Thiết kế sân khấu tối giản của vở diễn nặng ký Hedda Gabler - Ảnh: LẠC TIÊN
Kết thúc mỗi đêm diễn, toàn bộ ê kíp thực hiện đã nhận được những tràng pháo tay không dứt từ phía khán giả, đặc biệt là những khán giả trẻ.
Dưới bàn tay của đạo diễn tài năng người Nhật Tsuyoshi Sugiyama, tác phẩm kinh điển có tuổi đời hơn 130 năm của nhà viết kịch lừng danh người Na Uy Hendrick Ibsen này đã có một diện mạo mới mẻ, mang đầy tính thời đại, thu hút được cả những khán giả rất trẻ đến với sân khấu kịch.
Sân khấu chỉ là một mặt phẳng nghiêng hình tròn với một vài đạo cụ tối thiểu: cây đàn piano, vài chậu hoa cảnh, chiếc ghế tựa... và toàn bộ những chuỗi sự kiện liên tục trong suốt bốn màn của vở kịch dài ba tiếng đồng hồ đều diễn ra trên đó.
Sự tối giản ấy và cả bối cảnh câu chuyện gốc - vốn đã xảy ra từ cách đây hơn một thế kỷ với những khác biệt hiển nhiên về văn hóa, lối sống - không hề khiến vở diễn trở nên khó tiếp nhận đối với khán giả.
Hedda Gabler xoay quanh một người đàn bà cùng quẫn tìm cách chống lại cả cái thế giới mà nam giới làm chủ và rồi phải hứng chịu thất bại, một cách cay đắng. Hedda - con gái của một vị tướng thất thế, đẹp, kiêu hãnh, lạnh lùng và "chả có một tài năng gì khác ngoài việc làm cho mình buồn chán đến chết".
Cô mắc kẹt trong mối quan hệ với ba người đàn ông - họ dường như đại diện cho những nỗi khao khát kìm nén trong con người của chính Hedda khi phải sống trong cái thế giới ngột ngạt và tù túng. Nhưng cả ba người đàn ông lần lượt phản bội Hedda theo những cách khác nhau và cuối cùng dẫn cô đến với một kết cục bi thảm.
Hedda đáng thương nhưng không hề "dễ yêu" - cô xấu xa, nhỏ mọn, tàn nhẫn và luôn tìm cách thao túng kẻ yếu thế hơn mình. Cô vừa ngạo mạn, bất cần lại vừa hèn hạ với những nỗi sợ hãi tầm thường; luôn mưu cầu một cái đẹp lý tưởng cao quý nhưng hành xử thì ích kỷ và độc ác.
Sự phức tạp trong tâm lý nhiều mâu thuẫn của người đàn bà tội lỗi này khiến cho Hedda trở thành vai diễn mơ ước của tất cả các nữ diễn viên sân khấu tài năng trên khắp thế giới. Và không chỉ Hedda, mỗi nhân vật trong vở diễn, kể cả những nhân vật phụ, cũng đều có quá khứ và tính cách đặc biệt, khiến mỗi khán giả đều phải suy ngẫm.
Đạo diễn Sugiyama cũng có những xử lý rất thông minh và độc đáo, không chỉ khiến phần kịch bản gốc vốn khá súc tích, nhiều ẩn dụ của Ibsen trở nên dễ hiểu hơn mà còn mang tới những hiệu quả thẩm mỹ ấn tượng về mặt thị giác dù sử dụng thiết kế sân khấu tối giản và phục trang hiện đại.
Đơn cử như cuộc đối đáp ở màn I giữa Hedda và Thea được thể hiện bằng những cú giao bóng qua lại giữa hai nữ diễn viên, hay cảnh Brack lột trần Hedda và điều khiển cô như một con búp bê đồ chơi ở màn cuối.
Những sáng tạo ấy đã tô đậm tính cách nhân vật, nhấn mạnh kịch tính sân khấu và phần nào làm cho người xem thấy thú vị với từng nét diễn của mỗi diễn viên.
Hedda Gabler từng ra mắt công chúng trong nước lần đầu vào năm 2004 với dàn dựng của Nhà hát kịch Việt Nam.
Lần trở lại này, sau gần 20 năm, nàng Hedda Gabler vẫn mang lại những ấn tượng vô cùng mạnh mẽ đối với khán giả Hà Nội. Chỉ tiếc vở diễn xuất sắc này chỉ diễn bốn suất trong tháng 10, hy vọng vở sẽ sớm quay lại với khán giả yêu sân khấu kịch vào một ngày gần nhất
Đội hình diễn viên trẻ tài năng của Nhà hát Tuổi Trẻ ở cả hai kíp diễn đã có một màn trình diễn khá thuyết phục.
Nếu như kíp 1 lôi cuốn khán giả bằng những gương mặt khá hot của phim truyền hình VTV như Lương Thu Trang, Thanh Sơn, Lệ Quyên, Chí Huy cùng lối diễn chân thật, tự nhiên thì kíp 2 với Hương Thủy, Thu Quỳnh, Thanh Tú, Mạnh Đạt, Duy Anh lại có sự chỉn chu, nhập tâm và lối đài từ sắc nét, giàu sắc thái dù dàn dựng này hoàn toàn không sử dụng mic cài cá nhân cho diễn viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận