Đại biểu tham dự tọa đàm "Tương lai nào cho thanh toán điện tử trong giao thông" - Ảnh: CTV
Nghị định 119 quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ 1-10.
Theo đó, từ 1-10 đến 1-10-2025, chủ phương tiện phải thực chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông kết nối phương tiện thanh toán.
Từ ngày 1-10 đến 1-7-2026, việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng được triển khai thực hiện.
Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ triển khai kết nối hệ thống điều hành và trung tâm dữ liệu để kết nối, chia sẻ thông qua tài khoản giao thông.
Sau đó, từ ngày 1-7-2026, hệ thống cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ chính thực được vận hành.
Bài toán đặt ra là làm thế nào để xây dựng một hệ sinh thái giao thông văn minh, ứng dụng các công nghệ hiện đại phục vụ người dân, đáp ứng xu hướng thanh toán điện tử trong giao thông.
Đây là nội dung hội thảo "Tương lai nào cho thanh toán điện tử trong giao thông" do Báo Giao thông và Tạp chí điện tử Viettimes tổ chức và có sự tham gia của công ty cổ phần Thanh toán quốc gia (NAPAS) vào cuối tháng 9.
Xây dựng hệ sinh thái giao thông văn minh - thúc đẩy thanh toán không tiền mặt
Trao đổi tại hội thảo, đại diện NAPAS cho biết, hiện nay trên thế giới có hai xu hướng thu phí giao thông theo cơ chế độc lập và thu phí giao thông theo cơ chế liên thông. Trong đó, xu hướng thu phí giao thông theo cơ chế độc lập đã được triển khai từ nhiều năm nay như mua vé bằng tiền mặt, mua vé bằng thẻ từ trên xe buýt, tại sân ga tàu điện metro.
Còn tại Việt Nam, việc phát triển thẻ vé còn nhiều khó khăn như các phương tiện chưa liên thông. Người dân phải mua vé bằng tiền mặt hoặc có nhiều thẻ. Để nạp tiền, người dân phải nạp tại quầy thanh toán…
Ông Lê Thanh Tùng - giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ Giao thông vận tải, cho biết việc thanh toán không dùng tiền mặt khi sử dụng các phương tiện công cộng, các nước trên thế giới đã triển khai qua rất nhiều giai đoạn khác nhau.
Bộ GTVT cũng tham khảo các mô hình và bài học thành công của các nước trên thế giới để rút ra kinh nghiệm áp dụng tại Việt Nam.
Đơn cử như khi xây dựng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chỉ có một tuyến, chưa có quy hoạch mạng lưới giao thông công cộng và kết nối với tuyến đường sắt này, nên trong tình huống đó mới chỉ tập trung giải quyết bài toán bán vé và thu vé.
Tuy nhiên, khi các loại hình giao thông công cộng phát triển và có sự kết nối với nhau, sẽ cần tính toán đến việc dùng một phương tiện, công cụ nào đó cho người dân thuận tiện nhất khi thanh toán. Hiện nay, một số nước trên thế giới đã hình thành thẻ vé dùng riêng cho giao thông.
"Với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, không nhất thiết phải sử dụng thẻ vé đó mà có thể sử dụng một phương thức, công nghệ có sẵn, như dùng ngay thẻ ngân hàng, ứng dụng khác để mua vé", ông Tùng nói và cho biết Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng kiến trúc tổng thể về giao thông thông minh, trong đó có thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo ông Nguyễn Hoàng Long - phó tổng giám đốc NAPAS, việc đưa thanh toán không tiền mặt vào phát triển giao thông sẽ giúp người dân thuận tiện hơn - Ảnh: CTV
Hệ thống thanh toán sẵn sàng kết nối
Thông tin tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Long - phó tổng giám đốc NAPAS chia sẻ, số lượng thẻ ngân hàng cả quốc tế, nội địa của cả nước đã gấp 1,5 lần so với tổng dân số (khoảng 150 triệu thẻ - PV). Hơn 87% công dân Việt Nam ở độ tuổi trưởng thành có tài khoản ngân hàng.
Các phương thức thanh toán hiện đại như quét mã QR để trả tiền cà phê, ăn phở hay mua rau tại chợ dân sinh… đã rất phổ biến. Điều này cho thấy mức độ phủ sóng rộng khắp của hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán ngân hàng trong mọi hoạt động đời sống.
Vì thế, việc đưa thanh toán không tiền mặt vào chính sách phát triển giao thông sẽ giúp người dân thuận tiện hơn trong giao dịch.
"Về phía ngành ngân hàng, chúng tôi tương đối sẵn sàng về hạ tầng cũng như kinh nghiệm triển khai" - ông Long khẳng định và cho biết thêm NAPAS đã có kinh nghiệm triển khai kết nối liên thông với một số đơn vị giao thông như VETC, Vinbus…
Nhưng theo ông Long, để chính sách vào cuộc sống, các cơ quan liên quan cần ngồi lại và nghiên cứu kỹ hơn về phương thức vận hành hệ thống tài khoản giao thông, các bộ quy chuẩn và khả năng kết nối giữa đơn vị cung cấp như NAPAS, VISA sang hệ thống thanh toán mới.
Trao đổi về khả năng đáp ứng việc triển khai, ông Nguyễn Hoàng Long cũng cho biết, NAPAS và hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có kinh nghiệm triển khai, kết nối với các hệ thống tương tự. Tiêu biểu, NAPAS đã kết nối với hệ thống dữ liệu VNeID giúp người dân có thể dùng một số dịch vụ công thanh toán ngay bằng mã QR. Hệ thống thanh toán giao thông cũng tương tự.
Điều quan trọng cần xác định cơ sở dữ liệu thanh toán giao thông là cơ sở dữ liệu tập trung quốc gia hay chia về địa phương. Nếu có thể chia sẻ các dữ liệu, việc kết nối liên thông sẽ hoàn toàn thực hiện được.
"Dựa trên kinh nghiệm triển khai trước đó, chúng tôi hoàn toàn tự tin về mặt công nghệ. Về phía người dân, hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt không còn là rào cản do tỉ lệ phủ sóng tài khoản thanh toán và thẻ hiện rất lớn", ông Long nhấn mạnh và cho rằng, vấn đề là làm sao để tài khoản giao thông của người dân gắn liền với phương tiện giao thông đường bộ, giao thông công cộng.
Để phát triển thẻ vé thông minh trong giao thông, đại diện NAPAS đề xuất, mỗi thành phố, tốt nhất là mỗi quốc gia nên có một hệ thống thẻ vé điện tử tập trung, duy nhất, sử dụng cho tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ giao thông công cộng bao gồm bus, metro...
Ngoài ra, nên có cơ chế hỗ trợ việc sử dụng thẻ ngân hàng trong thanh toán giao thông. Song song với đó, tiêu chuẩn kỹ thuật về thẻ vé nên dựa trên tiêu chuẩn mở, không có giới hạn về đơn vị cung cấp thẻ, thiết bị đầu đọc và nên được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế, có thể sử dụng lại các sản phẩm thẻ, đầu đọc đã có sẵn thị trường, rút ngắn thời gian triển khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận