Một chàng trai mới quen cô gái đã ngỏ lời "mình sống chung em nhé". Cô gái hỏi lại, sống chung là "chung" thế nào, là cưới hỏi đăng ký kết hôn, hay sống thử với nhau, đã chuẩn bị gì chưa...? Cô gái hỏi vậy bởi phải lường trước hậu "sống chung".
Đó cũng là câu hỏi mà nhiều người quan tâm khi nhiều nước có chiến lược "sống chung" với dịch và mới nhất lãnh đạo cơ quan chống dịch của thành phố lớn nói cần tính đến phương án "sống chung" với dịch. Phải sống chung nhưng "chung" thế nào?
Chúng ta đã đủ điều kiện để sống chung với dịch chưa? Với tình hình hiện nay, chắc chắn là chưa bởi chúng ta không thể bỏ qua ca nhiễm, càng không thể dừng phong tỏa, thôi cách ly, bớt truy vết.
Chưa nói đến công tác chữa trị quá tải, về mặt tâm lý, trong vài tháng tới, người dân nghe nói đến F0, F1, F2... tất cả đều lo lắng, bất an.
Muốn "sống chung" với dịch, người dân phải có vắc xin bảo vệ. Hiện độ phủ vắc xin còn quá thấp, người tiêm đủ hai mũi chưa nhiều, chẳng thể ngủ ngon với những ca F0 âm thầm trong cộng đồng, nói chi là "sống chung".
Điều đặc biệt là hệ thống y tế của Việt Nam khó đứng vững nếu số ca nhiễm tăng mạnh do lơ là xét nghiệm, truy vết, cách ly. Ý có hệ thống y tế thuộc hàng "xịn" của thế giới, với 40 bác sĩ/10.000 dân cũng sụp đổ do có quá nhiều ca nhiễm.
Việt Nam chỉ có 8 bác sĩ/10.000 dân, sẽ là phiêu lưu nếu muốn "sống chung" với dịch khi chưa đạt miễn dịch cộng đồng.
Vì vậy, còn quá sớm để lơi tay chống dịch hay chuyển sang "sống chung" với COVID-19. Không chỉ tận lực truy quét dập dịch, thậm chí phải chấp nhận khó khăn do phong tỏa, quét sạch dịch, vừa mở cửa trở lại, chưa hát hết bài ca chiến thắng, dịch đã quay lại. Đà Nẵng là ví dụ điển hình của "chu kỳ dịch quay lại".
Vậy khi nào có thể "sống chung" với dịch? Căn cứ vào kế hoạch tiêm vắc xin quốc gia, nếu có đủ vắc xin, cuối năm nay đạt được miễn dịch cộng đồng, thời gian "sống chung" với dịch có thể từ quý 1-2022.
Trường hợp vắc xin về chậm, phải quý 2-2022 mới tiêm đủ, có lẽ phải từ giữa quý 3-2022 mới an tâm "sống chung" với dịch. Đấy là chưa lường đến những bất thường nếu xuất hiện virus biến thể mới.
Muốn "sống chung", phải làm gì? Như PGS.TS Trần Hoàng Ngân - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - nói rằng lúc này phải dồn sức chống dịch, cần thiết phải phong tỏa để quét F0, thà đau một lần để thoát ra khỏi tình trạng đuổi bắt F0, song song đó là tiêm vắc xin cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng.
Và một điều "song song" quan trọng khác nữa đó là ngay bây giờ phải đầu tư nguồn lực để trang bị hạ tầng y tế đủ sức chữa trị các ca nhiễm COVID-19. Một khi chúng ta không còn cách ly, phong tỏa, truy vết ráo riết như hiện nay, không loại trừ số ca nhiễm tăng lên.
Khi đã tiêm vắc xin, ca bệnh không "quá nguy hiểm" nhưng vẫn cần nơi điều trị. Nếu thiếu nhân lực và bệnh viện điều trị COVID-19, ắt hẳn sẽ ảnh hưởng đến quá trình "sống chung" với COVID-19.
Quá trình chuẩn bị này rất quan trọng, là giai đoạn người dân chuẩn bị tâm lý sống quen với trạng thái bình thường mới. Không chuẩn bị, cũng như cuộc hôn nhân, sẽ có những hục hặc, thậm chí đổ vỡ do những ngày đầu "sống chung" còn bỡ ngỡ.
Chúng ta sẽ "sống chung" với COVID-19, nhưng chưa phải lúc này. Hẹn ngày "sống chung", có thể là khi Việt Nam đã đạt được miễn dịch cộng đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận