02/05/2015 10:40 GMT+7

​Hãy tỏ bày với ba mẹ đi!

THU HÀ
THU HÀ

TT - Trong buổi nói chuyện, một bạn sinh viên kể: “Ngày xưa tôi giận ba lắm tại vì ba hay đánh tôi”.

Tiến sĩ Menis trò chuyện với chàng trai áo trắng là “Hãy nói con yêu cha” - Ảnh: A.K.

Tiến sĩ tâm lý học từ Anh Menis Yousry đề nghị: “Anh hãy nhớ lại khoảnh khắc ngày xưa bị cha đánh, ngay lúc đó anh cảm thấy thế nào?”. 

Buổi nói chuyện do Tổ chức giáo dục Adam Khoo tổ chức mới đây ở TP.HCM. Bạn sinh viên chuyển ngay sang nói bằng tiếng Anh, rằng lúc đó thấy giận cha, thấy ghét cha.

Tiến sĩ nói: “Anh đã và đang tạo cho mình một vỏ bọc, nhưng càng bọc kỹ thì nỗi oan ức, sự tổn thương sẽ vẫn còn trong lòng. Khi buồn anh cứ khóc đi, bởi sự yếu đuối hoàn toàn bình thường. Nếu anh cho người ta thấy sự yếu đuối của mình thì người ta sẽ không làm anh tổn thương đâu”. 

Ông Menis cho rằng thật ra cha mẹ rất yêu con, tuy nhiên kiểu yêu của cha mẹ thường không như cách mà con cái muốn được nhận. Có cha mẹ bắt con học thật nhiều để sau này có nghề nghiệp tốt. Có cha mẹ lại cứ ép con phải ăn thật nhiều, có cha mẹ lại nghiêm khắc, đánh con rất đau. Có cha mẹ tối ngày lo làm giàu mong xây nhà xây cửa cho con... 

Một bạn là sinh viên khoa tâm lý Đại học Sư phạm lên hỏi cách làm sao để có thể trở thành người tràn đầy tình yêu thương? Tiến sĩ đã hỏi về cha mẹ bạn ấy và được biết mối quan hệ của cha mẹ không ổn. “Chính vì thế bạn đã học chuyên ngành tâm lý phải không?” - tiến sĩ hỏi.

Rồi ông nói ước mơ của những người con là muốn giúp cha mẹ hạnh phúc. Khi thấy cha mẹ không tự có trách nhiệm với cuộc sống của mình thì người con trở nên có trách nhiệm với cha mẹ. Nhưng con cái còn quá nhỏ không thể lo cho cha mẹ được, con không bao giờ cứu rỗi được cha mẹ.

“Hãy học cách chấp nhận, hãy để họ làm điều họ muốn làm. Khi biết chấp nhận bạn sẽ trở nên tự do. Và khi bạn tự do, bạn sẽ tràn đầy tình yêu thương. Lúc đó cha mẹ bạn cũng sẽ được hưởng hạnh phúc từ bạn” - tiến sĩ Menis chia sẻ.

Tiến sĩ Menis nói: “Tôi chưa gặp ai từng sống sót qua thời thơ ấu mà chưa từng có tổn thương! Và thật buồn, nhiều nhất lại là những nỗi tổn thương từ cha mẹ”.

Ông kể: “Khi ở Anh, tôi đã gặp một số người có vấn đề mâu thuẫn với cha mẹ. Mâu thuẫn lớn tới mức họ đã bỏ quê hương sang Úc, một châu lục khác để trốn khỏi cha mẹ. Nhưng rồi khi đã đi Úc, sinh sống và làm việc ở Úc, hóa ra họ vẫn mang cha mẹ đi theo trong lòng họ”.

“Chúng ta không cần cố tha thứ cho cha mẹ, không cần cố yêu cha mẹ, cũng không cần cố ghét cha mẹ. Hãy mang cha mẹ trong tim chúng ta, bất kể nơi đâu chúng ta đi” - ông Menis nói. Ông giải thích: bởi mối quan hệ này là bí mật của vũ trụ.

Bạn không thể trốn tránh, không thể can thiệp, ngay từ trước khi bạn biết suy nghĩ và biết nói. Và sự bình an với cha mẹ là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất để bạn có mọi tình yêu khác trong cuộc sống. 

Điểm mấu chốt của buổi trò chuyện là lời ông Menis nói với các bạn trẻ: “Hãy tỏ bày với cha mẹ đi!”. Ông cho rằng với văn hóa Á Đông, vốn không quen bộc lộ tình cảm ra ngoài thì phản ứng của cha mẹ có thể sẽ làm bạn bị sốc. Nhưng cứ mạnh dạn “chấp nhận rủi ro” để bày tỏ.

Cứ nói: “Từ xưa tới giờ con chưa bao giờ nói điều này, nhưng giờ con muốn nói là con yêu cha mẹ lắm”. “Hãy xác định nói ra là để cho chính bạn, để tâm hồn bạn được thanh thản, đừng lo lắng xem cha mẹ sẽ phản ứng thế nào” - tiến sĩ Menis kết luận. 

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp