Đây là thông tin mới nhất vừa được lãnh đạo các ngân hàng này trả lời cổ đông tại đại hội đồng cổ đông 2023.
Tại đại hội đồng cổ đông năm 2023 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) diễn ra hôm nay 21-4, trả lời cổ đông, ông Phạm Quang Dũng - chủ tịch Vietcombank - cho biết Vietcombank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém.
Hiện nay, Vietcombank đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương, phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém. Đến nay phương án nhận chuyển giao đã được trình và đang chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Liệu đây là cơ hội hay là trách nhiệm chính trị đối với Vietcombank?
"Đây là một phần trách nhiệm, bởi chúng ta chỉ làm tốt trong một hệ thống ngân hàng ổn định. Mặt khác, đây cũng là một cơ hội cho Vietcombank. Với những hỗ trợ, điều kiện từ phía Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tạo ra cho ngân hàng động lực mới, cơ hội phát triển mới trong thời gian tới" - ông Dũng trả lời.
Chia sẻ thêm về kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém, ông Dũng cho hay chưa đưa việc sáp nhập này vào kế hoạch kinh doanh năm 2023, cũng như kế hoạch đến năm 2025. Khi nào việc nhận được chuyển giao chính thức mới đưa vào kế hoạch.
Ngoài Vietcombank, tại đại hội đồng cổ đông năm 2023 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa diễn ra trong tuần này, lãnh đạo VPBank cũng báo cáo cổ đông về thông tin nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém.
Ông Ngô Chí Dũng - chủ tịch hội đồng quản trị VPBank - cho hay VPBank là một trong bốn ngân hàng tham gia vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, nhận chuyển giao bắt buộc.
"Chúng tôi đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất cơ quan chức năng. Hiện tại chúng tôi mới chỉ có thể thông tin như vậy" - ông Dũng nói.
Tại đại hội cổ đông của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) diễn ra chiều 21-4, hội đồng quản trị MSB trình cổ đông thông qua việc sáp nhập một tổ chức tín dụng tại Việt Nam.
Ngân hàng cho biết mục đích của việc nhận sáp nhập nhằm tận dụng được hệ thống mạng lưới, nhân sự nhằm tăng quy mô hoạt động của MSB, triển khai thành công chiến lược số hóa ngân hàng.
Trong tờ trình, MSB nhấn mạnh dự kiến tổ chức tín dụng sáp nhập vào MSB là một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường ở Việt Nam, với các tiêu chí về tổng giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường, có chất lượng tín dụng tốt.
MSB đã có kinh nghiệm từ năm 2015 nhận sáp nhập thành công Ngân hàng TMCP Phát triển Mekong (MDB), mua lại Công ty Tài chính dệt may cũng như việc hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận