Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố "không nơi nào và không ai an toàn ở Gaza", nơi mà cứ 10 phút lại có một trẻ em chết vì bom đạn.
Thương vong tại Gaza đã vượt quá 11.000 người (trong đó có hơn 4.500 trẻ em) và có nguy cơ lan rộng sang Bờ Tây.
Ngày 11-11, thế giới Ả Rập và Hồi giáo đã nhóm họp để bàn về cuộc xung đột như đám cháy cạnh nhà. Ở phương Tây, tổng thống Pháp là nhà lãnh đạo đầu tiên lên tiếng ủng hộ một lệnh ngừng bắn hoàn toàn tại Gaza.
Bệnh viện lớn nhất Gaza kiệt quệ
Ngày 11-11, cơ quan y tế Gaza thông báo Bệnh viện Al Shifa, cơ sở y tế lớn nhất khu vực, đã ngừng hoạt động vì thiếu nhiên liệu. "Kết quả là một em bé đã chết trong lồng ấp", người phát ngôn cơ quan y tế Gaza cho biết. Trong 24 giờ trước đó, tiếng bom đạn đã ở rất gần Bệnh viện Al Shifa khi xe tăng của Israel bao vây nơi này. Al Shifa là nơi hàng chục ngàn người dân đang trú ẩn nhưng Tel Aviv lại cho ở đó có đặt trung tâm chỉ huy của Hamas.
Nhiều bệnh viện khác cũng trong tình trạng tương tự. Mohammad Abu Selmeyah, giám đốc Bệnh viện Al Shifa, nói với Hãng tin Reuters: "Israel đang phát động cuộc chiến vào các bệnh viện ở thành phố Gaza".
Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 10-11, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói hệ thống y tế tại Dải Gaza "đang ngã quỵ" với hơn một nửa trong số 36 bệnh viện và phần lớn trung tâm y tế ở Gaza không hoạt động, những nơi còn nhận bệnh nhân thì lại đang quá tải.
"Các hành lang bệnh viện chật cứng người bị thương, người bệnh, người sắp chết. Nhà xác tràn ngập các thi thể. Các cuộc phẫu thuật không có thuốc gây mê. Hàng chục nghìn người sơ tán đang trú ẩn tại bệnh viện", ông Adhanom Ghebreyesus nói.
Giữa bom đạn, dòng người từ thành phố Gaza vẫn liều mình chạy về phía nam. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (OCHA) cho biết thêm 30.000 người đã rời khu vực bắc Gaza trong ngày 10-11, trong khi Các lực lượng phòng vệ Israel (IDF) nói hơn 100.000 người đã chạy về phía nam trong hai ngày trước đó.
Iran kêu gọi hành động
Trong ngày 11-11, hàng chục nhà lãnh đạo Ả Rập, Hồi giáo đã đến Saudi Arabia nhằm tìm cách dập tắt xung đột giữa Israel và Hamas trước khi nó lan ra khu vực. Theo Reuters, hội nghị dự kiến lên án mạnh mẽ chiến sự và kêu gọi chấm dứt việc cưỡng bức người Palestine ở Gaza rời bỏ nhà cửa.
Lần đầu tiên đến Saudi Arabia sau nhiều tháng, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi khẳng định cần hành động hơn là lời nói để đối phó với xung đột. "Gaza không phải là nơi để đấu võ mồm mà phải là hành động. Ngày hôm nay, sự đoàn kết của các quốc gia Hồi giáo là rất quan trọng", ông Raisi nói.
Trước đó ngày 10-11, Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia cũng lần đầu tiên đưa ra bình luận về tình hình Gaza, lên án Israel "tiếp tục vi phạm Luật Nhân đạo quốc tế".
Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Israel, cũng đang dần thay đổi thái độ. Trong những bình luận mạnh mẽ nhất tới nay về việc giết hại dân thường ở Gaza, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói: "Có quá nhiều người Palestine đã thiệt mạng; quá nhiều người đã phải chịu đựng những điều này trong các tuần qua".
Ngày 11-11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi thế giới hãy cùng Paris tìm cách chấm dứt chiến sự ở Gaza. "Dù thừa nhận quyền tự vệ của Israel, chúng tôi vẫn hối thúc họ hãy ngừng đánh bom", ông Macron nói.
Dù là một trong những nước lên tiếng ủng hộ Israel từ sớm, tổng thống Pháp đến nay cho rằng "không có sự biện minh nào" cho việc đánh bom dân thường và giải pháp tốt nhất bây giờ là ngừng bắn hoàn toàn. Dù vậy, trong phần trả lời Đài BBC cùng ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lại nói việc dân thường thiệt mạng là do Hamas.
Đến nay, Mỹ đã thuyết phục Israel ngừng bắn trong bốn giờ ở Gaza, dù vẫn chưa có thông tin nào cho thấy đạn bom thực sự im lặng. T
uy nhiên, tờ New York Times dẫn một số nguồn tin cho biết Israel và Hamas đang cân nhắc một thỏa thuận thả 10 - 20 con tin cho mỗi đợt dừng bắn ngắn.
Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ có thể tiến tới các đợt thả con tin lớn hơn 100 người. Nhưng Israel cho rằng việc dừng bắn hoàn toàn cũng giống như đầu hàng Hamas.
Lo ngại ở Bờ Tây
Ngày 10-11, OCHA bày tỏ lo ngại về việc giao tranh ngày càng căng thẳng ở Bờ Tây thời gian qua, trong đó có 18 người đã chết trong các đợt tấn công của Israel, nâng tổng số người Palestine thiệt mạng tại khu vực này trong năm tuần qua lên hơn 167. Washington đang gây sức ép lên Israel để kiềm chế bạo lực ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng vì lo ngại căng thẳng có thể bùng nổ tại đây và mở ra mặt trận thứ hai cho Israel, theo Washington Post.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận