Nhân viên đường sắt hướng dẫn du khách - Ảnh: H.Đ
Hoàn toàn yên ắng là cách mô tả đúng nhất về bầu không khí ở Nga trước ngày khai mạc.
Thật vậy, do vật giá ở Nga khá đắt đỏ, tình hình an ninh cũng bị siết chặt nên các CĐV nước ngoài sẽ chỉ sang Nga một vài ngày trước thềm trận đấu ra quân của đội nhà. Vì thế, những ngày qua tôi hầu như không gặp một CĐV nước ngoài nào ở Moscow.
Về phía nước chủ nhà, có lẽ người Nga ngày nay không cuồng bóng đá lắm. Họ tất nhiên vẫn sẽ cuồng nhiệt khi World Cup khởi tranh nhưng đó là chuyện của đêm khai mạc 14-6.
Còn lúc này, bạn sẽ chẳng dễ dàng gì bắt gặp một tấm apphich in hình chú sói Zabivaka (linh vật ) tại một nơi công cộng ngoài sân vận động.
Đến cả sân vận động chính Luzhniki hay Fan Fest, mọi thứ vẫn còn rất ngổn ngang.
Ngổn ngang - nhưng yên bình và dễ chịu vì có một thứ đã hoàn hảo. Giao thông ở Moscow và có lẽ nhiều thành phố khác nữa của Nga đã hoàn toàn sẵn sàng cho mùa đón du khách.
Moscow là một trong những thành phố có hệ thống lớn nhất thế giới. Hệ thống Moscow Metro xếp hạng 8 thế giới về số lượng các trạm tàu điện ngầm. Tổng cộng có 245 trạm tàu điện ngầm trong Moscow Metro.
Năm 2016, con số này chỉ mới là 202, điều này có nghĩa Moscow Metro đã được nâng cấp hơn 20% nhờ World Cup.
Sau một, hai ngày đầu lạc lối giữa những trạm tàu điện ngầm tiếng Nga và thường xuyên phải nhờ người bản địa, tôi cũng dần quen thuộc với đường sá.
Những trạm tàu điện ngầm cũ của Nga tuy không đề tiếng Anh nhưng luôn đặt bảng hướng dẫn, phân biệt từng làn đường riêng biệt bằng màu sắc. Theo đó, người sử dụng chỉ cần tải ứng dụng bản đồ metro và phân biệt các tuyến đường theo màu sắc.
Mọi chuyện càng dễ dàng hơn với tuyến metro đường tròn trung tâm - một trong những tuyến đường độc đáo tạo nên thương hiệu của Moscow Metro về độ tiện lợi.
Moscow có 14 tuyến metro, với 12 trong số đó giống như những con sông chằng chịt, đan xen vào nhau (các hệ thống điện ngầm ở những nước khác cũng tương tự). Nhưng Moscow Metro lại có 2 tuyến đường tròn bao quanh tất cả.
Ngoài chuyện tạo ra sự kết nối giữa tất cả các tuyến đường, 2 tuyến đường tròn này còn hiện đại, có bảng hướng dẫn tiếng Anh và tiện lợi cho những người muốn đi dạo vòng quanh Moscow.
Khuya 8-6, tôi rời Moscow để đến Petersburg. Trên hành trình hơn 600km đó, tôi chỉ bước đi trên những con đường của hệ thống tàu điện.
Rời khách sạn, tôi đi bộ khoảng 100m đến trạm tàu điện ngầm gần nhất - Smolenskaya - trước khi đón chuyến tàu đi thẳng đến trạm Kurskaya trong 15 phút. Và ở Kurskaya là trạm tàu điện đường sắt đi Petersburg.
5.500 rúp là giá cho vé đi xuyên thành phố trong 9 giờ đồng hồ.
Hệ thống tàu điện nối giữa các thành phố, giữa các sân bay và nội thành cũng là trọng điểm trong kế hoạch giao thông mùa World Cup 2018.
Nước Nga quá rộng lớn. Từ Kaliningrad qua Yekaterinburg hoặc đến Sochi là một bộ khung tam giác với đường đi gần 3.000km mỗi chặng, tương đương đi từ châu lục này sang châu lục khác. Sự thoải mái dành cho du khách được đặt lên đầu.
Quả thật, không có gì phải phàn nàn về chất lượng. So với metro, hệ thống tàu này sạch sẽ không kém và còn có hệ thống giường nằm, tuy khá chật nhưng cũng tương đối thoải mái.
Có mặt ở Petersburg sáng 9-6, thành phố du lịch số một nước Nga này tuy đông đúc và lại trong mùa du lịch nhưng nạn không phải vấn nạn ở Petersburg.
Cũng như Moscow, những đầu tư dành cho giao thông ở Petersburg là rất quy mô với mục tiêu: vì một kỳ World Cup không kẹt xe.
Ưu tiên đầu tư cho giao thông
Trong kế hoạch ban đầu, ngân sách cho World Cup 2018 là 18 tỉ USD. Nhưng khủng hoảng kinh tế năm 2015 khiến Chính phủ Nga quyết định cắt giảm con số này xuống còn khoảng 11 tỉ USD. Dù vậy, kinh phí dành cho việc tu sửa, xây dựng hệ thống giao thông vẫn giữ nguyên 4,5 tỉ USD như ban đầu - cho thấy nước Nga rất xem trọng vấn đề giao thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận