Helly Tống với cuốn sách No more plastic - Ảnh: T.K.L.
"Thế giới sách" kỳ này có cuộc chuyện trò với nữ doanh nhân sinh năm 1995 - người đồng sáng lập chuỗi Lại Đây Refill Station - nhân cuốn sách No More Plastic - Những gì bạn có thể làm về một thế giới không tràn ngập nhựa của tác giả Martin Dorey vừa ra mắt độc giả VN.
Cô chia sẻ: "Nét duyên của cuốn sách nằm ở lối hành văn gãy gọn, ví dụ gần gũi, thông tin cơ bản được trình bày khúc chiết, dễ hiểu với độc giả mọi độ tuổi. Tác giả còn thể hiện sự thông minh khi chọn hastag #giảipháp2phút rất dễ thực hành".
Tôi đã giảm thiểu nhu cầu tiêu dùng của bản thân từ nhiều năm trước. Một tháng tôi chỉ mua sắm hai lần những thứ thật sự cần thiết thay cho mua vì thích hoặc tùy hứng.
Cần những cộng đồng biết tiết giảm rác thải
* "Nhặt rác", nhất là ở bãi biển, được tác giả đặt ra đầu tiên và là khởi nguồn của nhiều chiến dịch thành công mang tính toàn cầu. Bạn nghĩ thế nào về phong trào dọn rác như cuốn sách đề cập, cũng như thực tế đang diễn ra tại nước ta?
- Rất đáng khích lệ! Chúng ta có thể nhìn thấy tác động tích cực của phong trào này: ngày càng nhiều bãi biển được dọn sạch trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam và còn khiến những người thiếu văn minh nhất có chút chùn tay khi định phóng tay xả rác.
Bản chất của chiến dịch dọn rác không chỉ dừng lại ở việc làm sạch một khu vực nào đó, mà là tạo ra thay đổi ban đầu trong nhận thức với số đông.
* Nhưng không tạo ra rác thì tốt hơn là phải đi dọn rác mình đã mang đến cho Trái đất này chứ?
- Mục tiêu lý tưởng là không tạo ra rác, nhưng zero waste là một ý tưởng xa xỉ rất ít người có thể thực hiện được.
Cá nhân tôi dù nhận thức được việc này nhưng cũng cần một hành trình bắt đầu từ ăn chay, rồi trồng thêm cây xanh mới đến giảm thiểu tối đa rác thải (minimal waste).
Thêm nữa, hành tinh này cần những cộng đồng biết và thực hành tiết giảm rác thải, tái sử dụng, tận dụng hết mức có thể những gì mình đang sở hữu, thay vì chỉ vài cá nhân ưu tú hoặc nhầm tưởng mình đang sống xanh bằng việc thải bỏ toàn bộ đồ dùng nhựa để mua các sản phẩm thay thế.
Bởi bản chất vẫn là sử dụng tài nguyên thiên nhiên để phục vụ nhu cầu của con người trong khi mọi thứ đã cạn kiệt, từ nguồn nước sạch đến rừng, biển...
* Sống xanh với một "fashionista" có khó không?
- Kỳ thực tôi cảm thấy chỉ cần quay lại với lối sống giản dị, gần với thiên nhiên của ông bà từ ngày xưa đã là sống xanh. Ngày đó, nhu cầu của con người chỉ dừng ở mức vừa đủ xài, nay mình chỉ cần tìm về sự không cầu kỳ là đã chẳng phải tìm giải pháp thay thế nữa.
Tôi đã giảm thiểu nhu cầu tiêu dùng của bản thân từ nhiều năm trước. Một tháng tôi chỉ mua sắm hai lần những thứ thật sự cần thiết thay cho mua vì thích hoặc tùy hứng. Tôi chọn những thương hiệu chú trọng đến chất liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường.
Tuy tôi vẫn hoạt động trong lĩnh vực thời trang, nhưng yếu tố thời trang đã trở thành thứ yếu. Tôi chấp nhận giảm bớt cơ hội hợp tác, mạo hiểm từ chối những lời mời từ các thương hiệu không còn phù hợp với lối sống của bản thân.
Chọn sản phẩm tiêu dùng mang tính bền vững
* Một cá nhân "sống xanh" dễ hơn một doanh nghiệp, làm thế nào để có thể không góp thêm rác khi kinh doanh?
- Khó, nhưng không phải là nhiệm vụ bất khả thi, chỉ cần bớt một túi nilông chống sốc, giảm một thùng giấy, ít đi một vòng băng keo trong cũng đã tốt rồi. Thay vì để mặc cho nhà cung cấp đóng gói sản phẩm có túi nilông bên ngoài theo lệ thường, mọi người có thể đề nghị họ cho toàn bộ vào thùng cactông, loại đã được dùng và tiếp tục tái chế.
Bao bì đang là một trong số tác nhân gây ra rác thải nhựa lớn và việc làm đầy những chiếc hộp, túi rỗng bằng các sản phẩm thiết yếu trong sinh hoạt cá nhân, nhu yếu phẩm cũng vô cùng cần thiết. Do vậy, ngày càng có nhiều người lựa chọn mua sắm ở những cửa hàng refill (sang chiết và làm đầy sản phẩm của cửa hàng vào trong vật chứa có sẵn của khách hàng).
Nhưng rác thải không chỉ có nhựa, mà còn là khí thải phát sinh trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Vì thế, chúng tôi ưu tiên lựa chọn các nhà cung cấp trong nước, thậm chí tại địa phương gần TP.HCM để giảm thiểu ảnh hưởng xấu được tạo ra nhằm phục vụ mục đích kinh doanh của mình và nhu cầu chỉ mua sản phẩm - không mua bao bì của khách hàng.
* Vậy bạn có đồng ý với quan điểm về tái chế của tác giả trong cuốn sách không?
- Tôi cũng cho rằng tái chế là thiết yếu vì như đã nói ở trên, chúng ta có nguồn lực hữu hạn. Nhưng ít người nhìn thấy bức tranh thực sự: chỉ tối đa 20% rác thải được tái chế, chưa kể quá trình này cũng có "tác dụng phụ" khi phải sử dụng điện năng, nước sạch, phụ gia... Đó có thể là lý do các nước phát triển xuất khẩu rác nhiều hơn là tái chế.
Doanh nghiệp cần nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc thu hồi, tái chế bao bì của chính họ ngay từ lúc phát triển sản phẩm mới.
Song song với chiến dịch thu gom, tái chế của doanh nghiệp, phong trào tự phát của người dân, chính phủ cần có những phương án kết hợp giáo dục giúp người dân nhận thức rõ hơn về sự tác động của mỗi cá nhân đến môi sinh. Từ đó họ điều chỉnh hành vi trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng mang tính bền vững hơn là lựa chọn sự tiện lợi với vòng đời ngắn mà tạo ra rác.
Những con số thống kê chi tiết, những phân tích cụ thể sẽ khiến người dân nhìn thẳng vào sự thật, bắt tay vào hành động nhanh hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận