Phóng to |
Cây cầu Kênh 9 từ tiền “mổ heo đất” của Đoàn - Ảnh: K.A. |
“Khi được Đảng ủy xã triển khai, Đoàn thanh niên xã quyết tâm nhận thực hiện công trình này vì biết bà con mình rất cần một cây cầu vững chãi để đi lại thuận tiện hơn” - bạn Trần Thị Ngọc Trinh, bí thư Xã đoàn Tân Kiên, cho biết.
Công trình của lòng dân
Nhận công trình xây cầu để chào mừng Ngày thành lập Đoàn (26-3), mà lúc bấy giờ đã là tháng 2 rồi, nhưng “máu” liều của ban chấp hành xã đoàn đã giúp các bạn vượt qua mọi khó khăn. Đoàn thanh niên phát động trong vòng một tuần để các chi đoàn nuôi heo đất, cán bộ công nhân viên của xã ai cũng ủng hộ. Xã đoàn còn vận động các mạnh thường quân góp thêm, người cho vài triệu đồng, người cho vật liệu. Bà con ở hai bên kênh cũng hùn sức góp vào.
Cây cầu dài hơn 12m, rộng gần 1,5m được đơn vị thi công ủng hộ tiền công và góp thêm ít vật liệu nên tổng kinh phí chỉ hết hơn 22 triệu đồng. “Thật bất ngờ khi các bạn cho heo đất “ăn” no, dù biết hoàn cảnh các bạn cũng khó khăn nhưng vì công trình này có ý nghĩa nên được ủng hộ nhiệt tình” - Trinh chia sẻ.
Ngày khánh thành cây cầu, bà con hai bên kênh khấp khởi mừng. Bác Một, nhà ở ấp 1, tâm sự: “Có cây cầu, bà con vui hết biết, đám nhỏ đi học yên tâm hơn. Bà con mình đi làm ruộng, thuê máy móc cũng rẻ tiền hơn một chút vì đường đi ngắn hơn trước”.
Không chỉ xây cầu Kênh 9, ngay sau đấy các chi đoàn lại tiếp tục bỏ ống heo gây quỹ đóng góp về huyện đoàn 6 triệu đồng để xây cầu treo dự kiến ở xã Lê Minh Xuân hoặc Bình Lợi, nơi khó khăn hơn... và hầu như công trình nào cũng được các bạn trẻ gây quỹ bằng nuôi heo đất!
Cô thủ lĩnh sôi nổi
Thủ lĩnh trẻ 24 tuổi, Trinh đã được kết nạp vào Đảng, khi ấy bạn là bí thư chi đoàn ấp 2, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Trinh cũng là một trong 53 bạn trẻ của năm huyện ngoại thành được tuyên dương “Thanh niên làm theo lời Bác” trong chương trình “Hành trình đuốc sáng ngoại thành” vừa diễn ra. Từ năm 2005 đến nay, khi Trinh làm bí thư đoàn, Xã đoàn Tân Kiên luôn xếp loại xuất sắc và dẫn đầu trong phong trào đoàn của huyện. |
Ai cũng bảo Ngọc Trinh xuất hiện ở đâu, ở đấy sẽ rộn ràng. Đang làm kế toán cho một công ty tư nhân với mức lương ổn định, Trinh đồng ý về làm cán bộ đoàn chuyên trách ở xã với mức lương chỉ vài trăm ngàn đồng vào thời điểm năm 2005.
“Mình tham gia hoạt động phong trào lâu rồi, dù đi làm nhưng vẫn là bí thư chi đoàn ấp. Khi được xã vận động về làm công tác đoàn, mình hiểu lúc này phong trào cần nên mình chấp nhận dù biết cuộc sống sẽ chật vật hơn” - Trinh tâm sự.
Từ khi Trinh làm “thủ lĩnh”, phong trào thanh niên trong xã sôi nổi hơn bởi những ý tưởng tổ chức các hoạt động mà Trinh đưa ra luôn “bắn trúng” nhu cầu của các bạn. Với các bạn là học sinh, sinh viên, nhu cầu là sân chơi thể thao văn hóa, những khoảng đất trống ở các ấp được Đoàn thanh niên mượn làm sân đá banh, chiều nào cũng có những trận đấu vui ngất trời. Biết các bạn thích công tác xã hội, Trinh tổ chức thực hiện những phần việc địa phương cần như khơi thông dòng kênh, giúp đỡ các cụ già neo đơn, các em nhỏ khuyết tật…
Không chỉ là các hoạt động vui chơi, với vai trò là chủ tịch Hội LHTN xã, Trinh đã đề xuất thành lập quỹ “tiếp sức hội viên đến trường” nhằm hỗ trợ các bạn khó khăn có điều kiện tiếp tục đến trường. Lang thang đến các khu nhà trọ, hiểu được các bạn công nhân xa quê còn thiếu thốn phương tiện để giải trí tinh thần, dịp kỷ niệm Ngày thanh niên công nhân TP (15-10), Trinh cùng các bạn trong ban chấp hành xã đoàn bàn tính phục vụ “món ăn” tinh thần cho các bạn công nhân khu nhà trọ. Chương trình karaoke lưu động ra đời, đến tận các khu nhà trọ để phục vụ các bạn công nhân.
“Qua những lần đi thực tế, nhiều chi đoàn đã phát hiện những em nhỏ quá khó khăn để giúp đỡ hay giúp các cụ già neo đơn dọn dẹp vệ sinh nhà cửa. Nhiều cụ cứ mong tụi mình đến để có người trò chuyện” - Trinh tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận