Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri Q.11 nêu vấn đề thủy điện xuất hiện ồ ạt, tàn phá rừng nhưng không trồng lại theo quy định, xả lũ gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Ông Lê Thanh Hải cho rằng bên cạnh mặt lợi thì hệ quả của thủy điện là rất nặng nề. Vừa qua Chính phủ loại khỏi quy hoạch 405 dự án thủy điện là một động thái tích cực, kiên quyết nhằm bảo vệ môi sinh, môi trường.
Cử tri Dương Minh Quốc (P.15, Q.11) kiến nghị phải xóa bỏ ngay tình trạng “đưa ra rồi rút vào” khi ban hành văn bản pháp luật. Cử tri Dương Minh Quốc cũng nêu một thực tế tại địa bàn có những thanh niên đào ngũ nên bị địa phương từ chối cho nhập hộ khẩu, dù sự việc đào ngũ đã xảy ra từ mười mấy năm. Một số cử tri khác đặt câu hỏi về hành động cụ thể của TP.HCM đối với việc ứng phó biến đổi khí hậu và cải cách giáo dục.
Ông Lê Thanh Hải đánh giá các ý kiến trên của cử tri là xác đáng, thực tiễn và thực tế, Đoàn đại biểu Quốc hội TP sẽ chuyển các ý kiến của người dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Về vấn đề đổi mới giáo dục và ứng phó biến đổi khí hậu, ông Lê Thanh Hải cho biết trên cơ sở những nghị quyết của trung ương, TP đã có những chương trình hành động cụ thể theo lộ trình đến năm 2015, 2020 và xa hơn.
* Trước đó vào buổi sáng, các đại biểu Quốc hội đơn vị 1 TP.HCM (Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Trần Du Lịch và ông Hoàng Hữu Phước) đã tiếp xúc cử tri Q.4. Thay mặt tổ đại biểu tiếp thu ý kiến, ông Trần Du Lịch nói ông cũng trăn trở về nạn tham nhũng như bà con cử tri. Nhưng muốn xử lý ai tham nhũng phải chỉ ra cụ thể.
Theo ông Lịch, phải đi vào đổi mới thể chế, đừng để lỗ hổng quá nhiều, tức phải chống tham nhũng từ gốc. Ông đơn cử đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa trước (khóa XII), Quốc hội đề nghị cần ban hành đạo luật về quản lý vốn kinh doanh nhà nước, minh bạch các hoạt động... “Nhưng thưa bà con, nghiên cứu mãi đến bây giờ chưa ra được” - ông Lịch nói. Ông cũng phân tích tại sao Vinashin có thể đầu tư thất thoát lớn như vậy là vì trong khi dự án quy mô 35.000 tỉ đồng phải đưa ra Quốc hội bàn thì hội đồng quản trị của Vinashin (thực chất là những người làm mướn cho Nhà nước) lại được quyền quyết định dự án quy mô đến 50.000 tỉ đồng.
Về việc ba “đại gia” viễn thông cùng tăng cước 3G vừa qua, bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông trả lời là tình cờ, nhưng ông Trần Du Lịch khẳng định: “Tôi cho rằng không phải tình cờ, không coi là bình thường được và đấy là trái luật về cạnh tranh chống độc quyền”.
* Cũng hôm qua, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tiếp xúc cử tri huyện Hòa Vang. Trả lời ý kiến cử tri về việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư biệt thự, sân quần vợt bị thua lỗ, ông Nguyễn Bá Thanh (trưởng Ban Nội chính trung ương) cho rằng phải phê phán tập đoàn này đầu tư ngoài ngành, quản lý vốn kém, không nên phê phán xây dựng biệt thư, bể bơi, sân quần vợt cho chuyên gia. “Bởi khi đã mời chuyên gia về thì cần phải có chỗ ăn, ở, hồ bơi cho họ giải trí. Không xây thì phải đi thuê, có khi đi thuê còn tốn kém hơn” - ông Thanh nói. Theo ông Thanh, hầu hết phản ảnh của cử tri đều chính đáng, chính quyền các cấp cần quan tâm, không nên quá cứng nhắc mà làm khó người dân.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận