Lực lượng cảnh sát bắt tàu khai thác cát trái phép trên sông Thu Bồn - Ảnh: MẠNH TRƯỜNG
Sáng 8-12, kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X tiếp tục ngày làm việc thứ hai với phiên chất vấn, trả lời chất vấn.
Xử phạt nhiều doanh nghiệp
Đại biểu đặt câu hỏi về tình hình quản lý, cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản trong thời gian qua, giải pháp nâng cao hiệu quả việc ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là khai thác cát, sỏi lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn.
Ông Trần Thanh Hà - giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Quảng Nam - cho biết thời gian qua, sở đã tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, tham mưu cấp phép hoạt động khoáng sản phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, quy trình cấp phép đúng trình tự.
Tính đến ngày 30-11-2021, trên địa bàn tỉnh có 86 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, bao gồm 6 giấy phép do Bộ Tài nguyên và môi trường cấp và 80 giấy phép do tỉnh cấp.
Trong năm 2021, sở đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 27 đơn vị khai thác khoáng sản, phát hiện các hành vi vi phạm của 14 đơn vị như lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích, khai thác ngoài diện tích được cấp phép, không lắp đặt trạm cân theo quy định, khai thác không đúng trình tự.
Đã xử phạt và tham mưu tỉnh xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 723 triệu đồng, truy thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường với tổng số tiền hơn 1,3 tỉ đồng và buộc các đơn vị thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Ông Trần Thanh Hà - giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Quảng Nam - trả lời chất vấn - Ảnh: LÊ TRUNG
Chậm đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu?
Liên quan đến nhiều ý kiến việc đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu chậm gây nên nhiều hệ lụy, theo ông Hà, sở đã tổ chức kiểm tra thực tế hiện trạng mỏ vàng này, làm việc với Tổng cục Địa chất khoáng sản Việt Nam về các vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ.
Sở cũng tham mưu, đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tài nguyên và môi trường đẩy nhanh tiến độ phê duyệt đề án đóng cửa mỏ, giao tỉnh tổ chức thực hiện đề án. Bộ đã có công văn báo cáo Chính phủ về các vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án đóng cửa mỏ.
Văn phòng Chính phủ đã có công văn lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh đối với 2 phương án thực hiện đề án đóng cửa mỏ theo đề xuất của bộ. Tỉnh đang chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ để tổ chức thực hiện.
Việc chậm đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu gây nhiều hệ lụy về môi trường, nạn khai thác vàng trái phép phức tạp - Ảnh: LÊ TRUNG
Đại biểu Phạm Văn Đốc - bí thư Huyện ủy Tiên Phước - đặt câu hỏi: Vấn đề mỏ vàng Bồng Miêu kéo dài chưa có giải pháp, tình trạng khai thác vàng trái phép, mỗi lần mưa xuống sông Tiên (huyện Tiên Phước) nước chảy xuống ô nhiễm, cá chết, sở có giải pháp gì căn cơ hơn?
Ông Hà cho biết sở rất "trăn trở" về việc đóng cửa mỏ vàng này, trong khi phê duyệt đóng cửa mỏ là thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và môi trường. "Trong thời gian tới sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác vàng trái phép, ô nhiễm, tiếp tục làm việc với bộ về đề án đóng cửa mỏ" - ông Hà nói.
Từ tháng 3-2016, giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty TNHH vàng Bồng Miêu hết hạn. Tỉnh Quảng Nam trình Bộ Tài nguyên và môi trường phê duyệt đề án đóng cửa mỏ, nhưng sau 5 năm vẫn chưa được phê duyệt.
Công ty bị thua lỗ, phá sản, nợ hơn 117 tỉ đồng, trong đó tiền thuế, tiền phạt hơn 64 tỉ đồng, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp hơn 53 tỉ đồng, Nhà nước không thể thu hồi khoản nợ này được.
Đến nay căn cứ nghị quyết số 94 của Quốc hội, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện khoanh nợ và có văn bản đề nghị xóa tiền chậm nộp gửi Tổng cục Thuế theo quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận