29/08/2020 10:34 GMT+7

Hệ lụy từ nhiều thập niên tranh cãi y, i

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Câu chuyện Quy Nhơn hay Qui Nhơn (Tuổi Trẻ ngày 28-8) gợi lại câu chuyện còn tranh cãi trong hàng thập niên qua. Thực tế, không chỉ có Quy/Qui Nhơn mà nhiều tên địa danh cũng lộn xộn i, y.

Hệ lụy từ nhiều thập niên tranh cãi y, i - Ảnh 1.

Một vòng xoay ở TP Quy Nhơn, Bình Định. Theo nhiều nhà ngôn ngữ học, viết “Quy” là đúng chính tả - Ảnh: LÂM THIÊN

Lâu nay, cách viết chữ i hay y trong nhiều trường hợp vẫn có nhiều quan điểm khác nhau.

Cách viết nào chuẩn chính tả?

Theo PGS.TS Phạm Văn Tình - tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, trong chính tả tiếng Việt nếu âm uy với y là âm chính, u là âm đệm thì phải là y dài. Ví dụ như các từ: thúy, quý, hủy, quỷ, tủy, quy, quý, nguy… Như vậy, Quy Nhơn đúng chính tả phải được viết bằng y. 

Chỉ khi u là âm chính, i là âm đệm thì mới viết i ngắn, ví dụ như trong các chữ: thụi, túi, cúi, xúi, múi, khui, tui, hủi…Nếu viết Qui thì phải đọc thành "cui", không phải "quy" trong Quy Nhơn nữa. Vần i hay y là do vai trò của nó trong tiếng là âm chính hay âm cuối.

Tuy vậy, thực tế trong nhiều văn bản, thậm chí trong các sách giáo khoa, người ta vẫn bắt gặp các cách viết không chuẩn chính tả như: qui tắc (đúng phải là quy tắc), quí 3 (đúng phải là quý 3)… nhưng vẫn được chấp nhận.

Nhiều người có tên khai sinh được ghi là Quí nhưng không ai đọc tên đó là "cúi" mà đều đọc là Quý. Nhưng đây là tên riêng thì… đành chịu. Nhưng với trường hợp Quy Nhơn, theo ông Tình, không có gì lệ thuộc đến nỗi không thể dứt bỏ cách viết sai chính tả cũ để đưa về cách viết đúng chính tả tiếng Việt.

Ông Nguyễn Đăng Quang - nguyên giám đốc NXB Giáo Dục - cũng cùng quan điểm rằng chữ Quy Nhơn phải viết y dài. Ông Quang cho biết NXB Giáo Dục khoảng 20 năm trước từng ra một quy định riêng về việc viết i ngắn hay y dài trong sách giáo khoa của NXB này giống với quy định mà Bộ Giáo dục từng đưa ra. Theo đó, tất cả đều viết "i" ngắn trừ y đứng một mình, y đứng đầu từ và y trong vần "uy". 

Như vậy, dù "cực đoan" chuyển tất cả thành i ngắn sau các phụ âm h, k, l, m, s, t trong những âm tiết không có phụ âm cuối, nhưng các sách của NXB này cũng vẫn viết "quy" với y dài. Về việc tên Quy/Qui Nhơn từng được viết "Qui Nhơn" trong các từ điển trước đây, theo ông Quang, tiếng Việt ở thế kỷ 17-18 chưa định hình rõ ràng nên có thể có những văn bản viết Qui dùng i ngắn. 

Nhưng thế kỷ 20, tiếng Việt đã được định hình rõ ràng với những quy chuẩn chính tả được thống nhất thì phải viết Quy với y dài mới đúng.

Viện trưởng Viện Ngôn ngữ - GS.TS Nguyễn Văn Hiệp - cũng cho rằng theo chuẩn chính tả thì Quy Nhơn phải viết y dài, nhưng ông cũng nói riêng tên riêng thì "phải tôn trọng".

Trong khi đó lại có những quan điểm khác ngay trong chính giới ngôn ngữ, cho rằng trường hợp âm "uy" đi cùng với phụ âm "q" thì viết y dài hay i ngắn đều được. Và chính điều này gây nên nhiều hệ lụy trong thực tế.

Không chỉ là chuyện ngôn ngữ học

PGS.TS Hoàng Dũng (Trường đại học Sư phạm TP.HCM) là người theo quan điểm có thể viết cả y dài i ngắn trong từ Quy Nhơn, Phú Quý...

Về việc chính quyền tỉnh Bình Định vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng cho điều chỉnh tên TP Qui Nhơn thành Quy Nhơn, PGS.TS Hoàng Dũng nói chữ quốc ngữ viết Quy hay Qui thì đều đọc như nhau, nhưng đây không chỉ là chuyện ngôn ngữ học mà còn là chuyện hành chính.

Ông Hoàng Dũng phân tích, tại quyết định số 124/2004 ngày 8-7-2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam, tỉnh Bình Định có đơn vị hành chính cấp huyện là Qui Nhơn, trong khi trước đó các văn bản khác của Nhà nước ghi là Quy Nhơn.

Điều đáng nói là đối với trường hợp tương tự, quyết định số 124/2004 xử lý không nhất quán: có 39 trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong 21 tỉnh thành được viết với y dài (Quy, Quý, Quỳ), trong khi chỉ 11 trường hợp ở 8 tỉnh thành viết i (Qui, Quí). Có khi sự không nhất quán đó thể hiện ngay trong cùng một tỉnh: ở tỉnh Tuyên Quang có xã Đồng Quý nhưng lại có xã Quí Quân; ở tỉnh Thanh Hóa có các xã Cẩm Quý, Hoằng Quỳ, Hoằng Quý, Hóa Quỳ, Xuân Quỳ nhưng lại có xã Quí Lộc. 

Cũng trong văn bản này, không chỉ có TP Qui Nhơn mà còn có huyện đảo Phú Quí của tỉnh Bình Thuận, trong khi các văn bản hành chính của tỉnh này, cổng thông tin của huyện và tỉnh đều viết huyện Phú Quý.

Vì vậy, PGS.TS Hoàng Dũng cho rằng việc xử lý Quy Nhơn hay Qui Nhơn cần đặt trong tổng thể 50 trường hợp không nhất quán y/i trên đây. Ông kết luận: có thể thấy người soạn thảo văn bản cấp quốc gia và nhiều người trong chúng ta hoàn toàn không có ý thức về quy tắc chính tả có liên quan đến cách viết y/i. 

Do đó cần một quy định cấp quốc gia về chính tả trong văn bản hành chính, để tránh những sự cố tương tự như Qui/Quy Nhơn đang gặp phải.

Bác sĩ hay bác sỹ, tỉ lệ hay tỷ lệ?

Bộ GD-ĐT mới ban hành quy định về chính tả trong chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết - tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, quy định này chỉ quay lại với những quy định đã có trong quyết định số 240/QĐ ngày 5-3-1984 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục khi đó là bà Nguyễn Thị Bình ký.

Quyết định số 240 quy định về viết chữ "i" hay "y" sau các phụ âm h, k, l, m, s, t trong những âm tiết không có phụ âm cuối. Theo đó, tất cả đều viết "i" ngắn trừ y đứng một mình, y đứng đầu từ và y trong vần "uy".

Ví dụ cần viết là "bác sĩ", không viết "bác sỹ"; viết "tỉ lệ", chứ không viết "tỷ lệ"... còn Quy Nhơn thì phải viết y dài.

Ngổn ngang lỗi chính tả Ngổn ngang lỗi chính tả

TT -“Chữ quốc ngữ có được cương vị thật sự sau Cách mạng Tháng Tám. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ văn bản nào của Nhà nước (cấp quốc gia) công nhận đó là quốc tự. Ngay cả tiếng Việt cũng chưa được ghi trong hiến pháp là ngôn ngữ quốc gia...”.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp