Mạnh Vãn Chu đến tòa án ngày 1-10. Bà được cho tại ngoại sau khi bảo lãnh 7,5 triệu USD và được sống trong nhà riêng nhưng bị giám sát, giới hạn thời gian đi lại - Ảnh: REUTERS
Bà Mạnh, 47 tuổi, giám đốc tài chính toàn cầu (CFO) của Tập đoàn Huawei, bị bắt vào tháng 12-2018 tại Vancouver (Canada) theo yêu cầu của Mỹ.
Con gái của nhà sáng lập Huawei là Nhậm Chính Phi bị cáo buộc đã lách lệnh trừng phạt của Mỹ để làm ăn với Iran.
Phía Mỹ đã yêu cầu Canada cho dẫn độ bà Mạnh sang nước này để tiến hành điều tra. Song sau hơn 9 tháng trôi qua, mọi thứ vẫn đứng yên một chỗ.
Các luật sư của bà Mạnh đã tìm nhiều cách để trì hoãn việc dẫn độ sang Mỹ, bao gồm cả chuyện dẫn ra phát biểu của ông Trump về Huawei và thương chiến để chứng minh có động cơ chính trị trong vụ bắt giữ.
Chiến thuật đã được thay đổi gần đây khi các luật sư quay sang tìm bằng chứng cho thấy cảnh sát Canada đã vi phạm các quyền cơ bản của bà Mạnh trong quá trình bắt giữ. Họ hi vọng nếu chứng minh được thân chủ của mình đã bị xâm phạm nhân quyền, quá trình dẫn độ có thể bị dừng lại.
Tuy nhiên, trong quá trình tìm kiếm, các luật sư của bà Mạnh dường như đã không tìm được thứ mình muốn. Trong phiên tòa ngày 1-10, họ khẳng định có khả năng nhà chức trách Canada đang bưng bít các thông tin gì đó về sự lạm dụng thẩm quyền trong việc bắt giữ CFO Huawei.
Các luật sư của bà Mạnh còn cáo buộc các nhân viên công vụ của Cơ quan Biên phòng Canada (CBSA), Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã “hiệp lực” tiến hành điều tra “lén lút” thân chủ của mình ngay tại sân bay Vancouver sau khi bị bắt, vi phạm các quyền của bà Mạnh theo hiến pháp.
Luật sư Diba Majzub, đại diện cho Chính phủ Canada, cho rằng các nhân viên CBSA đã sơ suất khi cung cấp cho RCMP mật khẩu các thiết bị điện tử của bà Mạnh. RCMP khẳng định họ đã không sử dụng mật khẩu hay tiến hành truy cập các thiết bị này.
Luật sư Majzub cũng khẳng định chỉ vài ngày sau khi bà Mạnh bị bắt, FBI mới gửi yêu cầu qua kênh chính thức, đề nghị phía Canada cung cấp các thông tin khai thác được từ cuộc thẩm vấn hơn 3 tiếng ở sân bay.
"Điều đó cho thấy không có bất kỳ sự cấu kết nào từ trước", luật sư Majzub khẳng định.
Vụ bắt giữ bà Mạnh đã đẩy quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Canada vào giai đoạn sóng gió, đồng thời khiến chính quyền của Thủ tướng Justin Trudeau bị chỉ trích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận