốc nào làm hết hẹp động mạch vành. Theo dõi và điều trị hẹp động mạch vành một cách chu đáo giúp ngăn bệnh nặng thêm, hạn chế biến chứng, bao gồm:
- Thay đổi lối sống, tránh căng thẳng, giữ thăng bằng và điều độ trong cuộc sống. Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia. Tập thể dục đều hàng ngày, ít nhất 4 ngày/tuần, mỗi ngày 30-60 phút, tập mức độ vừa phải theo khả năng gắng sức của mỗi người. Ăn uống lành mạnh: tránh da, mỡ, phủ tạng động vật, trứng, bơ, sữa béo; bớt ăn mặn; nên ăn nhiều cá, rau quả.
- Phát hiện và điều chỉnh tốt các bệnh lý kèm theo nếu có như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì…
- Dùng thuốc đầy đủ và đều đặn theo y lệnh của bác sĩ.
- Liên hệ chặt chẽ với bác sĩ, thăm khám định kỳ, thông báo cho bác sĩ các triệu chứng bất thường để có xử trí kịp thời, phù hợp như can thiệp đặt stent động mạch vành, mổ bắc cầu động mạch vành khi cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận