Lọ thuốc an thần được C49B thu giữ tại lò mổ - Ảnh: C49B cung cấp
Đó là kết quả xét nghiệm được ông Phạm Tiến Dũng - chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - công bố trong buổi họp báo trưa 30-9.
Sau một thời gian trinh sát, lực lượng C49B phối hợp với các lực lượng gồm Thanh tra Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục Thú y TP thanh tra đột xuất lò giết mổ Xuyên Á, qua đó bắt quả tang việc tiêm thuốc an thần Combistress (gây ngủ) vào heo trước khi giết mổ.
Cơ quan chức năng thông tin về vụ việc
Xử phạt 30 - 35 triệu đồng
Theo ông Dũng, tại thời điểm kiểm tra, trong lò mổ có 5.031 con heo vừa nhập vào và 200 con tồn dư. Đoàn công tác lấy 144 mẫu nước tiểu của tất cả các lô, 4 mẫu thuốc trong lọ pha thuốc an thần.
Kết quả, heo của 13 trong tổng số 21 thương lái dương tính với thuốc an thần với hàm lượng cao.
Ngoài ra, cơ quan chức năng kiểm tra các loại chất cấm khách (như sabutamot - tạo nạc) nhưng đều có kết quả âm tính.
Ông Dũng cho rằng việc thương lái tiêm thuốc an thần vào heo là hành vi không được phép và đáng lên án. Việc các thương lái tiêm thuốc nhằm mục đích heo không bị sốc, hung dữ cắn nhau bị thương trong quá trình vận chuyển.
Ngoài ra, tiêm thuốc giúp khỏi bị hao hụt khi giết mổ, tạo cho thịt có màu sắc bắt mắt, dễ tiêu thụ.
Đến nay, với các trường hợp vi phạm, ngoài việc lưu giữ số heo xét nghiệm đến khi đào thải hết thuốc an thần, cơ quan chức năng đang hoàn tất các thủ tục đề xuất xử phạt hành chính 30 - 35 triệu đồng, tùy vào độ thành khẩn khai báo của thương lái.
Hai người đàn ông tiêm thuốc an thần bị bắt quả tang - Ảnh: C49B cung cấp
"Trước mắt chúng tôi cho kiểm kê lại số heo chết, heo lờ đờ do hôm qua giờ không cho ăn để tiêu hủy, đồng thời giám sát tránh xảy ra việc đánh tráo tuồn heo an thần ra ngoài.
Mặt khác, tăng cường tuyên truyền để dân hiểu, cung cấp thông tin để cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, phải có cam kết các chủ heo có sự ràng buộc, gắn trách nhiệm cho địa phương xảy ra vụ việc tương tự" - ông Dũng khẳng định.
Đối tượng thay đổi cách thức hoạt động
Ông Huỳnh Tấn Phát - phó chi cục Thú y TP - khẳng định quan điểm xử lý: "Với các trường hợp vi phạm, ngoài xử phạt chúng tôi kiên quyết công bố danh tính để răn đe, đồng thời phối hợp với cơ quan công an phục vụ công tác điều tra xử lý nghiêm nếu có trường hợp cán bộ thú y thoái hóa, biến chất bắt tay với các đối tượng tiêm thuốc an thần vào heo".
Theo ông Phát, đây không phải là trường hợp đầu tiên mà đơn vị phát hiện tiêm thuốc an thần. Từ đầu năm 2017, qua công tác thanh tra đơn vị phát hiện có 7 trường hợp tiêm thuốc tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.
Đoàn kiểm tra C49B phối hợp với cơ quan chức năng làm việc tại lò mổ Xuyên Á tối 28-9 - Ảnh: C49B cung cấp
"Trước đây các đối tượng thường dùng thuốc an thần có chứa hoạt chất Acepromazine tiêm trực tiếp vào heo, thời gian ngưng thuốc từ 5-7 ngày. Nay để tránh kéo dài thời gian, họ sử dụng Combistress do nước ngoài sản xuất, chỉ sau 24 giờ là có thể giết mổ được" - ông Phát nói.
Ông Phát cho biết thêm các đối tượng đã thay đổi phương thức hoạt động để đối phó cơ quan chức năng.
Tại buổi họp báo, trước nhiều câu hỏi về trách nhiệm của cán bộ thú y địa bàn và trách nhiệm quản lý của Chi cục Thú y TP trong việc kiểm tra, giám sát giết mổ heo trong lò Xuyên Á, ông Phát cho biết lò mổ Xuyên Á là lò mổ có quy mô giết mổ lớn nhất TP, trung bình 5.000 con/đêm, chiếm 50% thịt heo phân phối cho toàn TP.
Để kiểm soát, tại lò được chi cục bố trí 17 cán bộ thú y phân công giám sát ngày, đêm.
"Trước mắt chi cục đã yêu cầu tất cả cá nhân liên quan giải trình về vụ việc, từ đó mới có hướng xử lý cụ thể. Cán bộ thú y có lơ là hay tiếp tay hay không thì trong quá trình trinh sát cơ quan công an đã thu thập. Do đó chúng tôi sẽ xử lý nghiêm và công bố thông tin khi có kết quả" - ông Phát khẳng định.
Đề xuất lắp camera trong lò mổ
Để giám sát tình trạng nêu trên, trung tá Võ Văn Khứ - phó trưởng phòng7 (C49B, Bộ Công an), cho biết với diện tích lò mổ và quy mô hoạt động giết mổ mỗi đêm lớn nhất TP ở lò Xuyên Á, phải tính đến việc lắp đặt hệ thống camera giám sát.
"Cán bộ thú y không thể quán xuyến nổi, chưa kể có thể có trường hợp tiếp tay cho việc làm sai trái. Do đó, chỉ cần lắp hệ thống camera sẽ dễ dàng kiểm soát được hoạt động và cũng là giảm bớt gánh nặng cho cán bộ thú y", trung tá Khứ nói.
Cán bộ C49B làm việc với chủ lô heo tiêm thuốc an thần - Ảnh: C49B cung cấp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận