Ngoài số heo bị thiệt hại nghi do nguồn nước bị nhiễm mặn trên dưới 80 con, số heo con còn lại của anh Bùi Văn Dũng, ấp Phú Đông Thượng, xã Bình Khánh Đông, huyện Mỏ Cày Nam, tiếp tục bị tiêu chảy khiến anh lo lắng - Ảnh: Mậu Trường |
Từ đầu năm 2016 đến nay, theo thống kê sơ bộ, huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre) là địa bàn có nhiều hộ chăn nuôi với đàn heo lớn nhất tỉnh (trên 250.000 con), đã có trên 1.000 con heo chết nghi do nguồn nước bị nhiễm mặn.
Một xã có số heo chết trên 800 con thì lãnh đạo huyện phải xuống chia sẻ với người dân và nắm tình hình. Nếu tôi nghe được thông tin này tôi cũng phải xuống chứ không đợi các ngành chức năng báo cáo, chứng tỏ lãnh đạo huyện chưa năng động trong việc phòng chống hạn mặn |
Ông CAO VĂN TRỌNG (chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre) |
Ngày 6-4, chúng tôi đến nhà ông Bùi Văn Dũng - hộ nông dân chăn nuôi heo quy mô khá lớn tại ấp Phú Đông Thượng, xã Bình Khánh Đông, huyện Mỏ Cày Nam. Vẻ mặt buồn xo, ông Dũng cho biết ông vừa kê khai với xã chết 26 con heo do uống phải nguồn nước nhiễm mặn, trong đó có năm con heo nái. Hiện đàn heo con còn lại hơn 40 con đang bị tiêu chảy.
Theo ông Dũng, từ mùng 5 Tết Nguyên đán 2016, đàn heo của ông bắt đầu xuất hiện tình trạng tiêu chảy và chán ăn.
“Lúc đó tôi thử dùng lưỡi để nếm thử nguồn nước dùng cho heo ăn, uống thì đã mặn chát. Và sau đó xuất hiện heo chết. Nếu tính cả những con heo bằng bắp đùi, số heo chết của gia đình tôi hiện nay phải trên 80 con” - ông Dũng nói thêm. Ông Dũng khẳng định trước khi uống phải nước mặn, đàn heo của ông vẫn phát triển bình thường.
Tương tự, đàn heo của gia đình ông Bùi Văn Khen, gần nhà ông Dũng, cũng sử dụng nguồn nước nhiễm mặn từ kênh nội đồng lấy trong vườn và trên 20 con cũng bị các triệu chứng tương tự như tiêu chảy, chán ăn rồi chết.
Theo ông Nguyễn Hồng Quân, cán bộ nông nghiệp - môi trường xã Bình Khánh Đông (huyện Mỏ Cày Nam), chỉ tính riêng 5/7 ấp của xã này đã có trên 800 con heo bị chết theo khai báo của người dân.
Tuy nhiên, sau khi xã báo với cơ quan chức năng, con số heo chết được báo lên tỉnh thì bị bác vì tỉnh cho rằng thống kê này không đáng tin cậy do heo chết không còn xác. Ông Quân cho biết thêm hầu hết người dân khai báo heo chết do nguyên nhân chủ yếu là nguồn nước bị nhiễm mặn.
Ngoài xã Bình Khánh Đông, các xã lân cận như An Thạnh, Định Thủy, Ngãi Đăng... cũng có hàng trăm con heo chết nghi do nguồn nước nhiễm mặn. Một số hộ dân tại xã Định Thủy như bà Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Kim Chi (ấp Thanh Thủy) số heo bị chết lên đến 90 con mỗi hộ.
“Theo thống kê của các địa phương, tính đến thời điểm hiện nay trên địa bàn huyện đã có 1.294 con heo chết. Tuy nhiên, tại thời điểm thiệt hại người dân không chủ động khai báo ngay cho địa phương nên khó xác minh thiệt hại do không còn hiện trạng con vật nuôi chết, đồng thời không thể xác định được nguyên nhân chết” - một lãnh đạo Phòng nông nghiệp huyện Mỏ Cày Nam nói thêm.
Còn theo một hộ dân tại huyện Mỏ Cày Nam, khi đàn heo của gia đình có một vài con bị các triệu chứng như tiêu chảy, chán ăn thì họ lập tức bán tháo để giảm thiệt hại chứ không thể chờ cơ quan chức năng xuống theo dõi, thống kê được.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 7-4, ông Trần Quang Thái - chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Bến Tre - cho biết hiện chi cục chưa ghi nhận trường hợp gia súc chết do nguồn nước nhiễm mặn.
Tại hội nghị sơ kết quý 1 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý 2-2016 vào ngày 6-4, ông Cao Văn Trọng - chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - cũng đã phê bình lãnh đạo huyện Mỏ Cày Nam trong việc thống kê thiệt hại về gia súc, gia cầm do nước mặn gây ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận