03/07/2019 09:42 GMT+7

Hãy tiết kiệm… rừng

NGỌC LƯU (Quảng Nam)
NGỌC LƯU (Quảng Nam)

TTO - Từ những cánh rừng bị cháy, hãy nghĩ đến việc điều tiết nhu cầu sử dụng gỗ của chính mình (dù là gỗ rừng trồng) cũng là một cách tiết kiệm rừng.

Hãy tiết kiệm… rừng - Ảnh 1.

Các lực lượng tham gia chữa cháy rừng ở Nam Đàn, Nghệ An - Ảnh: KIM NAM

Không phung phí các sản phẩm từ rừng, tôi nghĩ sẽ tiết kiệm được rừng và cũng để quý trọng rừng hơn, quý trọng môi trường sống của chúng ta.

Chúng ta thường xuyên bắt gặp những cảnh báo về nguy cơ cháy rừng trong các bản tin thời tiết, và điều đó ít nhiều chi phối sự quan tâm của mỗi người. 

Nhưng với những ngày qua, khi mà nhiều cánh rừng ở các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Phú Yên biến thành biển lửa, trong sự tiếp sức của gió Lào, dưới cái nắng nóng khốc liệt, chúng ta có cảm giác như lửa cháy trong lòng, bởi không biết làm sao để ngăn được những đám cháy kia.

Nhìn lại những thống kê về thiệt hại rừng, tôi bỗng nhận ra hàng nghìn hecta rừng bị thiêu rụi trong mùa hè này hầu hết là rừng thông, keo, bạch đàn... 

Chúng không phải là rừng nguyên sinh hay rừng tự nhiên mà là rừng sản xuất, tức nơi cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến giấy, đồ gỗ.

Dòng rừng mới

Từ hơn 10 năm trở lại đây, trồng keo, bạch đàn, thông... đã trở thành giải pháp giúp người dân nhiều nơi thoát nghèo và làm giàu một cách tự tin. 

Dọc đường Hồ Chí Minh đi qua nhiều tỉnh, nơi khoảng 10 năm về trước là các quả đồi chỉ toàn dây leo bụi rậm, nay đã là rừng trồng bạt ngàn.

Tôi có người nhà sống gần khu vực có rừng sản xuất tại huyện Hiệp Đức (Quảng Nam), nên được biết nhiều năm nay, phong trào trồng rừng bền vững theo chứng chỉ FSC (tiêu chuẩn rừng quốc tế do Hội đồng quản trị rừng thế giới cấp) đã thu hút nhiều người dân tham gia, thậm chí còn hi sinh diện tích hoa màu để trồng rừng theo chương trình này. 

Bởi lẽ, trồng rừng theo chứng chỉ FSC thì gỗ keo lâu năm (trên 7 năm) bán ra nước ngoài mang lại giá trị kinh tế cao hơn lấy dăm, sản xuất giấy phục vụ nhu cầu trong nước.

Không chỉ ở miền Trung, mà các tỉnh vùng Đông Nam Bộ như Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh... cũng có số lượng rừng sản xuất loại keo lai lớn theo chứng chỉ FSC. 

Được biết, keo lai có đặc tính sinh trưởng nhanh, cành lá phát triển mạnh, chỉ cần 1-2 năm rừng đã khép tán, chống chịu sâu bệnh hại tốt, có khả năng thích ứng với nhiều điều kiện địa chất và các loại đất khác nhau. 

Nhờ đó loại cây này còn được xem như có giá trị về mặt cải tạo đất (trả lại một lượng cành lá rụng tạo nên độ che phủ cho đất), chống xói mòn. 

Tuy nhiên, có một đặc tính khác của giống cây này cùng với bạch đàn cao sản là dễ cháy, nhất là những cây đã được trồng trên 4 năm (5 năm thu hoạch làm giấy, 7 năm thu hoạch làm gỗ dán, ván dán hay gỗ xe). 

Có thể nói, vì hàm lượng xenlulô cao đến 45,36% là nguyên nhân khả năng bắt lửa nhanh của keo lai.

Để quý trọng rừng hơn

Nhìn lại nguyên nhân của khởi nguồn vụ cháy ở nhiều tỉnh thành trong nhiều năm qua, ta thấy rõ chỉ cần một hành động thiếu cân nhắc của một cá nhân thì hàng nghìn người phải gồng mình giải quyết hậu quả, những mảng xanh hiếm hoi và công sức, tiền của biến mất.

Phải làm sao để nâng cao nhận thức của mọi người về cháy rừng? Liệu những cảnh báo về vi phạm pháp luật, những nhắc nhở về tác hại cháy rừng trên các phương tiện truyền thông đã đủ chưa? 

Hay cần có quy ước ứng xử cộng đồng để "rót" thông tin đến tận từng hộ dân nhằm hạn chế nhân tai mỗi khi mùa khô đến?

Chống cháy rừng rõ ràng cần nhiều biện pháp cho lực lượng chức năng, chính quyền, chủ rừng, đến người dân. Song song đó, từ phía người tiêu dùng, tôi cũng tự nhìn lại nhu cầu của bản thân trong lựa chọn tiêu dùng mỗi ngày, liên quan đến rừng.

Mỗi ngày chúng ta cần bao nhiêu sản phẩm được làm từ thành phẩm của các loại cây trong rừng. Từ giấy cho đến đồ gia dụng bằng gỗ, từ gỗ làm nhà cho đến gỗ làm tủ, giường, bàn, ghế... 

Nhu cầu sử dụng gỗ nhiều vô kể, là nguyên do tạo nên những cánh rừng trồng thay cho rừng tự nhiên. Những sản phẩm làm từ gỗ công nghiệp đã dần thay thế gỗ tự nhiên trong đời sống hôm nay. 

Rừng nguyên sinh quý giá đã mất, giờ thì còn rừng trồng và chúng ta thấy nó cần thiết và giá trị biết bao với đời sống hiện tại.

Những điều ấy khiến tôi nhận ra mình không hoàn toàn vô can với rừng nếu sử dụng phung phí các loại giấy có thành phần sản xuất từ vụn gỗ công nghiệp, hay chỉ được tái chế từ gỗ thông pallet. Thủy tinh làm từ cát, sứ ra đời nhờ có đất, sắt thép đến từ quặng..., còn giấy làm từ cây. Thay vì thải bỏ sau một lần sử dụng, tôi tự nhủ mình cần khai thác tối đa công năng của một món đồ mà mình lựa chọn hoặc trót sở hữu, để gìn giữ thiên nhiên nhiều hơn.

Không phung phí các sản phẩm từ rừng, tôi nghĩ sẽ tiết kiệm được rừng và cũng để quý trọng rừng hơn, quý trọng môi trường sống của chúng ta.

Vô ý gây cháy rừng

Ngày 2-7, Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Phan Đình Thành (46 tuổi, trú tại thôn 7, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân) về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.

Ông Thành khai trưa 28-6 ông ra vườn gom rác lại đốt. Nắng nóng và gió lớn đã khiến đám cháy bùng phát và nhanh chóng lan rộng ở rừng thông Hồng Lĩnh.

Tại huyện Nam Đàn (Nghệ An), công an huyện này cũng vừa làm rõ nghi phạm Nguyễn Đình Trường là người gây ra vụ cháy hơn 1ha rừng ở xã Nam Tân. Ông Trường khai hút thuốc lá gây cháy rừng.

V.ĐỊNH - D.HÒA

Cận cảnh rừng Hà Tĩnh tan hoang sau 3 ngày đêm cháy như biển lửa

TTO - 'Giặc lửa' hoành hành, quét qua những cánh rừng ở Hà Tĩnh những ngày qua để lại cảnh tro tàn tan hoang.

NGỌC LƯU (Quảng Nam)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp