05/05/2016 08:45 GMT+7

Siêu dự án thủy lộ sông Hồng kết nối với Trung Quốc

CẦM VĂN KÌNH - ANH ĐỨC (dangdv@tuoitre.com.vn)
CẦM VĂN KÌNH - ANH ĐỨC ([email protected])

TTO - Báo cáo chi tiết dự án giao thông xuyên Á trên sông Hồng mà Tuổi Trẻ có được đã hé lộ thêm mục tiêu chủ đầu tư muốn tăng khả năng kết nối thủy lộ thẳng từ Trung Quốc dọc sông Hồng, qua Hà Nội và nhiều tỉnh, tới các cảng biển phía Bắc.

Tàu thuyền vận tải trên sông Hồng đoạn chảy qua cầu Thăng Long, Hà Nội - Ảnh: Hoài Linh
Tàu thuyền vận tải trên sông Hồng đoạn chảy qua cầu Thăng Long, Hà Nội - Ảnh: Hoài Linh

 

Theo báo cáo chi tiết dự án, Công ty TNHH Xuân Thiện (Ninh Bình) dự tính làm siêu công trình trị thủy kết hợp thủy điện, thủy lợi trong thời gian khá nhanh, chỉ sáu năm.

Chủ đầu tư cũng công bố sẽ miễn toàn bộ phí cho các phương tiện vận tải trong ba năm đầu.

Kết nối vận tải quy mô lớn

Theo văn bản số 071/CV-XT gửi đi ngày 7-1-2016 của Công ty Xuân Thiện được Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) tiếp nhận, siêu dự án thủy lộ xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện (Tuổi Trẻ ngày 4-5) được khẳng định “rất cần thiết” để đầu tư.

Bởi theo Công ty Xuân Thiện, sông Hồng bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) chảy qua nhiều tỉnh thành từ Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội... ra đến cửa Ba Lạt (Nam Định). Con sông có tổng chiều dài 556km, là tuyến sông lớn duy nhất của miền Bắc có thể tổ chức liên vận hàng hóa.

Chủ đầu tư cũng không giấu tham vọng sẽ kết nối thẳng thủy lộ với Trung Quốc để từ đây có thể tổ chức vận tải hàng hóa từ Trung Quốc ra các cảng biển VN cũng như từ các cảng biển VN tới Trung Quốc qua đường thủy.

Cho rằng khu vực trung du miền núi phía Bắc có nhiều mỏ khoáng sản, nhu cầu vận chuyển quặng, hàng hóa giao thương trong khu vực, hàng hóa quá cảnh từ Trung Quốc là rất lớn, báo cáo của Công ty Xuân Thiện nêu do sông Hồng chưa được cải tạo nên hàng hóa hiện nay phải vận chuyển bằng đường bộ và đường sắt.

Với đề xuất làm sáu đập và âu tàu để nâng mực nước, chủ đầu tư cũng cho thấy mong muốn đường vận tải này sẽ cho phép những con tàu trọng tải lớn có thể đi qua khi đưa ra viễn cảnh: việc đầu tư nâng cấp tuyến sông Hồng sẽ tận dụng được tiềm năng sông ngòi sẵn có, tận dụng được ưu thế vận tải thủy để vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng với cước phí thấp, ít gây ô nhiễm...

Theo ông Nguyễn Xuân Tự - vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư Bộ KH-ĐT, đề xuất của Xuân Thiện mới là bước rất ban đầu, chưa thể nói là nghiên cứu tiền khả thi trong các dự án đầu tư.

Tuy nhiên, trong văn bản trình Thủ tướng, Bộ KH-ĐT xác định dự án này phù hợp với nhiều tuyến giao thông mà Bộ Giao thông vận tải đã quy hoạch. Đặc biệt, dự án sẽ kết nối được với tuyến thủy lộ Hải Phòng - Việt Trì (Phú Thọ) và Hà Nội - Lạch Giang (Nam Định) mà Bộ Giao thông vận tải đã và đang đầu tư.

Công nhận việc dự tính làm thủy điện nhỏ của Xuân Thiện trên sông Hồng là chưa có trong quy hoạch điện VII (giai đoạn 2011-2020), chưa có trong quy hoạch thủy lợi, tài nguyên nước, quy hoạch phòng chống lũ và đê điều, Bộ KH-ĐT cho rằng mục tiêu của dự án “đáp ứng nhu cầu giao thông là số 1”.

Nhiều bộ, địa phương ủng hộ

Mặc dù chưa đề ra địa điểm đặt sáu thủy điện trên sông Hồng, đề án của Công ty Xuân Thiện đã định hướng làm bảy cảng và âu tàu trên dọc tuyến thủy lộ, đó là: cảng Phố Mới (Hưng Yên), cảng Apatit và cảng Quý Xa (Lào Cai), cảng Văn Phú (Yên Bái), cảng Ngọc Tháp và Cổ Tiết (Phú Thọ), cảng Bắc Hà Nội.

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, dự án của Công ty Xuân Thiện đã được gửi xin ý kiến của Bộ Quốc phòng.

Về cơ bản Bộ Quốc phòng không phản đối chủ trương đầu tư. Trong văn bản của Bộ KH-ĐT trình Thủ tướng, quan điểm của Bộ Quốc phòng được trích dẫn “thống nhất chủ trương đầu tư dự án, quá trình thực hiện cần phối hợp chặt chẽ với Bộ tư lệnh Quân khu 2, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai để giải quyết các nội dung có liên quan đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng”...

Văn bản của Bộ KH-ĐT cũng cho biết hai tỉnh thành có ảnh hưởng nhiều là Yên Bái và Lào Cai đều đã đồng ý về chủ trương tiến hành dự án.

Trao đổi qua điện thoại với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Xuân Nguyên - phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - cho biết tỉnh này đã có văn bản đồng ý.

Tuy nhiên, theo ông Nguyên, đó mới là đồng ý về chủ trương, sau đó còn rất nhiều tầng nấc. Cho rằng đây là dự án quan trọng, ông Nguyên nêu sau chủ trương sẽ còn nhiều việc phải làm và các bộ ngành sẽ cần tiến hành nhiều bước, trong đó tỉnh sẽ quan tâm đến các vấn đề như các yếu tố an toàn, đảm bảo môi trường (như mức độ ngập lụt thượng lưu, khả năng thoát lũ, sạt lở, an toàn đê điều...).

Ông Nguyên nhận định “trị thủy sông Hồng không đơn giản” và nêu tỉnh mới đồng ý về chủ trương, các bước tiếp theo tỉnh sẽ có ý kiến tiếp nhưng tinh thần là “sẽ phải rất thận trọng” - ông Nguyên nói.

Bộ Tài chính: “Dự án không đảm bảo khả năng tự hoàn vốn”

Được cả Bộ Giao thông vận tải và Bộ KH-ĐT xin ý kiến, Bộ Tài chính là bộ có ý kiến rất chi tiết, trong đó thể hiện cả ý kiến chuyên ngành tài chính và phi tài chính.

Khẳng định “dự án không đảm bảo khả năng tự hoàn vốn”, Bộ Tài chính phân tích: công trình thủy điện có yêu cầu kỹ thuật, an toàn nghiêm ngặt, nên kết hợp thủy điện với cảng giao thương cần đánh giá tác động qua lại, rủi ro, phương án giải quyết khi xảy ra sự cố.

Ngoài ra, một số đập sẽ nằm rất gần các cầu hiện có, cần đánh giá tác động địa chấn của các đập đầu mối nhằm đảm bảo an toàn khi lưu thông trên cầu.

Về vốn đầu tư, Bộ Tài chính nêu các tính toán của Xuân Thiện mới là sơ bộ, đầu tư thực tế còn phụ thuộc vào việc sẽ dùng công nghệ nào, phương án giải phóng mặt bằng, lãi vay...

đề nghị Nhà nước hỗ trợ như miễn các loại thuế sử dụng đất, thuế tài nguyên nước, thuế dịch vụ môi trường rừng; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tới thời điểm hoàn vốn, theo Bộ Tài chính, là chưa phù hợp quy định pháp luật hiện hành.

Với đề xuất miễn phí ba năm đầu cho mọi phương tiện, Bộ Tài chính “nhắc” nghị định của Chính phủ đã giao việc quy định phí này cho Bộ Tài chính. Vì vậy, nếu cóthì bộ này mới là đơn vị ra thông tư quy định đối tượng nào được miễn, mức thu phí bao nhiêu...

Một chuyên gia Tập đoàn Điện lực VN (EVN) băn khoăn về trình tự mà Xuân Thiện đang tiến hành.

Lý do, về nguyên tắc, dự án của Xuân Thiện là dự án nhóm A, lại chưa có trong quy hoạch ngành, nên theo quy định của điều 8, nghị định 59/2015, chủ đầu tư sẽ phải báo cáo bộ quản lý ngành (Bộ Giao thông vận tải) hoặc trình Thủ tướng chấp nhận bổ sung quy hoạch trước khi lập báo cáo tiền khả thi làm cơ sở để Thủ tướng xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư.

Trong khi đó, dự án của Xuân Thiện lại chưa có trong quy hoạch nhiều ngành, lại đã xin chủ trương đầu tư chung cho tất cả các hạng mục. Vì vậy, theo vị chuyên gia này, EVN đã “đề nghị chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ, trình tự thủ tục theo quy định”.

Cảnh báo của Bộ KH-ĐT

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trong văn bản trình Thủ tướng ngay trước đợt nghỉ lễ 30-4 đã đánh giá việc nghiên cứu, khai thác hiệu quả tiềm năng sông Hồng… là cần thiết.

Tuy nhiên, do phạm vi ảnh hưởng rộng, liên quan đến cả cấp nước, giao thông, thoát nước, nông nghiệp, thủy sản, môi trường, thậm chí cả an ninh quốc phòng… nên ngoài những tác động tích cực, “dự án có thể tác động tiêu cực đến nhiều địa phương, các ngành liên quan.

Cần phải tiếp tục phân tích làm rõ, cân nhắc về từng mục tiêu trong các giai đoạn nghiên cứu tiếp theo”…

Theo văn bản của Bộ KH-ĐT, Công ty Xuân Thiện đã đề xuất giá điện bán ra từ sáu nhà máy thủy điện trên sông Hồng và mức giá này “là cao” (1.900 đồng/kwh trong 5 năm đầu, 5 năm tiếp theo 2.380 đồng/kwh, các năm tiếp theo tối thiểu 2.970-3.560 đồng/kwh).

Bộ KH-ĐT chỉ thẳng: giá này không phù hợp với lộ trình, cấp độ phát triển thị trường điện theo quyết định của Thủ tướng. Nên “nếu giá bán điện được thông qua, Chính phủ sẽ phải hỗ trợ giá bán điện cho nhà đầu tư” - Bộ KH-ĐT cảnh báo.

Văn bản của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề ra hướng yêu cầu chủ đầu tư tính toán bổ sung các phương án đầu tư khác, như phương án chỉ cải tạo luồng lạch, không xây dựng đập thủy điện…

Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án trên, giao Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành…

CẦM VĂN KÌNH - ANH ĐỨC ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp